Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện nghi thức ký kết hợp tác.(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 10/1, tại TPHCM đã diễn ra Hội thảo “Phật giáo vùng Nam bộ: Sự hình thành và phát triển” do Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TPHCM) đồng tổ chức, thu hút hơn 200 học giả là các nhân sĩ trí thức, nhà quản lý, chư tôn đức, tăng ni Phật tử, các nhà nghiên cứu trong cả nước tham dự.
Hội thảo nhằm làm rõ các giai đoạn lịch sử của quá trình truyền bá, phát triển và tiếp biến văn hóa của Phật giáo trên vùng đất Nam bộ, cũng như xác nhận tầm ảnh hưởng của Phật giáo trong đời sống tinh thần và xã hội của các cộng đồng người Việt, Hoa và Khmer ở Nam bộ.
Tại hội thảo, các tác giả đã cung cấp cái nhìn tổng quan về sự hình thành và phát triển của Phật giáo vùng Nam bộ, đồng thời khái quát các khuynh hướng và phương pháp mới trong nghiên cứu Phật giáo tại địa phương. Các nghiên cứu cũng tập trung nêu bật vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo đối với quá trình vận động và phát triển của xã hội vùng Nam bộ trong một giai đoạn lịch sử đầy biến động của cả dân tộc, đồng thời cũng cho thấy sự phát triển vượt bậc của Phật giáo vùng Nam bộ từ phong trào chấn hưng Phật giáo những năm đầu thế kỷ XX cho đến sự hội nhập của Phật giáo Việt Nam vào quá trình đổi mới đất nước trong những năm cuối thế kỷ XX - đầu thế kỷ XXI.
Nội dung các nghiên cứu chứng minh tính linh hoạt và thích ứng của Phật giáo trong mọi hoàn cảnh lịch sử, góp phần đồng hành cùng dân tộc Việt Nam bảo vệ xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp. Các tác giả cũng đã nêu lên được những đóng góp thiết thực của Phật giáo tại các tỉnh, thành phố trong giai đoạn hội nhập hiện nay, góp phần vào sự phát triển kinh tế văn hóa xã hội tại địa phương Nam bộ.
Các học giả cho rằng, văn hóa và đời sống tinh thần của các tộc người tại vùng Nam bộ gắn liền với bản sắc văn hóa Phật giáo. Trong công cuộc khẩn hoang, xây dựng, tổ chức sinh sống và đoàn kết đấu tranh vì độc lập, tự do và chủ quyền lãnh thổ trên vùng đất mới Nam bộ, Phật giáo đã có vai trò lớn, không chỉ góp phần phát triển vùng đất mới ngày càng trù phú, mà còn trở thành một bộ phận quan trọng trong thiết chế tinh thần văn hóa - xã hội của vùng Nam bộ.
Theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng, Phó pháp chủ đệ nhất Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN), ngay từ giai đoạn hình thành vùng đất Nam bộ, Phật giáo đã hiện diện trong đời sống tinh thần các lưu dân, đã đồng cam, cộng khổ gắn bó mật thiết với công cuộc khẩn hoang, xây dựng, tạo lập xóm ấp, góp phần quan trọng vào việc tổ chức, phát triển vùng đất xinh đẹp, trù phú, giàu tiềm năng vật chất và đa dạng, phong phú về đời sống tinh thần. Phật giáo vùng Nam bộ đồng hành cùng vận mệnh lịch sử của các tộc người cộng cư, đoàn kết, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược, bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc. Do vậy, Phật giáo vùng Nam bộ không chỉ trở thành nhân tố cấu thành nền tảng văn hóa và con người, mà còn góp phần tạo nên hệ giá trị và bản sắc văn hóa riêng của vùng đất và con người Nam bộ…
Theo Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Nhơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN, vùng Nam bộ với bối cảnh đa văn hóa và đa tín ngưỡng, làm nơi phát sinh các phong trào tôn giáo mới. Nếu học thuyết phương tiện, tinh thần khai phóng và tự do tư tưởng của Phật giáo làm phát sinh các trường phái, hệ phái giáo phái Phật giáo, thì sự tiếp biến văn hóa và tính dung thông trong đạo Phật đã tạo tiền đề cho sự ra đời của một số tôn giáo nội sinh ở vùng Nam bộ. Nói cách khác, chính văn hóa Phật giáo đã trở thành mảnh đất tinh thần phì nhiêu cho sự hình thành, phát triển và đóng góp của các phong trào tôn giáo mới tại Nam bộ. Thực tế này cho thấy Phật giáo là mạch sống của vùng Nam bộ, cần phải duy trì như một di sản văn hóa, mặt khác, cần tiếp tục đổi mới cách hành đạo nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của con người thời đại.
“Tính đa dân tộc, đa ngôn ngữ, đa văn hóa đã làm cho vùng Nam bộ Việt Nam có đời sống vật chất và tinh thần đa dạng, phong phú. Phật giáo vùng Nam bộ không chỉ được tiếp cận từ góc độ tôn giáo, lịch sử và khảo cổ học mà cần được khai thác qua phương diện văn hóa học, dân tộc học và nhân học để thấy rõ quá trình hình thành và phát triển cũng như những tác động và ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống xã hội, văn hóa và tinh thần của các cộng đồng cư dân nơi đây”, Trưởng lão HT.Thích Thiện Nhơn nhấn mạnh.
Tại hội thảo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn cũng đã thực hiện ký kết hợp tác trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu và xuất bản chuyên khảo.