Thứ Ba, ngày 15 tháng 7 năm 2025

Ngành Đông Nam Á học - 30 năm hình thành và phát triển

Không gian Ngày hội Văn hóa Đông Nam Á do Trường ĐH Mở TPHCM tổ chức năm 2020.

(Thanhuytphcm.vn) - Tối 6/11, Trường Đại học (ĐH) Mở TPHCM đã tổ chức Tọa đàm khoa học “Đông Nam Á học - 30 năm hình thành và phát triển”. Tọa đàm có sự tham dự của ông Agustaviano Sofjan, Tổng lãnh sự nước Cộng hòa Indonesia tại TPHCM; bà Lê Thị Phụng, Lãnh sự danh dự nước Cộng hòa Philippines tại TPHCM.

Trước nhu cầu đào tạo ngày càng cao về nguồn nhân lực trình độ cao, hiểu biết về khu vực Đông Nam Á, ngay từ năm 1991, Viện Đào tạo Mở rộng (nay là Trường ĐH Mở TPHCM) đã ban hành quyết định phê duyệt mở ngành đào tạo Đông Nam Á học. Có thể thấy rằng, đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước đào tạo và cấp bằng cử nhân Đông Nam Á học với mục tiêu đào tạo về khu vực học, cung cấp kiến thức về khu vực Đông Nam Á, ASEAN và cộng đồng chung ASEAN. Trong 30 năm qua, ngành Đông Nam Á Trường ĐH Mở TPHCM đã đạt được những thành tựu chính trên cả 3 lĩnh vực: Giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế.

Về đào tạo, chương trình đào tạo ngành Đông Nam Á học cung cấp kiến thức nền tảng và chuyên sâu, có tính hệ thống và toàn diện về Đông Nam Á. Chương trình đào tạo đáp ứng các nhu cầu của người học, góp phần đa dạng hoá cơ hội nghề nghiệp và vị trí việc làm của người học sau khi tốt nghiệp. Đây là đặc trưng nổi bật của ngành Đông Nam Á học tại Trường ĐH Mở TPHCM so với các cơ sở đào tạo khác. Về nghiên cứu, ngành Đông Nam Á học theo hướng nghiên cứu liên ngành (Interdiscipline research), tích hợp kiến thức về Đông Nam Á và sử dụng hệ thống phương pháp nghiên cứu thống nhất. Các giảng viên của ngành đã có những công bố nghiên cứu trên các Tạp chí nghiên cứu có uy tín của Trường và của ngành. Về hợp tác quốc tế, ngành Đông Nam Á học Nhà trường hợp tác gắn bó lâu dài với Tổng Lãnh sự quán các nước Đông Nam Á tại TPHCM, Hội Hữu nghị Việt Nam-Đông Nam Á, Liên hiệp các Tổ chức hữu nghị Việt Nam tại TPHCM; các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo của các nước Đông Nam Á… Sinh viên của ngành được tham gia nhiều hoạt động giao lưu văn hóa với các trường ĐH ở khu vực Đông Nam Á như Malaysia, Indonesia, Philippines, Singapore,…

Buổi tọa đàm có sự tham gia thuyết trình của các nhà nghiên cứu, nhà ngoại giao nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giảng dạy, nghiên cứu, hợp tác quốc tế. Chia sẻ câu chuyện “Làm thế nào để trở thành công dân ASEAN”, PGS.TS Phan Thị Hồng Xuân (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia TPHCM), cho rằng, một bản sắc tốt là một bản sắc mà tự nó phải có khả năng hòa hợp với các bản sắc khác. Giao lưu văn hóa không đồng nghĩa với việc xói mòn tính độc lập văn hóa của mỗi quốc gia… TS Đinh Hoàng Thắng, Giám đốc viện Nghiên cứu chính sách, Pháp luật và Phát triển, Nguyên Đại sứ VN tại Hà Lan, chia sẻ cơ hội và thách thức của ASEAN trong bối cảnh hiện nay. Bên cạnh đó, TS Võ Xuân Vinh, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Đông Nam Á – Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam, trao đổi với tọa đàm nội dung “Đông Nam Á – Cách tiếp cận liên ngành”…

Tọa đàm khoa học “Đông Nam Á học - 30 năm hình thành và phát triển” là hoạt động nhằm kỷ niệm 54 năm thành lập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (8/8/1967-8/8/2021); 26 năm Ngày Việt Nam gia nhập ASEAN (28/7/1995-28/7/2021) và 30 năm đào tạo ngành Đông Nam Á học tại Trường ĐH Mở TPHCM (19/9/1991-19/9/2021).

Anh Huy


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo