Thứ Ba, ngày 15 tháng 7 năm 2025

Nét đẹp phong tục ngày Tết

Mâm ngũ quả ngày Tết. (Ảnh: Internet)

(Thanhuytphcm.vn) – Tết Nguyên Đán là dịp lễ quan trọng trong văn hóa người Việt, là thời điểm tôn vinh nét đẹp mang tính truyền thống và bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Tết không chỉ là dịp để sum họp bên gia đình mà còn là dịp để duy trì những phong tục cổ truyền, ứng với khoảng thời gian khác nhau sẽ có sự chuẩn bị với những nghi lễ, hình thức thể hiện khác nhau.

Dọn dẹp nhà cửa

Trong những ngày cuối năm, các gia đình ở Việt Nam đều dọn dẹp, vệ sinh nhà cửa. Tất cả đồ đạc trong nhà sẽ được chùi rửa sạch sẽ nhằm bày biện, trang hoàng cho ngôi nhà trông mới mẻ hơn. Công việc dọn dẹp ngày Tết có ý nghĩa “tống cựu, nghênh tân” – tiễn năm cũ, đón năm mới với quan niệm sắp xếp lại những điều chưa ổn thoả, xóa bỏ những điều không tốt của năm cũ chuẩn bị đón chào năm mới với nhiều tài lộc và may mắn.

Tiễn ông Táo về trời

Theo truyền thống, đến ngày 23 tháng Chạp, các gia đình Việt Nam sắm mâm lễ vật để cúng, tiễn Táo quân cưỡi cá chép về trời. Qua đó, mong ông sẽ trình báo với Ngọc Hoàng những điều tốt vì theo quan niệm dân gian, những gì mà Táo quân báo cáo là cơ sở để Ngọc Hoàng quyết định sẽ thưởng hay trách phạt gia chủ. Sau khi báo cáo, đến đêm Giao thừa, Táo quân lại trở về trần gian để trông coi việc bếp nút của mỗi nhà.

Đi chợ Tết và xin chữ

Đi chợ những ngày cận Tết, nhiều gia đình sẽ cảm thấy không khó trong việc chọn lựa nên mua món hàng gì để dùng trong nhà vì những ngày này ở chợ bày bán nhiều loại mặt hàng với hình thức đa dạng, bắt mắt, thu hút người mua. Người Việt đi chợ Tết chủ yếu là để mua lá dong, mua thịt gói bánh chưng, bánh tét; mua hoa, trái cây để bày mâm ngủ quả. Những loại hoa không thể thiếu trong ngày Tết là hoa mai, hoa đào, hoa hải đường, lay ơn…mâm ngũ quả thì tùy thuộc vào vùng miền mà có các loại quả khác nhau. Tất cả đều mang ý nghĩa: vạn sự như ý, an khang thịnh vượng…

Mỗi đợt Tết đến, Xuân về, khi đi chợ Tết người Việt cũng không quên xin chữ của thầy đồ về treo trong nhà. Chữ được xin có thể là câu đối hoặc một chữ duy nhất thường là chữ Tâm, Thành, Hiếu, Trí, Thọ, An, Phúc,…với mong muốn con cháu được học con chữ mà thành người sau này ra sức giúp ích cho gia đình, xã hội.

Thăm mộ tổ tiên

Trước Tết, vào khoảng ngày 24, 25 tháng chạp là thời điểm nhiều gia đình Việt đi thăm mộ tổ tiên. Ngày này, những người con, cháu trong gia tộc sẽ tranh thủ tề tựu đông đủ, cùng nhau đi thăm và quét dọn mộ phần tổ tiên. Việc thăm viếng phần mộ tổ tiên là nét văn hóa truyền thống dân tộc. Trong cuộc sống mưu sinh, dù cả năm bận rộn thế nào, nhưng đến ngày này, chốn quay về vẫn là gia đình.

Gói bánh chưng, bánh dày

Trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, bánh chưng, bánh dày là món ăn không thể thiếu trên mâm cỗ gia đình. Để gói bánh ngon, phải là người có bàn tay khéo léo mới có thể gói bánh thật chặt, đẹp, nếu không bánh sẽ bị thấm nước, nứt và gây nhão bánh. Theo quan niệm xưa, bánh chưng, bánh dày ra đời thời vua Hùng Vương thứ 18, với ý nghĩa biết ơn trời, đất đã cho mưa thuận gió hòa, mang lại cuộc sống ấm no cho con người. Bên cạnh đó, việc gói bánh chưng cũng nói lên chữ hiếu của người con đối với cha mẹ. Ngày nay, vào tầm 27 và 28 Tết, các gia đình Việt Nam thường tụ tập gói bánh chưng, bánh dày để làm quà biếu Tết hoặc để thưởng thức trong gia đình.

Cúng giao thừa, hái lộc và đi lễ chùa đầu năm

Lễ cúng giao thừa là một trong những nghi lễ không thể thiếu của người Việt mỗi dịp Tết đến Xuân về, lễ thường được tiến hành vào 12 giờ đêm ngày 30 tháng Chạp. Theo quan niệm xưa, lễ cúng giao thừa hay còn gọi là lễ Trừ tịch là để gạt đi những muộn phiền năm cũ, mong ước sang năm mới đến với tài lộc, bình an, hạnh phúc và ấm no.

Sau khi cúng giao thừa, người dân Việt Nam sẽ chọn giờ, chọn hướng tốt để “xuất hành” và đi hái lộc, với mong ước một năm mới mọi việc đều có kết quả tốt, rước tài lộc may mắn về nhà.

Tiếp đến, người Việt sẽ đi lễ chùa đầu năm. Việc đi lễ chùa đầu năm không đơn giản để ước nguyện mà đó còn là thời gian để mọi người tìm về với chốn tâm linh sau những ngày tháng vất vả mưu sinh, mong tìm được sự bình an, gạt bỏ đi những muộn phiền, lo âu của năm cũ.

Xông đất

Người Việt quan niệm ngày mồng Một Tết, nếu mọi việc xảy ra suôn sẻ, may mắn thì cả năm cũng sẽ được tốt lành thuận lợi. Vì thế, chủ nhà sẽ chọn người có vận may, hợp tuổi đến xông đất. Người xông đất phải ăn mặc gọn gàng, chỉnh tề và thường chỉ đến thăm, chúc tết chừng năm mười phút chứ không ở lại lâu, cầu cho mọi việc trong năm của chủ nhà cũng được trôi chảy thông suốt.

Chúc Tết

Có thể nói, chúc Tết là nét văn hóa vô cùng độc đáo và không thể thiếu trong ngày Tết. Khi đi chúc Tết, ai nấy đều mặc đồ đẹp, thường là chọn màu đỏ mang ý nghĩa may mắn. Phong tục chúc Tết của người Việt gói gọn trong câu thành ngữ: “Mồng một Tết cha, mồng hai Tết mẹ, mồng ba Tết thầy”, với người Việt, ba ngày này là quan trọng nhất, thể hiện lòng hiếu thảo, tri ân của con cháu đối với ông bà, cha mẹ và người thầy đã giúp cho ta hiểu biết, nên người.

Mừng tuổi và lì xì

Ngày Tết, con cháu trong gia đình nói lời chúc Tết, mừng tuổi ông bà, cha mẹ. Sau đó, con cháu được ông bà, cha mẹ lì xì với một phong bao màu đỏ thể hiện sự tươi mới, may mắn, cầu chúc khỏe mạnh và hạnh phúc cho người nhận, mang lại niềm vui trong ngày đầu năm mới.

Có lẽ, qua những ngày Tết mới thấy, nét đẹp ngày Tết đề cao vẻ đẹp tâm hồn, vẻ đẹp cội nguồn của văn hóa dân tộc Việt. Dù đi đâu, làm gì, nhưng cứ đến ngày này, người người đều trở về quê hương để đoàn tụ, sum họp gia đình, điều đó khẳng định nét đẹp truyền thống ấy vẫn đang được bảo tồn mãi mãi theo thời gian.

Phan An

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo