Người dân Khu phố 5, Phường 9, Quận 3 tham gia bảo vệ môi trường. (Ảnh: Quốc Thanh) (Thanhuytphcm.vn) – Vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề chung của toàn hệ thống chính trị - toàn thể nhân dân; để đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia nói chung, của TPHCM nói riêng, phải có quản lý hiệu quả từ phía chính quyền và sự tham gia tích cực từ cộng đồng trong bảo vệ môi trường... đó là ý kiến được nhiều đại biểu đưa ra tại Hội thảo về Ứng dụng khoa học, công nghệ trong bảo vệ môi trường và Quản lý môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường, do Hội Nữ trí thức Việt Nam tổ chức, ngày 2/11, tại TPHCM.
Nghiên cứu áp dụng mô hình thu gom, tập kết rác tập trung
Cho rằng tại Việt Nam nói chung và khu vực TPHCM nói riêng hiện vẫn còn khá nhiều vấn đề tồn tại, đặc biệt trong công tác quy hoạch và xử lý nước thải, nhiều đại biểu cho biết thực trạng xử lý nước thải sinh hoạt còn khá thấp, ngay tại TPHCM thì tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt cũng chỉ mới đạt 13% tổng lượng nước thải phát sinh. Do đó, nguy cơ ô nhiễm do nước thải sinh hoạt là rất lớn nếu không có giải pháp xử lý hiệu quả.
Để nâng cao công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, nhiều đại biểu cho rằng các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên môi trường vùng biển và ven biển cần phải tuân theo các luật đã có hiệu lực hiện hành như Luật Bảo vệ môi trường, Luật Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản, Luật Bảo vệ và phát triển rừng,… Đồng thời, cần áp dụng các cơ chế, chính sách đặc biệt về tài chính thu hút đầu tư và ưu tiên phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững, áp dụng các mô hình kinh tế bền vững (du lịch sinh thái, nông - lâm nghiệp sinh thái, khai khoáng sạch, thủ công nghiệp sạch…) để giảm tổn thất tài nguyên và giảm chất thải và suy thoái môi trường…
Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu Hiền, Hội Nước và Môi trường TP cho rằng cần thiết có quy hoạch đầu tư xây dựng và vận hành hiệu quả các nhà máy, trạm xử lý nước thải sinh hoạt tập trung ngay từ đầu, nhất là các khu vực nội thị của TP cũng như đối với khu đô thị du lịch biển Cần Giờ để đảm bảo kiểm soát chất lượng nước thải khi xả thải vào môi trường tiếp nhận. Bên cạnh đó, cần quy hoạch quy mô nuôi và vùng nuôi cụ thể; cần có quy hoạch phương án xử lý nước thải và phải bố trí diện tích chứa thích hợp để xử lý triệt để nguồn bệnh có thể lan truyền ra môi trường xung quanh.
Đối với quản lý chất thải rắn, Thạc sĩ Đỗ Thị Diễm Thuý, Sở Tài nguyên và Môi trường TP cho rằng TPHCM cần tiếp tục thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn phù hợp với công nghệ lựa chọn hợp lý, phải nghiên cứu phương thức tiếp cận phù hợp nhằm vận động cộng đồng người dân, doanh nghiệp đồng hành thực hiện. Bên cạnh đó, để triển khai một cách đồng bộ quản lý tổng hợp chất thải rắn của TP từ phân loại, thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải sau phân loại cần nghiên cứu áp dụng mô hình thu gom, tập kết rác tập trung phù hợp cho từng khu nhà, cụm công trình đảm bảo vệ sinh môi trường; nghiên cứu mô hình tái chế, ưu tiên thu gom tái chế rác thải nhựa…
Các đại biểu tham quan sản phẩm dùng năng lượng mặt trời tại hội thảo. (Ảnh: Long Hồ) Tăng cường kiểm tra, xử phạt hành vi gây ô nhiễm môi trường
Về thực hiện giải pháp quản lý môi trường và nâng cao ý thức cộng đồng trong bảo vệ môi trường, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Kiều, nguyên Phó Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM báo động về tác hại của việc sử dụng nhựa. Việc tuyên truyền nâng cao nhận thức về rác thải nhựa đã có từ lâu nhưng tại Việt Nam một thời gian dài còn ở mức tuyên truyền, vận động. Những giải pháp đang áp dụng là giảm thiểu sử dụng loại nguyên liệu này.
“Một vài đơn vị kinh doanh vận dụng bằng cách đề nghị khách hàng mua để sử dụng hoặc khuyến mãi cho khách hàng bằng các túi đựng thân thiện với môi trường. Hay trong các trường học, nêu trước đây sau một buổi học, thùng rác luôn chứa đầy các chai nhựa chứa nước, thì giờ đây sinh viên, học sinh và thầy cô giáo đã chủ động mang bình nước riêng cho mình. Điều này cho thấy việc vận động giảm thiểu các vật dụng bằng nhựa đang đi vào thực tế cuộc sống. Những kết quả bước đầu này sẽ tiếp tục được củng cố hơn nếu có sự tham gia của các nhà khoa học trong việc quan tâm phát triển các hướng nghiên cứu để có thêm những giải pháp căn cơ, bền vững hơn nhằm xây dựng một môi trường sống lành mạnh cho hiện tại và các thế hệ mai sau…” - Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Kiều nhấn mạnh.
Cũng tại hội thảo, một số đại biểu cho rằng xả rác bừa bãi đang là vấn nạn của các đô thị Việt Nam, nhất là tại các đô thị lớn như TPHCM. Việc xả rác, phóng uế bừa bãi trên đường phố không chỉ làm mất mỹ quan văn minh đô thị mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe cộng đồng, làm e ngại tâm lý du khách nước ngoài khi đến Việt Nam,… tạo ra những rào cản trong quá trình hội nhập của Việt Nam với thế giới. Vì vậy, nhiều đại biểu đề xuất một số giải pháp nhằm phát huy hiệu lực thực thi của pháp luật trong công tác bảo vệ môi trường đô thị văn minh như cần thành lập bộ máy nhân sự kiểm tra và xử phạt hành vi xả rác gây ô nhiễm môi trường; lắp đặt hệ thống camera để giám sát, kiểm tra, nhắc nhở, cảnh báo và phạt nguội những hành vi vi phạm; xây dựng hệ thống giám sát tự nguyện, tự giác trong cộng đồng dân cư; triển khai bố trí và tổ chức quản lý chặt chẽ các nhà vệ sinh công cộng; cần có lộ trình để quy định các nhà sản xuất thay đổi từ bao bì nhựa khó phân hủy sang sản xuất bao bì thân thiện với môi trường.
Một số ý kiến cũng đề nghị vấn đề bảo vệ môi trường là vấn đề chung của toàn hệ thống chính trị - toàn thể nhân dân. Để đảm bảo sự phát triển bền vững của quốc gia nói chung, của TPHCM nói riêng, phải có quản lý hiệu quả từ phía chính quyền và sự tham gia tích cực từ cộng đồng trong bảo vệ môi trường. Góp ý cho TPHCM, nhiều đại biểu nhấn mạnh: Để thực hiện thành công mục tiêu xây dựng TPHCM thành “một đô thị văn minh, hiện đại”, toàn thể nhân dân phải có ý thức bảo vệ môi trường, chấp hành đúng quy định của pháp luật và mọi hành vi vi phạm pháp luật, gây tổn hại đến môi trường phải bị lên án và xử lý một các nghiêm minh.