Đại biểu Trần Anh Tuấn, Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TPHCM phát biểu tại kỳ họp Quốc hội, sáng 2/11.(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 2/11, Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về tình hình kinh tế-xã hội. Đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận đến hết buổi sáng. Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thay mặt Chính phủ báo cáo giải trình thêm những vấn đề mà đại biểu quan tâm.
Phát biểu trước Quốc hội, đại biểu (ĐB) Trần Anh Tuấn (Đoàn ĐB Quốc hội TPHCM) - Viện trưởng Nghiên cứu phát triển TPHCM, đã có bài phát biểu đáng chú ý khi đánh giá nền kinh tế năm 2017 có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là nỗ lực rất lớn của toàn bộ hệ thống chính trị và toàn dân.
Tuy nhiên, ĐB Trần Anh Tuấn cho rằng, nền kinh tế vẫn đang bị mất cân đối ở 3 khía cạnh, ảnh hưởng đến sự phát triển chung. Đó là, thứ nhất là mất cân đối trong cán cân thương mại khi nhập siêu 3 tỷ USD trong năm 2017, cho thấy khả năng cạnh tranh của các mặt hàng trong nước chưa cao, đặc biệt là những mặt hàng có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Xuất khẩu chưa nhiều. Các mặt hàng nguyên vật liệu, phụ liệu để thay thế nhập khẩu chưa có. Xuất khẩu lại lệ thuộc lớn vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Mặt khác, sự liên kết giữa khu vực FDI và các doanh nghiệp trong nước chưa có. Các doanh nghiệp FDI nhập nguyên vật liệu từ chính nước của họ là chủ yếu, khoảng 70%, vì vậy phần sử dụng nguồn vật liệu trong nước rất hạn chế. Trong khi đó, doanh nghiệp Việt Nam còn nhỏ lẻ, chưa xâm nhập thị trường bán lẻ trong khu vực, còn thị trường bán lẻ trong nước thì chịu áp lực cạnh tranh lớn từ các nhà bán lẻ nước ngoài.
Từ phân tích trên, ĐB Trần Anh Tuấn cho rằng, giải pháp cho vấn đề này là phải cân đối trong tính liên kết trong sản xuất giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp, giữa hộ sản xuất, doanh nghiệp và nhà phân phối bán lẻ. Chiến lược bán lẻ ra khu vực cũng là giải pháp phải chú ý.
Mất cân đối thứ 2 được ĐB Trần Anh Tuấn nhấn mạnh là về cân đối thu chi ngân sách. Cụ thể, bội chi 3,5% GDP (178.000 tỷ đồng, trong đó chi tiêu thường xuyên vượt kế hoạch 11.600 tỷ đồng). Cơ cấu chi tiêu thường xuyên cao trên 64% so với đầu tư phát triển chỉ 27%. ĐB Trần Anh Tuấn cho rằng, sự mất cân đối này có thể giải quyết bằng việc tổ chức sắp xếp lại bộ máy hành chính theo Nghị quyết Trung ương 6, tinh giản biên chế, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý để tăng hiệu quả về ngân sách, giảm chi thường xuyên.
Mất cân đối thứ 3 là trong vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước. “Vốn đầu tư Nhà nước chiếm ¼ tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Nhưng năm 2017 là năm thứ 2 liên tiếp các bộ ngành, địa phương không đủ vốn để khởi công dự án mới” – ĐB Trần Anh Tuấn phân tích.
Theo ĐB Trần Anh Tuấn, trong bối cảnh áp lực nợ công cao, hiệu quả đầu tư còn thấp, giải ngân vốn đầu tư chậm, các quy định về đầu tư công xây dựng, đấu thầu còn nhiều vướng mắc, thủ tục chuẩn bị đầu tư còn chậm thì cần linh hoạt trong phân bổ vốn đầu tư, kịp thời chuyển vốn từ những dự án chậm giải ngân sang những dự án cấp bách, trọng điểm còn thiếu vốn (các dự án về hạ tầng đô thị, nông thôn…); những dự án mang tính liên kết vùng. Cùng với đó, tăng cường phân cấp cho các địa phương trong đầu tư, trong thẩm quyền phê duyệt các dự án đầu tư, chủ động hơn trong việc thu hút các nguồn lực phát triển…
“Việc thu hẹp các mất cân đối trên là cơ sở đưa nền kinh tế Việt Nam phát triển bền vững hơn cho những giai đoạn tiếp theo”, ĐB Trần Anh Tuấn bày tỏ.