TPHCM vừa có chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ lao động tại TPHCM giai đoạn 2022 - 2026”.(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có chỉ đạo về việc tiếp tục thực hiện Đề án “Phát triển quan hệ lao động tại TPHCM giai đoạn 2022 - 2026”.
Theo đó, UBND TPHCM yêu cầu các sở, ban, ngành TP, các địa phương, cơ quan, đơn vị liên quan khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án “Phát triển quan hệ lao động tại TPHCM giai đoạn 2022- 2026” (gọi tắt là Đề án), xây dựng kế hoạch cụ thể, bố trí nguồn lực hợp lý, chú trọng tính chủ động, sáng tạo, linh hoạt, phù hợp với đặc điểm tình hình của từng đơn vị, địa phương; chủ động phối hợp chặt chẽ, đồng bộ và phân công trách nhiệm cụ thể trong việc triển khai Đề án.
Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan rà soát, kiện toàn, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về lao động, quan hệ lao động. Nâng cao năng lực và hiệu quả các thiết chế giải quyết tranh chấp lao động. Nâng cao hiệu quả công tác đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể trong doanh nghiệp.
Ban Quản lý Khu công nghệ cao TP, Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công đoàn đến các doanh nghiệp, người lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; thường xuyên nắm bắt tình hình, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến lao động, quan hệ lao động; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng môi trường làm việc hài hòa, ổn định và tiến bộ trong các khu chế xuất, khu công nghiệp, khu công nghệ cao; phối hợp Công đoàn cấp trên cơ sở tăng tỷ lệ doanh nghiệp có công đoàn cơ sở, nội quy lao động, đối thoại, thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể.
UBND TPHCM đề nghị Liên đoàn Lao động TP phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị trong việc triển khai Đề án; tăng cường vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; chủ động nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của công nhân, viên chức, người lao động để kịp thời tham mưu, đề xuất các giải pháp phù hợp; nâng cao năng lực của cán bộ công đoàn, tổ chức công đoàn cơ sở tại doanh nghiệp; thúc đẩy các hoạt động đối thoại và thương lượng; đề xuất các cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao, nhà ở cho công nhân lao động.
UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chỉ đạo các phòng, ban chức năng xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện Đề án phù hợp với tình hình thực tế của địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn; kịp thời phát hiện chấn chỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật lao động nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội; ngăn ngừa và giảm thiểu các tranh chấp, xung đột, tạo môi trường thuận lợi cho xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ.
Đồng thời, xây dựng kế hoạch và biện pháp triển khai thực hiện có hiệu quả, thiết thực việc tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động; đổi mới hình thức tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn; hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng nội quy lao động, thỏa ước lao động tập thể, xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, công khai minh bạch trong doanh nghiệp.
Mặt khác, tăng cường tiếp xúc, nắm bắt, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp thông qua thực hiện khảo sát nhu cầu trao đổi, đối thoại doanh nghiệp với chính quyền địa phương, giải đáp thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp.