Với mỗi người Việt Nam, ngày 2/9/1945 là dấu mốc mở ra kỷ nguyên độc lập cho cả dân tộc. Đó là ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Kể từ mốc son lịch sử trọng đại ấy, đất nước dày thêm truyền thống hào hùng bằng những chiến công hiển hách trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trân quý vô cùng giá trị của Hòa bình, Thống nhất, lại càng nhận thức sâu sắc ý nghĩa, thành quả của Độc lập, Tự do.
Mừng 78 năm Ngày Quốc khánh, bồi hồi tưởng nhớ Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người Việt lại càng cháy bỏng khao khát xây dựng đất nước “đàng hoàng hơn.” Và lời căn dặn “chiến đấu chống những cái cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” trong Di chúc của Người đang soi rọi, nhắc nhở toàn dân tộc trên hành trình kiến quốc.
Vì sao ngày trọng đại này lại nhắc nhớ Di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Nhìn về lịch sử 78 năm trước, chế độ phong kiến Việt Nam trong giai đoạn suy vong đã trì trệ, hủ lậu, thối nát, để đất nước tụt hậu rất xa so với thế giới. Nội lực quốc gia yếu kém trên mọi lĩnh vực. Đó là nguyên nhân chính dẫn đến mất nước khi thực dân Pháp nổ súng, mở đầu cuộc xâm lược Việt Nam năm 1858. Nhân dân ta bị áp bức dưới sự thống trị của bè lũ thực dân, phong kiến. Các phong trào yêu nước cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX tuy dấy lên mạnh mẽ nhưng đều thất bại.
Chỉ tới khi có sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa vào mùa Thu năm 1945 để khai sinh ra Nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Sau ngày Độc lập, đất nước trải bao biến động hào hùng, gian khổ, nhưng toàn thể dân tộc Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững, bảo vệ đến cùng quyền Tự do, Độc lập, để đưa Cách mạng Việt Nam giành từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.
Đúng vào giai đoạn cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước diễn ra hết sức ác liệt và có những dấu mốc quan trọng, đang trên đà thắng lợi, sáng 2/9/1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra đi vào cõi vĩnh hằng, để lại cho Đảng, nhân dân ta bản Di chúc lịch sử. Đó là những lời căn dặn cuối cùng, là tình cảm và niềm tin của Người đối với các thế hệ hôm nay và mai sau, là ngọn đuốc soi đường cho sự nghiệp cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta.
Trong Di chúc, Người căn dặn nhiều điều, đặc biệt trong đó có những công việc thiết yếu cần phải làm khi sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta giành được thắng lợi hoàn toàn. Người nhấn mạnh: “Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi.”
Từ tầm cao trí tuệ, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể cảm nhận được những công việc “cực kỳ to lớn, phức tạp và khó khăn” này. Bởi hoàn cảnh mới sẽ đòi hỏi đất nước không chỉ phát triển tất cả các mặt của đời sống xã hội, như kinh tế, giáo dục, y tế, vệ sinh…, đây còn là cuộc đấu tranh chống lại tất cả những sự hư hỏng từ quá trình xây dựng, kiến thiết đất nước để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi.
Sinh thời, Bác Hồ nhắc nhở: “Thắng đế quốc và phong kiến là tương đối dễ; thắng bần cùng và lạc hậu còn khó khăn hơn nhiều.” Vì thế khi cả dân tộc vừa bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, trước nguy cơ tha hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên, Người đã cảnh báo rằng “những người trong các công sở đều có nhiều hoặc ít quyền hành. Nếu không giữ đúng Cần, Kiệm, Liêm, Chính, thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.”
Ghi lòng tạc dạ công ơn trời biển của Người, ngày 9/9/1969, trong Lễ truy điệu Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Lê Duẩn đã đọc Điếu văn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng trước anh linh của Người; trong đó có 5 Lời thề nguyện hoàn thành Di nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh để đưa đất nước tới thắng lợi cuối cùng. Những Lời thề đó là: Quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc; thực hiện lý tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa cao đẹp, đem lại phồn vinh cho đất nước, hạnh phúc cho đồng bào; giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; phát huy tinh thần quốc tế cao đẹp, trong sáng; học tập, làm theo đạo đức, tác phong của Người.
54 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đã phấn đấu không mệt mỏi, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Đó cũng là chặng đường đấu tranh bền bỉ để vượt lên, để xóa bỏ những tàn tích của chế độ xã hội cũ, sáng tạo, bồi đắp những nhân tố mới của chế độ xã hội mới; đồng thời cũng là quá trình tự đào thải, tự đấu tranh để khắc phục, để chiến thắng những yếu kém, khuyết tật của chính chúng ta trên con đường phát triển.
Sau ngày non sông Thống nhất, từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên, vượt qua ngưỡng nước nghèo, kém phát triển, trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình. Đời sống nhân dân được cải thiện, chính trị-xã hội ổn định, độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững.
Uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng cao khi Việt Nam là một quốc gia đang phát triển, có quan hệ ngoại giao với 192 nước thuộc tất cả các châu lục. Năm 2023, các chuyến thăm của nhiều nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước như Thủ tướng Cộng hòa Séc, Thủ tướng Australia, Chủ tịch Quốc hội Bờ Biển Ngà, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Kazakhstan, Thủ tướng Singapore, hay trong tháng Chín này, dự kiến Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ thăm Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng..., đã khẳng định vị thế cũng như vai trò của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế.
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến với cán bộ, nhân viên chuẩn bị lên đường nhận nhiệm vụ tại Lễ tiễn Đội Công binh số 2 của Việt Nam lên đường làm nhiệm vụ Gìn giữ Hòa bình Liên hợp quốc tại phái bộ Abyei. (Ảnh: TTXVN) Việc Việt Nam trong hơn 9 năm qua đã cử các đội hình, đơn vị tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc còn mang ý nghĩa chính trị quan trọng, không chỉ khẳng định Việt Nam là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, mà còn góp phần thiết thực vào việc giải quyết các vấn đề an ninh, bảo vệ hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới.
Theo nhận định của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), năm 2023, Việt Nam sẽ là quốc gia có quy mô kinh tế lớn thứ 35 thế giới.
Sau 54 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhưng cũng còn nhiều việc chưa làm tròn theo lời Bác căn dặn. Đó là sự quan liêu, xa rời quần chúng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, đang làm ảnh hưởng uy tín, làm suy yếu sức mạnh của Đảng.
Hơn thế nữa, các vấn đề trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, những đại án tham nhũng, kinh tế liên quan đến cán bộ cấp chiến lược như đại án Việt Á, “chuyến bay giải cứu”… mặc dù đã bị đưa ra xử lý nhưng cảnh báo những hệ lụy khôn lường, gây nguy cơ xói mòn, tâm lý hoài nghi của nhân dân đối với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng, Nhà nước và chế độ!
Bước vào giai đoạn phát triển mới, với những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, con đường phía trước chắc chắn sẽ không bằng phẳng, dễ dàng, còn nhiều gập ghềnh, bất trắc.
Để đưa đất nước tiếp tục phát triển trên con đường Bác Hồ, Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn, “chiến đấu chống những cái cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi” là yêu cầu cấp bách, đòi hỏi sống còn đối với Đảng, Nhà nước.
Nhìn thẳng vào sự thật, nhận thức rõ những khó khăn, hạn chế, không phải là tự hạ thấp những thành tựu đất nước đã đạt được. Dũng cảm thấy rõ điểm yếu, quyết tâm khắc phục những tồn tại, cũng là để đất nước vững vàng tiến bước. Đó cũng là cơ sở cực kỳ quan trọng, bồi đắp niềm tin vào Đảng, Nhà nước, để dân tin, dân yêu và hết lòng xây dựng, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ.
Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để sáng suốt nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần xây dựng Đất nước ngày càng phát triển, cường thịnh; ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong đợi.”