Tết xưa và tết nay ở huyện Bình Chánh
Tết xưa ở huyện Bình Chánh là một bức tranh giản dị, chân chất, phản ánh tinh thần mộc mạc của vùng đất nông thôn ven đô. Khi nắng xuân còn phớt nhẹ trên những cánh đồng lúa chín sót lại, người dân đã bắt đầu sửa soạn Tết. Trong mỗi ngôi nhà, cả gia đình rộn ràng với tiếng cười nói bên nồi bánh Tét nghi ngút khói. Ở chợ quê, người dân Bình Chánh vốn thật thà, phóng khoáng, trao nhau từng cái bắt tay, những lời hỏi han chân tình khi chọn mua cành mai, cặp dưa hấu…
Tết cổ truyền ở huyện Bình Chánh, qua dòng chảy của thời gian, vẫn giữ nguyên giá trị như một sợi dây kết nối bền chặt. Đó là sự gắn bó giữa con người với mảnh đất quê hương, giữa thế hệ hôm nay với cội nguồn lịch sử, truyền thống của vùng đất thấm đượm nghĩa tình.
Tết ngày nay ở huyện Bình Chánh là bức tranh sống động của một vùng đất đang chuyển mình mạnh mẽ, khoác lên chiếc áo mới từ quá trình đô thị hóa nhưng vẫn giữ vẹn nguyên hồn quê. Trên những con đường rộng lớn, các dãy nhà cao tầng, khu dân cư khang trang xen lẫn vườn mai vàng, vườn lan, ruộng lúa và những cây dừa thân thuộc, tạo nên một bức tranh Tết vừa truyền thống vừa hiện đại.
Người dân trong huyện rộn ràng du xuân trên đường hoa mai vàng huyện Bình Chánh Chợ Tết ở huyện Bình Chánh nhộn nhịp, rộn ràng với cảnh người dân sắm sửa đủ các mặt hàng từ thiết yếu đến các loại mang giá trị tinh thần, giải trí... Khi ánh đèn rực sáng trên những con đường nông thôn mới, hòa quyện cùng ánh lửa ấm áp tỏa ra từ các bếp bánh Tét truyền thống, Tết nơi đây trở nên đặc biệt, vừa hiện đại vừa lưu giữ giá trị truyền thống.
Chợ Tết tại Bình Chánh là nơi người dân mua sắm các mặt hàng truyền thống như trái cây, hoa, bánh mứt. Bên cạnh đó, sự phát triển của thương mại điện tử đã mang đến hình thức mua sắm mới. Nhiều tiểu thương tại chợ đã áp dụng bán hàng online, giao hàng tận nơi, đáp ứng nhu cầu của khách hàng bận rộn. Sự kết hợp giữa chợ truyền thống và thương mại điện tử, hiện đại, tạo nên sự hài hòa giữa bảo tồn, phát triển và hội nhập của Bình Chánh hôm nay.
Tết Bình Chánh trong lòng người trẻ
Thế hệ trẻ tại huyện Bình Chánh ngày nay có cách đón Tết vừa giữ gìn truyền thống, vừa hòa nhập với xu hướng hiện đại. Nhiều bạn trẻ vẫn tham gia gói bánh Tét cùng gia đình, thăm ông bà, nhưng cũng không quên chia sẻ những khoảnh khắc này lên mạng xã hội, tạo nên sự kết nối giữa các thế hệ.
Các bạn trẻ cùng chụp hình trên vườn hoa sao nhái thuộc khu sinh hoạt thanh niên Bình Chánh Các hoạt động như chợ hoa xuân, phiên chợ Tết cùng các cuộc thi: “Điểm vui xuân tiêu biểu”, tuyến đường “Rạng rỡ sắc xuân”, trang trí cổng chào ấp, khu phố văn hóa, trang trí cơ quan, đơn vị và thực hiện không gian thờ cúng ngày Tết cổ truyền của dân tộc và tổ chức tuyến đường hoa mai vàng Bình Lợi tại đường Vườn Thơm (xã Bình Lợi) trở thành điểm đến yêu thích của nhiều người trẻ.
Trên các tuyến đường rực rỡ sắc xuân ở huyện Bình Chánh, giới trẻ hào hứng tụ họp để chụp hình, check-in giữa khung cảnh hoa mai vàng khoe sắc, những chậu cúc rực rỡ và các tiểu cảnh Tết được trang trí bắt mắt. Gương mặt ai nấy đều rạng ngời, tràn đầy năng lượng mùa xuân, từ những bộ áo dài truyền thống duyên dáng đến phong cách hiện đại, cá tính. Tiếng cười nói rộn rã hòa cùng sắc xuân, mỗi bức ảnh không chỉ là khoảnh khắc kỷ niệm mà còn lan tỏa niềm vui, hy vọng về một năm mới an lành, may mắn. Không khí Tết nơi đây bừng lên sức sống mới, đầy tươi trẻ, như chính nhịp sống năng động của vùng đất đang phát triển từng ngày.
Hội viên phụ nữ xã Phong Phú tham gia Hội thi gói bánh chưng, bánh tét năm 2024 tại Khu Trung tâm hành chính huyện Bạn Nguyễn Duy Tân, thanh niên sống tại Thị trấn Tân Túc, cho biết: “Mình luôn cảm thấy Tết ở quê rất ý nghĩa. Việc tham gia gói bánh Tét cùng gia đình hay cùng bạn bè chụp ảnh tại các chợ hoa là những khoảnh khắc đáng nhớ. Dù cuộc sống hiện đại bận rộn, nhưng Tết là dịp để mình kết nối lại với mọi người và tìm về giá trị cốt lõi của văn hóa truyền thống”.
Những hoạt động, lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa
Tại huyện Bình Chánh, vào mỗi dịp Tết Nguyên đán, hoạt động trang trí cây nêu trở thành điểm nhấn văn hóa đặc sắc tại các cơ quan, công sở và trường học. Những cây nêu được dựng lên không chỉ giữ nét truyền thống mà còn được cách điệu với đèn led lung linh, hoa tươi rực rỡ và các biểu tượng văn hóa như câu đối đỏ, đèn lồng hay hình ảnh mai đào. Cây nêu cao vút, rực sáng trong đêm, tạo nên không gian tràn ngập không khí xuân, thu hút sự chú ý và mang lại niềm vui cho người dân địa phương. Hình ảnh cây nêu không chỉ nhắc nhở về phong tục cổ truyền, xua đuổi điều xấu và đón tài lộc, mà còn thể hiện sự sáng tạo, hài hòa giữa hiện đại và truyền thống của vùng đất Bình Chánh.
Nét đẹp truyền thống của nữ sinh Bình Chánh qua tà áo trắng trên tuyến đường rạng rỡ sắc xuân xã Qui Đức Một hoạt động ý nghĩa được tổ chức và thu hút nhiều đơn vị tham gia sôi nổi là Hội thi gói bánh Chưng, bánh Tét. Bằng những nguyên liệu tươi ngon như lá dong, nếp, đậu xanh, thịt heo và dây lạt, thể hiện tinh thần đoàn kết và sự khéo léo trong từng công đoạn, những đôi tay thoăn thoắt của các mẹ, các chị, các anh… gói từng chiếc bánh Chưng vuông vức, những đòn bánh Tét tròn trịa, vừa đẹp mắt vừa mang đậm hương vị truyền thống ngày Tết. Sau khi hoàn thành, hội thi kết thúc, số bánh này được trao tặng đến các công nhân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Những chiếc bánh được gửi đi không chỉ mang giá trị vật chất, mà còn chứa đựng tấm lòng sẻ chia và hy vọng mang đến một mùa xuân trọn vẹn cho tất cả mọi người.
Với các hoạt động tinh thần, trong và sau những ngày Tết Nguyên đán, không khí xuân vẫn tiếp tục rộn ràng tại huyện Bình Chánh với các lễ hội đầu năm mang đậm sắc màu văn hóa. Tại các chùa nổi tiếng như Chùa Phật Cô Đơn, Tu viện Tường Vân, hay Chùa Pháp Tạng, dòng người nối dài trong lễ rước lộc đầu năm, cầu cho một năm mới an lành, may mắn. Ở các đình làng Tân Túc, Bình Trường, Phú Lạc, lễ hội cúng đình diễn ra trang trọng, với nghi thức tế lễ cầu an, cầu phúc cho nhân dân. Những kiến trúc truyền thống tại các đình, chùa, với mái ngói cong và các chi tiết chạm trổ tinh xảo, càng tôn thêm vẻ đẹp văn hóa của vùng đất Bình Chánh, nơi sự đoàn kết và niềm tin tín ngưỡng được gìn giữ và phát huy.
Lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức huyện Bình Chánh về nguồn tham quan Khu Truyền thống Cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 nhân các ngày lễ lớn của đất nước Bên cạnh đó, huyện Bình Chánh còn nổi bật là vùng đất giàu truyền thống văn hóa và lịch sử, tự hào lưu giữ những dấu ấn hào hùng qua các Khu di tích Láng Le - Bàu Cò, Rạch Già - Hưng Long, Khu di tích Dân công hỏa tuyến Vĩnh Lộc Mậu Thân 1968 và Khu Truyền thống Cách mạng Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968.
Việc tham quan các địa danh lịch sử tại huyện Bình Chánh trong dịp Tết Nguyên đán không chỉ giúp mỗi người hiểu thêm về giá trị văn hóa và lịch sử của TPHCM mà còn là cơ hội để tri ân những hy sinh to lớn của thế hệ cha ông. Đây là cách để khơi dậy lòng tự hào dân tộc, lan tỏa giá trị truyền thống và góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng.