Thứ Năm, ngày 10 tháng 7 năm 2025

KỶ NIỆM 71 NĂM NGÀY NAM BỘ KHÁNG CHIẾN

Nam bộ kháng chiến-Một quyết định mang tính lịch sử

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, GS Trần Văn Giàu, GS Vũ Khiêu, đồng chí Trần Bạch Đằng,… thăm Trung tâm KHXH&NV TP.

(Thanhuytphcm.vn)- Sau Cách mạng Tháng Tám, một lần nữa, bản lĩnh, ý chí của Trần Văn Giàu đã được thể hiện bằng “một quyết định mang tính lịch sử” – ngày Nam bộ kháng chiến 23/9/1945.

Xế chiều 22/9/1945, phái đoàn Pháp lịch sự mời Trần Văn Giàu và Phạm Ngọc Thạch đến dự bữa “tiệc công tác” (un diner de travail). Đoán trước dã tâm gài bẫy để bắt người của thực dân Pháp, ta hứa đến dự nhưng cuối cùng không đến. Thực dân Pháp lộ mặt. 0 giờ ngày 23 tháng 9 năm 1945, thực dân Pháp được sự giúp đỡ tích cực của quân Anh gây hấn ở Sài Gòn – nổ súng đánh chiếm trụ sở của Ủy ban nhân dân Nam Bộ và một số nơi khác. Đúng thời điểm đó, cuộc họp liên tịch của Xứ ủy Nam bộ, Ủy ban nhân dân và đại diện của Tổng bộ Việt Minh đã diễn ra tại số nhà 107 đường Cây Mai – Chợ Lớn (nay là đường Nguyễn Trãi). Hội nghị đã phân tích, đánh giá tình hình, so sánh lực lượng giữa ta và địch. Hai luồng ý kiến tranh luận gay gắt: Một bên cho rằng Pháp đã trắng trợn lộ rõ âm mưu tái xâm lược nước ta, nên ta phải cấp thời hiệu triệu quân dân Sài Gòn và Nam bộ nhất tề đứng lên đánh trả ngay để bảo vệ nền độc lập nước nhà; đồng thời báo cáo, thỉnh thị Trung ương. Một bên khác đề nghị hòa hoãn, chỉ tổng bãi công, bãi thị, chờ lệnh Trung ương.

Sau cùng, hội nghị quyết định đồng thời với việc xin ý kiến Trung ương Đảng và Hồ Chủ tịch là phát động nhân dân kháng chiến, “tướng ở biên cương không thể chờ lệnh vua mới đánh giặc khi giặc đánh qua biên ải”, không đánh trả ngay, không kháng chiến ngay thì địch có thời gian và điều kiện đánh chiếm rộng thêm chứ chúng không bao giờ ngưng, sẽ mất đất, mất uy thế cách mạng. Đương nhiên, vừa đánh vừa đàm như cha ông đã làm nếu có điều kiện. Hội nghị đã thành lập Ủy ban Kháng chiến Nam bộ do đồng chí Trần Văn Giàu, Bí thư Xứ ủy làm Chủ tịch. Sáng 23/9/1945, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Nam bộ Trần Văn Giàu đã phát lời kêu gọi:

“Đồng bào Nam bộ,

Nhân dân thành phố Sài Gòn,

Anh chị em công nhân, nông dân, thanh niên, tự vệ, dân quân, binh sĩ.

Đêm qua, thực dân Pháp đánh chiếm trụ sở chính quyền ta ở trung tâm Sài Gòn.

Như vậy là Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa.

Ngày 02 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc:

“Độc lập hay là chết!”

Hôm nay, Ủy ban Kháng chiến kêu gọi:

Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai gái, hãy cầm vũ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược…

Sài Gòn bị Pháp chiếm phải trở thành một Sài Gòn không điện, không nước, không chợ búa, không cửa hàng.

Hỡi đồng bào !

Từ giờ phút này, nhiệm vụ hàng đầu của chúng ta là tiêu diệt giặc Pháp và tay sai của chúng.

Hỡi anh em binh sĩ, dân quân, tự vệ ! Hãy nắm chặt vũ khí trong tay, xông lên đánh đuổi thực dân Pháp, cứu nước.

Cuộc kháng chiến bắt đầu !

GS Trần Văn Giàu đến xem Bia tưởng niệm Cách mạng Tháng Tám 1945.

Ba ngày sau, nhân dân Nam Bộ nhận được sự đồng tình của Chính phủ, được lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đài Tiếng nói Việt Nam:

“Hỡi đồng bào Nam Bộ !

Nước ta vừa tranh quyền độc lập, thì đã gặp nạn ngoại xâm…

Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ. Chúng ta nên nhớ lời nói oanh liệt của nhà đại cách mạng Pháp: “Thà chết tự do hơn sống nô lệ”.

Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hy sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà.

Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân.

Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc đấu tranh của chúng ta là chính đáng”.

Tiếp theo, Nam Bộ lại được Huấn lệnh của Chính phủ Trung ương:

“Hỡi đồng bào Nam Bộ !

Lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân đội xâm lăng của Pháp chẳng những đã làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà lại đã chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam…

… Trong giờ phút nghiêm trọng này, Chính phủ kêu gọi đồng bào yêu quý Nam Bộ phải đoàn kết chặt chẽ muôn người như một, dũng cảm và thận trọng cho thật kiên quyết và trầm tĩnh, nghe theo lời Chính phủ để đưa cuộc giải phóng đến thắng lợi cuối cùng”(1).

Lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Huấn thị của Chính phủ Trung ương đồng ý với Nghị quyết của Hội nghị liên tịch Cây Mai, đã cho quân dân Sài Gòn và Nam bộ thêm nghị lực, quyết tâm, tin tưởng bước vào cuộc kháng chiến bảo vệ nền độc lập của dân tộc.

Rõ ràng, quyết định của Xứ ủy Nam bộ do Trần Văn Giàu làm Bí thư vào rạng sáng ngày 23/9/1945 tại Hội nghị Cây Mai là một quyết định mang tính lịch sử, là mốc son “Mùa Thu rồi, ngày hăm ba”, mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc ta, là sự kiện mà từ đó Nam bộ được vinh danh “Thành đồng Tổ quốc”. Trần Văn Giàu xứng đáng là một người con ưu tú đầy bản lĩnh và trí tuệ !

_________________________________

[1] Báo Cứu quốc, Hà Nội, ngày 27/9/1945.

PGS. TS Phan Xuân Biên

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo