Thứ Tư, ngày 4 tháng 12 năm 2024

Nghệ sĩ ưu tú Mỹ Uyên và duyên nợ sân khấu

NSƯT Mỹ Uyên xuất hiện tươi trẻ trong nhiều sự kiện văn hóa - xã hội của TP. (Ảnh: Nguyễn Hoàng)

(Thanhuytphcm.vn) - Sau gần hai năm Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ (Hội Sân khấu TPHCM) vẫn quen thuộc với khán giả với tên gọi Sân khấu 5B hay Kịch 5B, sáng đèn trở lại mà “bà bầu” kiêm “đào chánh” kiêm “mần đủ thứ” Mỹ Uyên vẫn phải bù lỗ. Bạn bè, người quen vẫn hỏi “cần gì cực vậy?” khi chỉ cần đều đều chạy phim là sống tốt. Đôi khi chính bản thân nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đặng Thụy Mỹ Uyên cũng không hiểu tại sao mình lại “mang cái nghiệp vào thân”, chỉ biết là chị nhận thêm phim, tất bật trên các phim trường từ Nam ra Bắc cũng là để gồng gánh cho sân khấu…

Học nhiều từ vai quần chúng

“Riết rồi nhìn vào cứ như đàn ông!” - NSƯT Mỹ Uyên vẫn thường tự trào như thế trong khi từ bé đã biết “làm điệu”. Gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng Mỹ Uyên lại có “máu văn nghệ”, tích cực tham gia hoạt động phong trào từ nhỏ. Sinh hoạt tại Nhà Văn hóa tỉnh Tây Ninh, thường xin theo nhóm ca múa nhạc đi phục vụ bộ đội, bà con vùng sâu vùng xa, dù rằng: “hát có hay đâu, được cái có tinh thần cao!”.

Những năm 1990, với chiều cao hơn 1,6m và vóc dáng thanh mảnh, Mỹ Uyên đã đủ chuẩn “người mẫu” và được đưa đi TPHCM tham dự một cuộc thi thời trang do báo Phụ nữ TPHCM tổ chức. Coi như là chập chững bước vào giới nghệ thuật. Trong giai đoạn mà “người mẫu” là nghề rất mới, Mỹ Uyên là gương mặt quen của các bìa báo Xuân và trang lịch treo tường. Rồi lại đi thi Hoa hậu Điện ảnh - tiền thân cuộc thi Gương mặt sân khấu, điện ảnh triển vọng do Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức. NSƯT Mỹ Uyên nhớ lại: “Lúc đó cũng chưa ý thức sẽ làm diễn viên đâu, đi thi vì thích xem phim ảnh, mê các bộ phim thời tivi đen trắng thôi. Lọt vô Chung kết, gặp Trịnh Kim Chi và Quyền Linh, xem tiểu phẩm thấy họ diễn ở một trình khác biệt, bèn lân la hỏi sao diễn hay vậy, có học diễn ở đâu không, thì mới biết có Trường Sân khấu - Điện ảnh ở địa chỉ 125 Cống Quỳnh. Thế là về mượn cậu cái xe đạp, đạp từ Ngã tư Hàng Xanh ra Quận 1, còn chạy lạc nữa chứ, đến xem nơi sẽ dạy ra được những diễn viên, minh tinh mình vẫn thấy trên tivi nó ra sao…”.

NSƯT Mỹ Uyên và nghệ sĩ Chánh Trực trong vở kịch Kỳ án xứ mặt trời NSƯT Mỹ Uyên và nghệ sĩ Chánh Trực trong vở kịch Kỳ án xứ mặt trời

Thế là Mỹ Uyên cũng đi học. Nhờ nhân duyên tốt, ngoại hình cũng thuộc hàng “hoa khôi học đường”, Mỹ Uyên nhanh chóng được giới thiệu đến các tổ kịch, đoàn phim. Những vai diễn đầu tiên là trên chương trình kịch truyền hình “Trong nhà ngoài phố” phát sóng trên HTV. Đến năm 1995, Mỹ Uyên bén duyên điện ảnh khi tham gia bộ phim Mảnh đất tình đời (đạo diễn Vinh Sơn), rồi Ai xuôi vạn lý (đạo diễn Lê Hoàng) và hàng loạt vai diễn điện ảnh, truyền hình sau đó.

Nhớ lại thời đi học, Mỹ Uyên cảm thấy mình rất siêng năng, chịu thương chịu khó lăn lộn ở phim trường từ sớm dù chỉ là vai quần chúng: “Có những buổi kẹt lịch học không quay được thấy tiếc lắm, còn rất nhiều buổi ngồi chờ hoài, chờ mệt mỏi vẫn chưa tới phiên mình quay. Nhưng vẫn cứ thích, ấp ủ một ngày nào đó mình sẽ được diễn vai chính thức”. Cũng nhờ những ngày tháng làm quần chúng đó mà Mỹ Uyên được tiếp xúc, học hỏi và cũng trở nên quen mặt với những “cây đa, cây đề” của làng điện ảnh (mà đến nay phần lớn đã đi xa), như: các đạo diễn Lê Hoàng Hoa, Huy Thành, Lê Dân, Lê Mộng Hoàng, tài tử Nguyễn Chánh Tín, Thương Tín… Ý nghĩa hơn là từ bên ngoài, chị có thể lặng lẽ quan sát bao quát toàn phim trường, thấy được từng vai trò, vị trí của đạo diễn, diễn viên, quay phim, nhân viên hậu kỳ… - mỗi người có một đời sống riêng và không ai có thể thay thế cho ai, cũng thấy được mọi “góc khuất” của nghề. Nhìn những nghệ sĩ nổi tiếng trên phim trường, Mỹ Uyên thầm nghĩ: “À, hóa ra ngôi sao là như vậy, liệu mình có giỏi được như vậy không?”, rồi lại tự nhủ thôi cứ cần cù làm tốt công việc của mình đã…

NSƯT Mỹ Uyên và NSƯT Thanh Điền trong vở kịch Dấu xưa - vở kịch chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà NSƯT Mỹ Uyên và các cộng sự đã quyết tâm thực hiện khi Sân khấu 5B vẫn trong tình trạng “không nhà”. (Ảnh: Nguyễn Hoàng) NSƯT Mỹ Uyên và NSƯT Thanh Điền trong vở kịch Dấu xưa - vở kịch chủ đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh mà NSƯT Mỹ Uyên và các cộng sự đã quyết tâm thực hiện khi Sân khấu 5B vẫn trong tình trạng “không nhà”. (Ảnh: Nguyễn Hoàng)

Một lòng với sân khấu

Nên duyên và thành danh với phim ảnh trước nhưng đến khi được thầy là NSND - đạo diễn Trần Minh Ngọc gọi về Sân khấu 5B thì Mỹ Uyên biết rằng mình sẽ không thể rời xa sân khấu. “Những năm 1980 đến 2000, 5B lừng lẫy lắm, đã làm nên tên tuổi cho bao nhiêu là nghệ sĩ - nhiều anh chị đến nay vẫn sừng sững trong lòng người hâm mộ. Tôi không dám nghĩ là sẽ được về đây, vinh hạnh quá lớn!”, NSƯT Mỹ Uyên bộc bạch.

NSƯT Mỹ Uyên cũng tích cực tham gia các chuyến về nguồn cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM NSƯT Mỹ Uyên cũng tích cực tham gia các chuyến về nguồn cùng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM

Từ vai diễn đầu tiên là Merita trong vở Con cáo và chùm nho rồi chuỗi ngày mong chờ và sẵn sàng thế bất cứ vai nào, rồi cũng được tham gia các kỳ liên hoan sân khấu chuyên nghiệp. Chị cho biết đó là khoảng thời gian kiên trì, nhẫn nại tích lũy từng vai diễn. Cũng là thời điểm được sống và rèn giũa trong môi trường nghệ thuật thật vô tư, người người làm nghệ thuật nghiêm túc. Từ đó cũng hình thành ý thức phải làm nghề thật nghiêm túc, muốn được đóng góp nhiều cho sân khấu.

Năm 2005, Mỹ Uyên lần đầu dấn thân vào nghiệp “làm bầu” khi cùng NSƯT Công Ninh dựng vở Cõi tình (đạo diễn Huỳnh Phúc Điền) tham gia Liên hoan Sân khấu Xã hội hóa toàn quốc. Sân khấu 5B dần qua thời hoàng kim trong khi hoạt động xã hội hóa sân khấu ngày càng sôi động, trở thành xu thế tất yếu. Mỹ Uyên mạnh dạn đầu tư làm vở, góp sức giúp 5B chống đỡ trước tác động ngày càng khốc liệt của kinh tế thị trường. Chị nói: “Tôi cũng không lý giải được tại sao mình lại cố chấp làm nhiều việc như vậy, chỉ an tĩnh đi diễn thôi có phải thảnh thơi hơn không. Nhưng sân khấu có mãnh lực cuốn hút mình không dứt. Mà 5B với tôi còn hơn một “thánh đường”, tự nhủ mình phải có trách nhiệm bảo vệ, giữ gìn. Khoảng thời gian ba năm Sân khấu 5B phải tạm đóng cửa (2015 - 2017), tôi đau lắm khi nhìn giấc mơ của mình rời từng mảng…”. Ngày Giỗ Tổ, ngày cuối năm, ngày Tết, Mỹ Uyên đều đến 5B dọn dẹp, tổ chức cúng kiếng đầy đủ lễ tiết, lại bần thần nghĩ ngợi: “không lẽ thực sự buông tay?”…

Năm 2018, nhân dịp Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc tổ chức ở TPHCM, ban đầu chỉ định sửa sang lại 5B đôi chút và dựng vở đi thi, không ngờ “sẵn đà”, NSƯT Mỹ Uyên quyết định đưa Sân khấu 5B sáng đèn trở lại. Tối 6/4/2018, Sân khấu 5B tái ngộ khán giả với vở Gương mặt kẻ khác - đã đạt Huy chương bạc Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc diễn ra sau đó ít ngày, và Mỹ Uyên đã không kìm được cảm xúc mà bật khóc khi 200 ghế của khán phòng 5B đầy kín khán giả, có những mái đầu đã bạc - những người đã đồng hành và chứng kiến bao thăng trầm của 5B.

Gần hai năm, gần 10 vở diễn mới đa dạng đề tài, phong cách ra mắt. Bà Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ Đặng Thụy Mỹ Uyên cũng liên tục mời gọi các bạn trẻ cùng về 5B. Sân khấu 5B hôm nay mang màu sắc mới trẻ trung hơn, nhẹ nhàng hơn, nhiều tiếng cười hơn nhưng “cái chất 5B” - đã làm nên thương hiệu và vẫn giữ cho 5B một vị trí nhất định trong lòng khán giả yêu kịch đến tận hôm nay - vẫn luôn là niềm đau đáu mà NSƯT Mỹ Uyên và những người yêu mến 5B luôn mong muốn giữ gìn. Vì thế, bên cạnh những vở diễn hài hước nhẹ nhàng, khán giả vẫn tìm thấy ở 5B những Chuyện tình nữ phạm nhân, Những giấc mơ lóng lánh hay Giấc mơ, Kỳ án xứ mặt trời mang đúng tiêu chí thể nghiệm, chính luận ban đầu của 5B dù tiếp cận với khán giả đại chúng là điều không dễ dàng.

Dạo gần đây, khán giả 5B lẫn người xem phim chợt thấy Mỹ Uyên thường lên chức làm bà, làm mẹ trong các vai diễn. Sự “trẻ lâu” và nét diễn thanh xuân khiến nhiều người quên mất thực ra Mỹ Uyên cũng đã đến tuổi làm “mẹ người ta”. NSƯT Mỹ Uyên dường như cũng không mấy bận tâm khi chị tìm được niềm hạnh phúc lớn lao hơn: “Sân khấu 5B giờ “rất trẻ”, không chỉ tạo sàn diễn cho các diễn viên trẻ, còn có các bạn trẻ từ các trường nghệ thuật ra và đảm nhận đủ vai trò trên sân khấu - kỹ thuật âm thanh, ánh sáng, thiết kế, hậu đài… Tôi đã thấy các bạn trẻ ấy ngơ ngẩn theo dõi từng lớp diễn như nuốt lấy từng lời các nhân vật trên sân khấu nhỏ và nhận ra sự hấp dẫn của ánh đèn sân khấu mãnh liệt đến nhường nào. Nhìn các em tôi thấy thương lắm, như nhìn thấy chính bản thân mình lúc mới về 5B thuở nào…”, NSƯT Mỹ Uyên xúc động chia sẻ.

Không chắc các bạn trẻ có đủ kiên trì theo đuổi sân khấu lâu dài trong tình hình hiện nay nhưng với NSƯT Mỹ Uyên đã là hạnh phúc, đã là đủ để tin tưởng và kỳ vọng sẽ giữ được “mái nhà 5B” cho người yêu kịch và cho chính mình!

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo