Những loài nguy cấp quý hiếm
Có tổng cộng 39 loài gà hoang dã nguy cấp thuộc Phụ lục Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã (CITES) và 95% có phân bố ở châu Á. Đặc biệt, có tới 25 loài gà hoang dã thuộc Phụ lục I CITES – Nghiêm cấm buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.
Đó là các loài: Gà mỏ đỏ Crax blumenbachii, Gà mitu Mitu mitu, Gà mào sừng Oreophasis derbianus, Gà cánh trắng guan Penelope albipennis, Gà lưng đen guan Pipile jacutinga, Gà đầu trắng guan Pipile pipile, Gà maleo Macrocephalon maleo, Gà lôi wali Catreus wallichii, Gà đuôi trắng Colinus virginianus ridgwayi, Gà lôi tai trắng Crossoptilon crossoptilon, Gà lôi tai nâu Crossoptilon mantchuricum, Gà lôi himalaya Lophophorus impejanus, Gà lôi trung quốc Lophophorus lhuysii, Gà lôi không mào Lophophorus sclateri, Gà lôi lam mào trắng Lophura edwardsi, Gà lôi swinhoe Lophura swinhoii, Gà tiền napoleon Polyplectron napoleonis, Gà lôi elliot Syrmaticus ellioti, Gà lôi hume Syrmaticus humiae, Gà lôi mikado Syrmaticus mikado, Gà lôi caspi Tetraogallus caspius, Gà lôi tây tạng Tetraogallus tibetanus, Gà lôi blyth Trapogan blythii, Gà lôi calot Trapogan caboti, Gà lôi tây á Trapogan melanocephalus.
 |
Gà so cổ hung. |
Bên cạnh đó, bảy loài gồm: Gà lôi lớn Argusianus argus, Gà rừng sonnerat Gallus sonneratii, Gà tiền mặt vàng Polyplectron bicalcaratum, Gà tiền mặt đỏ Polyplectron germaini, Gà tiền malawan Polyplectron malacense, Gà tiền bornean Polyplectron schleiermacheri, Gà gô đồng lớn attawae Tympanuchus cupido attwateri thuộc Phụ lục II CITES – Hạn chế buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại.
Ngoài ra, có bảy loài gà hoang dã do các quốc gia đề xuất thuộc Phụ lục III (kiểm soát buôn bán) gồm: Gà bướu xanh (Colombia) Crax alberti, Gà bướu vàng (Colombia) Crax daubentoni, Gà tây (Colombia) Crax globulosa, Gà lớn (Colombia, Costa Rica, Guatemala, Honduras) Crax rubra, Gà ortalis (Guatemala, Honduras) Ortalis vetula, Gà mào (Colombia) Pauxi pauxi, Gà mào guan Penelope purpurascens, Gà nhỏ vùng cao nguyên (Guatemala) Penelope nigra.
Những loài ngủ trên cây, sống ở những độ cao từ 50m trở lên và ăn tạp
Khác hẳn với gà nhà thường ngủ trong chuồng, nhiều loài gà hoang dã nguy cấp vẫn mang đặc tính của lớp chim: ban ngày kiếm ăn và ban đêm đậu (ngủ) trên cây. Đó là gà so ngực gụ, gà so ngực hung, gà tiền mặt đỏ, gà tiền mặt vàng, gà lôi lam hà tĩnh, gà lôi lam mào trắng và gà lôi hông tía.
Gà so ngực gụ có tên khoa học là Arborophila charltonii thường sống ở những khu rừng thứ sinh thường xanh ẩm, rậm rạp, rừng hỗn giao (tre và cây gỗ mọc xen lẫn), rừng phục hồi lâu năm ở các sườn núi, đồi và các thung nhỏ chân núi đá vôi có độ cao từ 50 đến 1.300m với độ dốc không quá 5%.
Không giống với những cá thể gà thông thường, gà so ngực gụ có tập tính đặc biệt ngủ trên cây. Đây cũng là loài gà ăn tạp, nghĩa là thức ăn của chúng gồm động vật (côn trùng, giun đất), thực vật các loại quả thuộc họ Đậu, hạt dẻ. Do các hoạt động khai thác gỗ, phá rừng làm nương rẫy và bị săn bắn liên tục nên gà so ngực gụ hiện nay đã thu hẹp vùng phân bố (chỉ có ở Đông Bắc và Bắc Trung Bộ nước ta).
Các nước đã từng có phân bố như Indonesia, Myanmar, Malaysia và Thái Lan gần như đã tuyệt chủng gà so ngực gụ. Mặc dù chưa được đưa vào Phụ lục II Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã (CITES) song gà so ngực gụ vẫn thuộc Nhóm IIB, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 31-3-2006 của Chính phủ - Hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại.
Với tên khoa học Arborophila davidi, loài gà thuộc họ Trĩ này cũng có tập tính tương tự như gà so cổ hung là ngủ trên cây vào ban đêm. Sinh cảnh ưu thích của gà so cổ hung chính là các sườn đồi, núi rừng (tre, nứa, vầu, lồ ô), rừng hỗn giao tre lẫn cây gỗ rậm rạp, có độ cao từ 200 đến 600m. Vùng phân bố của gà so cổ hung hiện đã bị thu hẹp ở các tỉnh Đồng Nai, Lâm Đồng và Bình Phước. Đây cũng là loài động vật bị hạn chế khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại theo quy định tại Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ. Ngoài việc có phân bố ở Việt Nam, gà so cổ hung chỉ xuất hiện ở nước láng giềng là Campuchia.
Gà tiền mặt vàng Polyplectron bicalcaratum là loài động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Phụ lục II CITES. Đây cũng là loài động vật ăn tạp: các loại hạt, mối, trái cây và các loài động vật không xương sống. Gà tiền mặt vàng sống đôi hay đàn nhỏ 3 con ở các khu rừng thường xanh ẩm rậm rạp thứ, nguyên sinh, rừng hỗn giao (cây gỗ mọc xen tre, nứa, giang ...) ở độ cao 50-1500m dọc các khe suối, sông, các thung lũng và sườn núi đá vôi. Gà tiền mặt vàng cũng có tập tính ban ngày kiếm ăn ở mặt đất ban đêm bay lên cành cây đậu ngủ. Đây cũng là loài có chiều dài thân lớn nhất trong các loài gà: 76cm.
 |
Gà tiền mặt đỏ. |
Gà tiền mặt đỏ Polyplectron germaini sống ở rừng thường xanh và bán thường xanh, ban ngày xuống đất kiếm ăn , ban đêm bay lên cây ngủ. Đây cũng là loài thuộc Phụ lục II CITES. Vào mùa sinh sản, chim trống thường chọn một khoảng đất trống kêu tiếng gù gù đặc trưng và xòe đuôi múa thu hút chim mái. Mùa sinh sản của chúng là vào dịp xuân hè, mỗi lứa đẻ 3-4 trứng, thời gian ấp trứng khoảng 22 ngày. Thức ăn của chúng là các loại hạt, quả chín, giun, dế, châu chấu, sâu bọ.
Gà lôi lam hà tĩnh Lophura hatinhensis sống trong rừng thường sinh, nguyên sinh và thứ sinh trên vùng địa hình rừng núi thấp. Sáng chúng kiếm thức ăn trên mặt đất, tối bay lên cây để ngủ. Thức ăn của chúng là chuối chín, hạt ngô, hạt thóc, côn trùng và giun... Dù không thuộc CITES nhưng gà lôi lam hà tĩnh vẫn thuộc Nhóm IB, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ - Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại do số lượng còn rất ít trong tự nhiên.
Gà lôi lam mào trắng Lophura edwardsi sống tại các khu vực rừng mưa nhiệt đới của Việt Nam. Thức ăn chính của Gà lôi lam mào trắng là côn trùng, giun đất, hạt và quả cây trong rừng. Gà lôi lam mào trắng sống đôi hoặc 3 - 5 con ở các vùng rừng thứ, nguyên sinh có độ cao trung bình và thấp 200 - 600m ở vùng phía đông dãy Trường Sơn của vùng Trung Bộ nước ta. Đây là loài cực kỳ nguy cấp thuộc Phụ lục I CITES do số lượng còn rất ít trong tự nhiên.
Gà lôi hông tía Lophura diardi thường sống ở vùng rừng nguyên sinh, thứ sinh,bìa rừng , đặc biệt là các rừng cây họ dầu. Chúng sống thành đàn nhỏ từ 3-5 con.Chim non trưởng thành bắt đầu sinh sản vào năm thứ 3, mỗi lứa đẻ từ 5-6 trứng. Thức ăn chủ yếu của chúng là các loại hạt lương thực, côn trùng, giun đất... Cũng như gà lôi lam hà tĩnh, gà lôi hông tía thuộc Nhóm IB, Nghị định số 32/2006/NĐ-CP ngày 31/3/2006 của Chính phủ - Nghiêm cấm khai thác, sử dụng vì mục đích thương mại do số lượng còn rất ít trong tự nhiên.
Loài có vẻ đẹp kiêu sa
Gà tiền mặt vàng Polyplectron bicalcaratum là loài động vật nguy cấp, quý hiếm thuộc Phụ lục II CITES – Hạn chế buôn bán quốc tế vì mục đích thương mại. Gà tiền mặt vàng cũng có thể xòe đuôi rộng và lúc này trông không khác gì một chú công rực rỡ. Dù không hào nhoáng như chim công, gà tiền mặt vàng vẫn không kém phần quyến rũ với vẻ đẹp bí ẩn của những đốm sao xanh.
Loài có hình dạng kỳ dị
Đó là loài gà gô đồng Tympanuchus cupido attwateri phân bố ở bang Louisana và Texas (Hoa Kỳ). Chúng có hình dáng kỳ dị trong họ gà. Phần thân trên sọc đen và những sọc trắng, phần thân dưới có màu hơi trắng và có những sọc đen, viền trên mắt màu vàng sáng. Đặc biệt, chúng có hai túm lông trên hai bên đầu và có hai cái túi da màu vàng cam ở hai bên cổ.
Gà hoang dã có nhiều tên tiếng Việt
 |
Gà tiền mặt vàng. |
Các loài gà hoang dã có phân bố ở Việt Nam thường có những tên gọi khác nhau. Gà tiền mặt vàng còn có tên khác: Gà sao, Công xám (Kinh), Nộc quang quả (Tày). Đặc biệt, gà tiền mặt đỏ là loài gà có nhiều tên gọi nhất như: Gà sao, Công đất (Kinh), Nộc quang quả (Tày), Nộc poong pốt (Thái). Gà lôi lam Hà Tĩnh còn có tên gọi khác như gà lôi Hà Tĩnh, gà lừng.
Loài chỉ có ở Việt Nam
Trong các loài gà quý hiếm thuộc Phụ lục CITES, chỉ có ba loài gồm gà tiền mặt đỏ, gà lôi lam mào trắng, gà tiền mặt vàng có phân bố ở Việt Nam.
Loài có khả năng đi trên nước
Đó là loài gà lôi nước Hydrophasianus chirurgus có ngón chân và vuốt ngón chân rất dài. Loài gà đặc biệt này chỉ có phân bố ở Ấn Độ, Đông Nam Á, và Indonesia. Chúng có khả năng đi được trên các cây thủy sinh mà không bị chìm. Do đó, chúng có thể dễ dàng kiếm ăn ở các vùng nước gần bờ.
Loài đa thê và đa phu
Đây là một tập tính rất thú vị chỉ có ở nhiều loài gà mà các loài động vật khác không có. Nhiều trường hợp một cá thể gà trống chung sống với nhiều cá thể gà mái và ngược lại một cá thể gà mái chung sống với nhiều cá thể gà trống.
Loài làm tổ đơn giản nhất
Các loài gà tiền thường là loài làm tổ đơn giản nhất. Chúng chỉ cần tìm một hõm đất có sẵn, lót một số lá khô, sợi cỏ vào là thành tổ. Bên cạnh việc làm tổ rất đơn giản, chúng cũng không biết dọn tổ khi tổ bị bụi bẩn hoặc lẫn lộn.
Cá thể đực lấn át cá thể cái
Xét về phương diện thời trang, bao giờ các cá thể gà đực cũng lấn át cá thể gà cái. Mào và cựa của gà trống lớn hơn gà mái. Bộ lông của gà trống bao giờ cũng sặc sỡ hơn gà mái. Đặc biệt, sự lấn át của cá thể đực còn thể hiện ở chiều dài lông đuôi, kích thước cơ thể…
Loài nhạy cảm với ánh sáng
 |
Gà lôi lam mào trắng. |
Gà là loài động vật nhạy cảm nhất với ánh sáng. Đây chính là loài đi kiếm ăn trước lúc mặt trời mọc và mùa hè đi kiếm ăn sớm hơn mùa đông. Trong cuộc sống thường ngày, người ta thường căn cứ vào tiếng gà gáy để bắt đầu ngày mới bình minh.