Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân điều hành hội thảo(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 24/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân chủ trì hội thảo.
Siết chặt kỷ cương pháp lý và minh bạch thông tin
Góp ý đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp, các đại biểu thống nhất cho rằng Luật Doanh nghiệp giữ vai trò nền tảng trong điều chỉnh hoạt động của các chủ thể kinh doanh, tạo lập môi trường đầu tư minh bạch, lành mạnh và hội nhập.
Tuy nhiên, sau hơn 4 năm thi hành, Luật Doanh nghiệp 2020 bộc lộ những bất cập trong việc theo kịp tốc độ phát triển của nền kinh tế thị trường. Các rào cản pháp lý, vấn đề công khai thông tin, quản trị doanh nghiệp và kiểm soát rủi ro vẫn còn tồn tại, ảnh hưởng đến tính cạnh tranh và hiệu quả hoạt động.
Đáng chú ý, nhiều ý kiến đề xuất siết chặt nghĩa vụ công khai tài chính và nâng cao trách nhiệm pháp lý của người đại diện phần vốn nhà nước trong doanh nghiệp.
Các đại biểu khẳng định, dự án Luật lần này tiếp cận đúng bản chất của nền kinh tế thị trường, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của phát triển, đồng thời, siết chặt kỷ cương pháp lý và minh bạch thông tin là nền tảng của một môi trường kinh doanh hiện đại, bền vững.
Đại biểu góp ý các dự án Luật tại hội thảoGóp ý đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng, các đại biểu nhấn mạnh sự cần thiết xây dựng khuôn khổ pháp lý đồng bộ về xử lý nợ xấu, phù hợp với thực tiễn và thông lệ quốc tế, nhằm khơi thông nguồn vốn và bảo đảm an toàn hệ thống tài chính.
Nhiều ý kiến thống nhất việc làm rõ các quy định liên quan đến thu giữ tài sản bảo đảm; quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức tín dụng, tổ chức mua bán nợ; cũng như vai trò phối hợp của các cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình xử lý tài sản.
Liên quan đến sở hữu cổ phần trong tổ chức tín dụng, các đại biểu đề nghị quy định rõ ràng giới hạn tỷ lệ sở hữu: cá nhân và người có liên quan không vượt quá 5%, tổ chức và người liên quan không vượt quá 15%. Tỷ lệ này bao gồm toàn bộ phần vốn sở hữu trực tiếp, gián tiếp, qua ủy thác đầu tư hoặc hình thức khác có thể chi phối tổ chức tín dụng. Quy định này được cho là sẽ khắc phục tình trạng sở hữu chéo, ẩn danh, kiểm soát thực chất quyền lực trong ngân hàng.
Quang cảnh hội thảoNgoài ra, một số ý kiến cho rằng, việc làm sớm thông qua Dự án Luật này sẽ tạo ra một giải pháp vững chắc, nâng cao năng lực cạnh tranh của hệ thống tài chính chính - ngân hàng Việt Nam trong giai đoạn mới, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và phát triển bền vững.
Kết luận hội thảo, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Nguyễn Trần Phượng Trân ghi nhận và đánh giá cao các ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của các chuyên gia, đại biểu; đồng thời cho biết, các ý kiến sẽ được tổng hợp đầy đủ, chuyển đến cơ quan soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, tiếp thu trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật.
Các Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Doanh nghiệp và Luật Các tổ chức tín dụng dự kiến sẽ được trình Quốc hội thảo luận và thông qua tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.