Trong đó, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 10,91 triệu đồng/tháng); doanh nghiệp dân doanh là 8,1 triệu đồng/tháng; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 9,28 triệu đồng/tháng.
Về tiền thưởng Tết Dương lịch năm 2025, Thứ trưởng Bộ LĐTB-XH cho biết, do Tết Dương lịch gần với Tết Nguyên đán nên nhiều doanh nghiệp có kế hoạch tập trung cho Tết Nguyên đán. Theo đó, mức thưởng bình quân là 1,46 triệu đồng/người, bằng 79% so với mức thưởng dịp Tết Dương lịch năm 2024 (1,85 triệu đồng/người).
Cụ thể, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 1,95 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 1,13 triệu đồng/người; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 2,01 triệu đồng/người. “Mức thưởng Tết Dương lịch năm 2025 cao nhất là 1,8 tỷ đồng thuộc về vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực bán buôn thực phẩm ở TPHCM”, Thứ trưởng thông tin.
Về thưởng Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025, mức thưởng bình quân là 7,72 triệu đồng/người, tăng 13% so với thưởng dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024 (6,85 triệu đồng/người). Trong đó, Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ là 7,66 triệu đồng/người; doanh nghiệp dân doanh là 6,76 triệu đồng/người; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 8,24 triệu đồng/người.
“Mức thưởng Tết Nguyên đán năm 2025 cao nhất là 1,908 tỷ đồng, thuộc về vị trí quản lý cấp cao tại doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thuộc lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin ở TPHCM”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi thông tin.
Đối với đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo, phần lớn các địa phương đều có kế hoạch chăm lo Tết cho đối tượng bảo trợ xã hội và người nghèo với mức 300.000 đồng/hộ; TPHCM đang ở mức 1,15 triệu đồng/hộ và nhiều thành phố có mức hỗ trợ cao hơn mức trung bình.
Cũng tại họp báo, chia sẻ về động lực tăng trưởng trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch-Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho biết, ngay từ cuối tháng 12/2024, Thủ tướng đã có Công điện số 140/CĐ-TTg yêu cầu tất cả các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện, lên các kịch bản tăng trưởng để trong năm 2025, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng tối thiểu 8%. Trong điều kiện thực hiện thuận lợi, phấn đấu tăng trưởng 2 con số. Trong đó, có đưa ra yêu cầu rất cao cho các địa phương thường gọi là "đầu tàu, động lực tăng trưởng" như Hà Nội, TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai và một số địa phương khác; nếu các địa phương này tăng trưởng cao hơn con số đạt được của năm 2024 thì sẽ tạo ra động lực tăng trưởng rất lớn.
Về đầu tư, kế hoạch năm 2025, các bộ, ngành và địa phương sẽ phải thực hiện giải ngân tổng vốn đầu tư công khoảng 295.000 tỷ đồng, cộng với số chuyển tiếp của năm 2024 theo quy định của pháp luật khoảng hơn 300.000 tỷ đồng. Đây là con số rất lớn. Nếu chúng ta giải ngân được hết số vốn này thì sẽ tạo động lực để thu hút các thành phần kinh tế khác, làm vốn mồi để thu hút, thúc đẩy tăng trưởng.
Động lực tăng trưởng nữa là đẩy mạnh hoàn thiện kết cấu hạ tầng, dự kiến, hết năm 2025 sẽ hoàn thiện được 3.000 km đường cao tốc và 1.000 km đường ven biển, trong đó có nhiều dự án đường cao tốc sẽ nâng quy mô từ 2 làn lên 4 làn, và từ 4 làn lên đủ làn theo quy hoạch.
“Cuối cùng là xây dựng Trung tâm tài chính ở TPHCM và Đà Nẵng. Đây là cuộc chơi mới và cách thức mới để chúng ta thu hút được thêm nguồn lực. Nếu chúng ta làm được việc này thành công thì chắc chắn sẽ có nhiều nguồn lực cho tăng trưởng kinh tế”, Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm nêu.
Tại buổi họp báo, về các trường hợp mắc virus viêm phổi tại Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, virus HMPV lây qua đường hô hấp, qua giọt bắn, hắt hơi, sổ mũi hoặc nói chuyện. Khi nhiễm virus này có biểu hiện giống cảm lạnh thông thường như sốt, ho, nghẹt mũi và có thể gây ra các biến chứng viêm phổi, viêm phế quản.
Bệnh lây qua đường hô hấp và thường gia tăng vào mùa đông với điều kiện thời tiết khô lạnh và khả năng mắc bệnh cao thường với trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người có bệnh lý nền do hệ thống miễn dịch kém. Hiện nay, cơ quan y tế Trung Quốc đã xác nhận rằng, hệ thống y tế của Trung Quốc không bị quá tải, tỷ lệ sử dụng bệnh viện hiện tại thấp hơn ở thời điểm năm ngoái và không có tuyên bố đáp ứng khẩn cấp trong quá trình thực hiện phòng, chống bệnh. Tổ chức Y tế thế giới cũng khuyến cáo không áp dụng bất kỳ hạn chế nào về giao thương và đi lại liên quan đến xu hướng của bệnh đường hô hấp cấp tính hiện nay. Trước tình hình dịch bệnh, Bộ Y tế đã chủ động theo dõi, cập nhật qua hệ thống theo dõi, giám sát sự kiện và thực hiện hàng ngày, đồng thời có sự phối hợp chặt chẽ, chia sẻ của hệ thống y tế thế giới và Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của Hoa Kỳ.
Cũng tại họp báo, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên, Người phát ngôn Bộ Công an, đã trả lời câu hỏi liên quan đến hướng xử lý vụ lãnh đạo ACB bị tung tin đồn thất thiệt.
Về mặt pháp lý, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên khẳng định, những hành vi này có thể bị phạt tiền hoặc phạt tù. Đơn cử, trường hợp bà Nguyễn Phương Hằng (Tổng Giám đốc Công ty Đại Nam ở TPHCM) đã bị xét xử vì hành vi đưa tin xuyên tạc, sai sự thật. Liên quan vụ ở ACB, khi trên mạng có thông tin đưa đẩy, thất thiệt, Thiếu tướng Hoàng Anh Tuyên cho biết, đến nay, Bộ Công an chưa nhận được đơn thư của các bên có liên quan. "Khi có đơn thư, theo quy định của pháp luật, chúng tôi sẽ xem xét xử lý", ông Tuyên nói. Bộ Công an đã và đang thu nhập thông tin, nắm tình hình về hành vi thông tin sai sự thật, có tính vu khống trên không gian mạng để kiến nghị biện pháp xử lý. Với hành vi rõ ràng, Bộ Công an sẽ xử lý rất nghiêm theo đúng quy định của pháp luật nếu hành vi gây ảnh hưởng hoạt động kinh doanh, đầu tư, thương mại.
Trước đó, Ngân hàng Á Châu (ACB) phát thông cáo phản bác thông tin sai sự thật, cho rằng, lãnh đạo cấp cao của ngân hàng đánh bạc, chuyển hàng chục triệu USD ra nước ngoài. Đây là những thông tin thất thiệt xuất hiện trên mạng xã hội, được một số cá nhân livestream trên các nền tảng.