Thứ Tư, ngày 18 tháng 12 năm 2024

Năm Dậu về “vương quốc” gà chín cựa

Từ Hà Nội, vượt gần hai trăm cây số, lại leo qua những con dốc dài, tôi đến “vương quốc” gà chín cựa của xã Xuân Sơn, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ. Dưới chân đồi rợp bóng cây, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn, ông Bàn Thái Lâm đang vung thóc cho gà ăn. Những con gà những tưởng chỉ có trong truyền thuyết Sơn Tinh - Thủy Tinh thì nay lại đang vây quanh ông Lâm mổ thóc.

Gà chín cựa giữ nhà

Ông Lâm bắt một con gà đưa lên cho tôi ngắm. Con gà trống lông màu sặc sỡ, mắt sáng quắc, không tỏ vẻ gì hoảng hốt khi bị ông Lâm giữ chặt. Tôi thấy dưới đôi chân vàng ươm có chín chiếc cựa dài. Tôi sờ tay vào những chiếc cựa, cảm giác như chạm vào truyền thuyết, có cái gì đó vừa xa xưa vừa khác lạ.

Ông Lâm đếm đúng chín chiếc cựa gà, bảo: “Con gà trống này có đúng chín cựa thuộc dạng rất hiếm. Theo truyền thuyết thì những con gà chín cựa là những con gà hoàn hảo nhất dùng để tiến vua. Gà chín cựa từ khi còn nhỏ đã có thể nhận thấy rõ các cựa ở khuỷu chân, mỗi bên có thể mọc từ ba, bốn cựa tùy vào thời gian gà trưởng thành. Nên cách gọi gà chín cựa là để chỉ giống gà đặc biệt của quê tôi chứ thực ra không chỉ có gà chín cựa. Điểm đặc trưng của giống gà này là chúng có chân to, chắc và mọc đều ba, bốn cựa mỗi bên. Mỗi cựa dài, ngắn khác nhau, mọc nối theo hàng. Đặc biệt, cựa trên cùng hoàn toàn chỉ là sừng, cong vút như lưỡi câu liêm hay nanh lợn rừng”.

Ông Lâm chỉ tay vào đàn gà và tôi thấy có nhiều con có bảy, tám cựa, mười cựa, có con lại không cựa nào. Ngay khi gà mới nở, nếu có cựa sẽ dễ dàng nhận thấy ở khuỷu chân. Những con gà trống có nhiều cựa thường có những đôi chân khỏe, linh hoạt, hay chạy lên đồi tìm giun kiếm ăn. Những chiếc chân nhiều cựa thường làm gà dễ mắc vào dây, vào cỏ nên có khi chủ phải “giải cứu”. Giống gà này siêng năng dậy từ bốn giờ sáng bới đất lật cỏ kiếm ăn, tối mịt mới về chuồng hay ngủ lại trên các cành cây và sẽ chào buổi sáng bằng những tiếng gáy khỏe khoắn.

Gà mái thường đẻ khoảng 15 quả trứng nhỏ. Vì giống gà quý nên không mấy ai bán trứng mà để ấp giống. Gà mái nhỏ nên không ấp được quá 15 trứng. Trong 15 trứng ấy nở ra thường khoảng bảy, tám con có cựa.

“Giống gà này có thể trông nhà thay chó đấy”, ông Lâm cười, buông một câu khiến tôi ngạc nhiên: “Giống gà này rất thông minh, nên có người lạ đến chúng sẽ tìm cách báo động như kêu lên, hoặc gáy liên tục, tiếng gáy cứ như tiếng chó sủa vậy, lúc đó chúng tỏ ra rất hung dữ. Gà này khi đủ lông đủ cánh chúng bay được như chim, bởi chân ngắn và sải cánh rộng, kích cỡ nhỏ và nặng thông thường không quá 1,5kg”.

Những con gà trống đang bới đất trong vườn nhà ông Lâm phô vẻ đẹp trong nắng, thân hình rắn chắc năm màu ngũ hành: đỏ son của mào, vàng rơm của chân, đen trắng xen xanh cánh trả của lông. Những chiếc đuôi mảnh và cong vút như cầu vồng bay phấp phới trong gió. Ông Lâm kể khi lớn lên đã biết giống gà chín cựa có từ lâu đời ở đây. Nghe nói ngày xưa có một con gà rừng lạ, lông trắng toát, bay như chim, đặc biệt đôi chân có chín cựa. Con gà trống ấy đạp mái với gà nhà và giống gà chín cựa sinh ra từ đó. “Từ đó” chắc là thời vua Hùng nên mới có truyền thuyết “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao”.

Gà chín cựa “đá văng” đói nghèo

Sự tinh anh, lanh lợi của gà chín cựa được dân làng rất coi trọng. Loài gà này lại ít dịch bệnh, khả năng đề kháng thích nghi cao và đặc biệt thịt rất thơm ngon, trở thành một thứ đặc sản của vùng đất này. Những năm gần đây, gà chín cựa đã “đá văng” đói nghèo của nhiều người dân ở xã Xuân Sơn này.

Tôi leo lên đỉnh núi của bản Cói xã Xuân Sơn nơi lão nông Nguyễn Văn Gương nổi tiếng với trại gà chín cựa. Đàn gà đang tìm thức ăn trong các lùm cây tạo nên bức tranh nhiều màu sắc sặc sỡ.

Ông Gương bảo: “Đàn gà này tôi nuôi được sáu tháng tuổi rồi, tầm ấy gà trống bắt đầu trổ mã, nặng khoảng 7-8 lạng, gà mái khoảng 5-6 lạng và bắt đầu “dậy thì”, có thể nhảy ổ đẻ trứng. Tôi nuôi cả trăm gà chín cựa trên này, nhưng không phải nuôi nhốt rồi cho ăn cám công nghiệp đâu. Giống gà này rất lạ, nếu nuôi nhốt mà cho ăn đầy đủ đến mấy chúng cũng chết dần, chết mòn nên phải thả ra cho chúng kiếm ăn kiểu hoang dã, có khi ngủ trên cành cây, nên nếu khách muốn mua nhiều lúc tôi phải quăng lưới hoặc dùng nỏ bắn. Ở bản Cói, khí hậu đặc biệt hợp với giống gà này nên thịt thơm ngon nhất, nếu đưa gà về vùng khác nuôi có khi 10 con thì chết mất bảy, tám”.

Nhiều người dưới xuôi lên tận đỉnh núi này mua gà chín cựa của ông Gương với giá khoảng 350.000 đồng/kg. Trại gà đã giúp lão nông thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nhìn đàn gà đang độ trổ mã khoe giò tôi biết ông Gương sẽ có một cái Tết no đủ.

Những nếp nhà của đồng bào dân tộc Dao nơi đây trở nên khang trang hơn, ngô gạo đầy chum cũng nhờ nuôi gà chín cựa. Chị Bàn Thị Thủy khoe với tôi vừa bán đàn gà cho một người ở Hà Nội lên được mười triệu đồng. Gà ăn khỏe, chậm lớn, thương lái săn lùng mà không có nhiều để bán.

Bí thư Đảng ủy xã Xuân Sơn Bàn Thái Lâm bưng mâm thịt gà chặt vuông vức bao diêm trên rắc lá chanh thái liu riu như làn khói xanh. Đĩa thịt gà bày biện rất đẹp, ở góc mâm có chén con đựng muối pha hạt dổi. Cặp chân gà có đủ chín cựa được gia chủ trang trọng để giữa mâm. Mùi thơm của thịt gà quyện với mùi hạt dổi rất khích thích vị giác.

Nhiều người tìm đến xã Xuân Sơn vì gà chín cựa.

Ông Bàn Thái Lâm cầm đôi chân gà chín cựa lên bảo: “Gà có đủ chín cựa này dân bản chúng tôi gọi là gà chúa, vào dịp đặc biệt mới lên mâm đấy”.

Dịp đặc biệt mà ông Lâm nói đến ấy là ngày Tết, khi hoa đào, hoa mận nở bung trên bản làng và lá non bắt đầu nhú lên sáng bừng cả rừng quốc gia Xuân Sơn. Lúc đó, dân bản giết thịt con gà trống có cựa đẹp nhất, bày lên mâm cúng tổ tiên, thần rừng, thần đất đã ban cho sự sống. Gà bày lên mâm, không dùng đĩa, mọi người ngồi quanh, không phân biệt trên dưới, sang hèn dùng tay lấy thức ăn trong khí se se lạnh với mưa xuân phơi phới bay.

Cả xã Xuân Sơn có 300 hộ với khoảng 1.200 khẩu, nhà nào cũng nuôi gà chín cựa nhưng mới chỉ mang tính tự cung tự cấp chứ chưa ý thức phát triển thành một thứ đặc sản mà thương hiệu đã có tiếng từ lâu. Nhiều khi khách muốn mua gà ông Lâm không cung cấp được, vì cả xã Xuân Sơn cũng chỉ có khoảng 2.000 con gà chín cựa, mà trong số đó nhiều người nuôi để thịt chứ chẳng bán. Ông Bàn Thái Lâm cho hay xã đang vận động bà con nuôi gà chín cựa để cung cấp cho thị trường, xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Gà chín cựa được nuôi nhiều hơn và thương lái tìm về săn đón để bán ở Hà Nội với giá cả triệu đồng cho một kg.

Tiến sĩ Võ Văn Sự - Nguyên trưởng bộ môn động vật quý hiếm và đa dạng sinh học Viện chăn nuôi Việt Nam cho biết: “Giống gà chín cựa là gà quý hiếm của địa phương, có nhiều ở Xuân Sơn - Phú Thọ. Đã có một số tổ chức nước ngoài về đây nghiên cứu hỗ trợ kinh tế, phát triển giống gà này. Nhiều nơi đổ về xã Xuân Sơn không chỉ để mua gà mà còn để ngắm gà chín cựa. Do vậy đời sống của người dân cũng được nâng cao”.

Theo Nhân dân

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo