Thứ Năm, ngày 10 tháng 7 năm 2025

Mục tiêu cuối cùng là chính quyền phải thực sự là của dân, gần dân, do dân giám sát và quyết định

ĐBQH Phan Nguyễn Như Khuê

(Thanhuytphcm.vn) - Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM đã được Quốc hội biểu quyết thông qua sáng 16/11. Chiều 16/11, bên hành lang Quốc hội, cộng tác viên Trang tin Điện tử Đảng bộ TPHCM đã phỏng vấn đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM về nội dung này.

Phóng viên: Thưa đồng chí, Quốc hội thông qua Nghị quyết về tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại TPHCM. Đồng chí đánh giá thế nào về tin vui này?

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê: Có thể nói đây là sự động viên rất lớn đối với đảng bộ, chính quyền và cử tri TP. Cùng với một loạt Nghị quyết trước đó, đây là “cú hích” cho TPHCM thể hiện vai trò là đầu tàu kinh tế lớn và luôn phát triển vì cả nước, cùng cả nước. Đặc biệt sau Đại hội Đảng bộ TP vừa rồi, với các chương trình trọng điểm, đột phá đòi hỏi bộ máy chính quyền phải càng tinh gọn, sắp xếp hoạt động bảo đảm hiệu lực, hiệu quả; tăng cường sự gặp gỡ, đối thoại với cử tri để giám sát và phát huy dân chủ đúng mức. Việc không tổ chức HĐND quận, phường thì quyền đại diện của cử tri sẽ được mở rộng thông qua các kênh đoàn đại biểu và đại biểu Quốc hội, HĐND và đại biểu HĐND TP; các tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc… Như vậy quyền đại diện của cử tri được nâng lên một mức cao.

Có thể nói rằng, việc giám sát của người dân thông qua các kênh mở rộng như vậy để thấy rằng vào sự đòi hỏi, yêu cầu, xuất phát từ đòi hỏi, yêu cầu của cử tri, bắt buộc cán bộ, công chức được gọi là “công bộc”, phải thực hiện trách nhiệm xây dựng chính quyền vững mạnh, bảo đảm cuộc sống yên bình, hạnh phúc người dân. Bên cạnh đó, việc thực hiện tinh gọn bộ máy đảm bảo tiết kiệm ngân sách, để chúng ta có thêm  nguồn lực cho chương trình đầu tư phát triển, chính sách dân sinh… để tạo cho TPHCM chuyển sang bước phát triển mới. Và bộ máy như vậy sẽ càng ngày càng được phát huy tốt trách nhiệm của mình.

Thực hiện chính quyền đô thị thì chúng ta sẽ có nhiều nguồn vốn để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng chí có thể nói rõ, khi TPHCM thực hiện chính quyền đô thị thì người dân sẽ được hưởng lợi thế nào?

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê: Chính quyền đô thị không phải là việc thu gọn hoặc làm mờ đi quyền đại diện của nhân dân, mà phải phát huy và mở rộng kênh các cơ quan đại diện của người dân thêm nữa. Việc tinh gọn bộ máy không phải là con số là về tiền, nhưng chúng ta thấy sự sắp xếp bộ máy sẽ hạn chế được những chi tiêu, và chúng ta dành nguồn lực đó cho chi đầu tư phát triển, ví dụ như vấn đề ngập nước, ùn tắc giao thông, xóa đói giảm nghèo, những vấn đề chung cho an sinh xã hội…  nhằm góp phần xây dựng TP phát triển trong một giai đoạn mới. Nguồn tiết kiệm đó tạo thêm điều kiện để chúng ta dồn sức thực hiện các chương trình an sinh xã hội, làm sao cho điều kiện cuộc sống của người dân được nâng lên, làm sao địa bàn dân cư được xanh, sạch, an toàn, an ninh tốt, đường phố thông thoáng…

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết, vậy TPHCM đã chuẩn bị gì để triển khai ngay, thưa đồng chí?

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê: Sau khi có Nghị quyết, Đoàn ĐBQH TPHCM sẽ chuẩn bị cho việc đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội, gắn kết với các kết luận của Bộ Chính trị và mục tiêu, nội dung, quan điểm, yêu cầu của những chương trình của Đại hội Đảng TP, gắn kết với những nội dung trọng tâm của đề án lần này mà Quốc hội đã thông qua. Trách nhiệm của TPHCM bây giờ là phải thực hiện thật tốt mô hình chính quyền đô thị theo tinh thần TP vì cả nước. Đây là lúc các điều kiện chín muồi và mong mỏi của người dân, của cử tri, chính quyền TP đã được đáp ứng. Nghị quyết sẽ tạo ra sức bật mới cho TPHCM, phát huy được lợi thế trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa rất nhanh.

Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM Quốc hội bấm nút thông qua Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM

Triển khai mô hình chính quyền đô thị, làm thế nào để chúng ta đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân, thưa đồng chí?

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê: Đây không phải là sự chuyển giao kiểu giảm bớt cấp này để đẩy nhiệm vụ cho cấp khác. Với việc tinh gọn bộ máy thì tất yếu HĐND sẽ phải có một hướng hoạt động làm sao để hiệu quả, sát dân hơn, gần dân hơn. Việc lắng nghe, đối thoại và tiếp nhận những kiến nghị, yêu cầu của cử tri phải được tăng cường hơn. Cơ quan HĐND phải năng động hơn, vừa tăng cường sự giám sát vừa linh hoạt xây dựng chương trình của một cơ quan HĐND để thông qua đó, các đại biểu thực hiện tốt nhất trách nhiệm của mình, là đại diện của dân. Không thể nói là một đại biểu của dân mà xuân thu nhị kỳ trước khi kỳ họp anh mới tiếp xúc với dân, còn lại anh ở đâu, dân tìm anh ở đâu? Đây là lúc cần phải có lộ trình của HĐND TPHCM và của từng đại biểu. Phải xem cuộc sống của người dân là yêu cầu cao nhất mà người đại biểu phải gắn bó, phải tăng cường cầu nối đó, sát dân, gần dân, hiểu dân, giải quyết thực tế cuộc sống của người dân.

TPHCM có vướng mắc gì khi triển khai Nghị quyết này, thưa đồng chí?

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê: Vấn đề vướng mắc khi triển khai, có lẽ là công tác cán bộ. Việc sắp xếp, bố trí lại cán bộ là hết sức quan trọng, mấu chốt. Do vậy vấn đề chất lượng cán bộ phải rất cao, để thực hiện đề án cách tốt đẹp, thuận lợi. Chính từng cán bộ tự rà soát, khảo nghiệm mình xem có đáp ứng được với yêu cầu của chính quyền đô thị hay không. Tới đây, việc sắp xếp, sàng lọc, bố trí lại cán bộ là điều tất nhiên nhằm bảo đảm chính quyền đô thị vận hành tốt nhất.

Sắp tới, đoàn ĐBQH, HĐND sẽ có nhiều chức năng hơn, phải làm nhiều việc hơn. Vậy đoàn ĐBQH TPHCM đã có những tính toán gì để triển khai việc này thật hiệu quả?

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê: Như tôi đã trao đổi, khi được Quốc hội thông qua Nghị quyết này thì đoàn ĐBQH TPHCM vừa chuẩn bị cho việc đánh giá 3 năm thực hiện Nghị quyết 54 của Quốc hội về cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM, đồng thời đánh giá một nhiệm kỳ của Quốc hội. Phải nói rằng, trong nhiệm kỳ Quốc hội này, có rất nhiều nội dung tạo niềm vui cho đoàn ĐBQH TPHCM, từ  Nghị quyết 54, đến xây dựng chính quyền đô thị, rồi Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận cho dự án TP Thủ Đức. Tôi cho rằng trong nhiệm kỳ này, Quốc hội đã quan tâm và tạo nhiều sức mạnh cho TP. Do vậy, đoàn ĐBQH TP sẽ có tổng kết đánh giá trên cơ sở các Nghị quyết đã có và Nghị quyết lần này để đặt ra những nội dung một cách sát hợp. Trước hết là tăng cường giám sát. Hai là lắng nghe nhiều chiều từ các kiến nghị, từ hơi thở cuộc sống, từ những yêu cầu của cử tri để những nội dung hoạt động thiết thực, để làm sao góp phần cùng chính quyền TP thực hiện tốt các yêu cầu mà Nghị quyết của Quốc hội đã đặt ra.

Mô hình TP trong TP là mô hình rất khác biệt. Đó có phải là sự khác biệt lớn nhất giữa mô hình chính quyền đô thị ở TPHCM với mô hình chính quyền địa phương ở Hà Nội và Đà Nẵng?

Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM Phan Nguyễn Như Khuê: Đây là một vấn đề thể hiện tính chất tiêu biểu và đột phá trên cơ sở những vấn đề điều chỉnh, bổ sung Luật tổ chức chính quyền địa phương. Đây còn là một sự thể nghiệm mà TPHCM tiên phong đi trước, với điều kiện đặc thù riêng của một đô thị lớn, để làm sao mục tiêu cuối cùng là chính quyền phải thực sự là của dân, gần dân, vì dân và do dân giám sát và quyết định.

Xin cảm ơn đồng chí!

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo