Đầu năm không kiêng kỵ… “Kịch ma”
Khán giả bây giờ rất… “hiện đại”, không cần tìm những điều vui vẻ, tránh tâm trạng hồi hộp, lo lắng, sợ hãi, cũng chẳng cần kiêng cữ ngày đầu năm; rất đông khán giả vẫn đi xem “kịch ma” đầy những chuyện giết chóc, máu me. Chính vì thế, các sân khấu chuộng thể loại kịch này đầu năm nay “hốt bạc”. Kịch Phú Nhuận, Kịch Sài Gòn, Nhà hát Thế Giới Trẻ là 3 đơn vị hiện đang “đứng đầu” về thể loại này, các ngày Tết, khán giả xếp hàng rồng rắn ở các sân khấu này chờ giờ mở cửa.
Kịch Phú Nhuận có hai vở là Trăng máu (tác giả Xuyên Lâm - đạo diễn Diệp Tiên) và 3-5-7 (tác giả - đạo diễn Lê Quốc Nam), “ăn khách” vô cùng. Kịch Sài Gòn chỉ kịp dựng Cứu em (tác giả Diệu Như Trang - đạo diễn NSND Trần Ngọc Giàu), còn lại là các vở cũ như Quỷ, Hồn ma báo oán, Hồn trinh nữ nhưng vẫn có người xem nườm nượp. Sân khấu này đạt kỷ lục số suất diễn cao nhất: 4 suất (14g, 16g, 18g, 20g) mỗi ngày. Nhà hát Thế Giới Trẻ cũng không thiếu “ma”, nhưng có lẽ Bí mật nhà xác (tác giả - đạo diễn Bùi Quốc Bảo) là vở diễn được khen ngợi nhất, vì vở đặt ra vấn đề thời sự xã hội và xây dựng được tình huống bi kịch mang tính nhân văn. Nhà hát Thế Giới Trẻ cũng giữ kỷ lục cao vì mỗi ngày diễn 3 suất và không trống ghế nào.
Thực tế, kịch bản thể loại (tạm gọi là) kinh dị nhưng yếu tố hài vẫn nổi trội hơn cả, tưởng chừng có thể khiến khán giả sợ hãi, nhưng vẫn cứ cười hả hê. Hình như chỉ có 3-5-7 và 2-4-6 ở sân khấu Supper Bowl mới nghe những tiếng hét của khán giả vì mấy chiêu giả bộ hù dọa như tắt đèn, rồi con ma đi xuống hàng ghế, lướt qua người khán giả, hoặc đứng sát bên. Có thể nói các “chiêu trò” trước đây hầu như đã sử dụng hết, nào là âm thanh chói tai, nào bóng trắng phất phơ… chẳng có chi là mới.
Đề tài muôn thuở: Tình yêu và hài hước
Sau “kịch ma” là kịch hài. Nhưng có lẽ vì muốn tận dụng tiếng cười nên hài ngày Tết có phần quá liều. Hồn bướm mơ điên (IDECAF, tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc-Minh Phương, đạo diễn Vũ Minh), Thần tiên cũng nổi điên (Nhà hát Thế Giới Trẻ, tác giả Thiên Ân-Hồng Phúc, đạo diễn Cao Tấn Lộc) diễn viên tung mảng miếng quá nhiều gây cảm giác… “bội thực”. Chuyện vợ chồng và Ngày tận thế (sân khấu Nụ Cười Mới) có sự tham gia của nhiều danh hài cũng na ná, dùng nhiều mảng miếng nhằm tạo tiếng cười hơn là hài tình huống, nội dung. Tuy nhiên, ngày Tết vui Xuân, người xem cũng… dễ tính hơn, tạm hài lòng với mục đích thư giãn.
Hài chừng mực nhất có lẽ là Xóm vịt trời (IDECAF, tác giả Hương Giang, đạo diễn Tuấn Khôi), Hợp đồng yêu đương (Nhà hát Thế Giới Trẻ, tác giả Nguyễn Bảo Ngọc, đạo diễn Ngọc Hùng), Lò heo quay (Kịch Sài Gòn, tác giả Trần Văn Hưng, đạo diễn Hữu Nghĩa). Hài nhưng lồng trong một cốt truyện nghĩa tình, nên thấy có chiều sâu, có hiệu quả tích cực, đặc biệt cho lớp trẻ. Xóm vịt trời nói chuyện trọng nam khinh nữ một cách nhẹ nhàng, khiến người xem phải nhìn lại, quay về nâng niu vợ con mình, là những người phụ nữ đã và sẽ theo mình suốt đời, buồn vui ấm lạnh có nhau, sẻ chia gánh vác khi thành công, khi thất bại. Nét duyên dáng của vở này còn ở giọng nói ba miền Nam, Trung, Bắc, cả người Hoa Chợ Lớn, cùng hòa quyện trong mảnh đất phương Nam nghĩa tình, hào sảng. Diễn viên nói đủ thứ giọng mà khán giả đều nghe được hết và vỗ tay tưng bừng.
 |
Vở Xóm vịt trời của sân khấu IDECAF. Ảnh:H.K |
Hợp đồng yêu đương nhắc đến một mối tình tưởng trái khoáy vì một cô cá tính mẫu mực còn một anh thì ăn chơi, lông bông, không định hướng tương lai. Nhưng không ngờ, tình yêu đã đưa anh ta trở lại cuộc sống tử tế, biết tự lập bằng sức lao động chân chính, biết chờ đợi, thủy chung. Vở này được khán giả trẻ thích vì họ tìm thấy bóng dáng mình trong đó. Lò heo quay cũng nhắc nhở về những ngành nghề truyền thống đã nuôi sống biết bao người dân Việt, đừng nên phụ rẫy nó, cũng như phụ rẫy cả cái xóm nghèo đã từng cưu mang mình. Đổi thay nhưng không phải là xóa sạch ký ức, vẫn cần giữ lại những nét đẹp truyền thống. Tài tung hứng của Mai Trần, Mạnh Tràng, Tấn Hoàng và các diễn viên trẻ đủ làm không khí khán phòng tưng bừng dễ chịu. Năm nay thấy sân khấu này biết tiết chế trong diễn xuất, không quá lạm dụng mảng miếng, đáng khuyến khích.
Hài còn chen lẫn trong các vở kịch tình cảm nghiêm túc của sân khấu Hoàng Thái Thanh, Nhà hát Sân khấu nhỏ. Hai đơn vị này không chạy theo thời vụ, dù lễ Tết gì cũng dựng vở tử tế, chỉ có điều tăng thêm chút hài cho nhẹ nhàng. 6 tháng anh và em (tác giả Nguyên Thảo - đạo diễn Ái Như) là câu chuyện tình cảm động của anh tài xế đã cố gắng phấn đấu trở thành doanh nghiệp rồi quay về cầu hôn cô chủ mình từng thầm yêu trộm nhớ. Đây là “vở đinh” của sân khấu Hoàng Thái Thanh dịp Tết này; bên cạnh đó Tái sinh (tác giả Nguyễn Thị Minh Ngọc - đạo diễn Ái Như) lại đậm màu triết lý. Tái sinh cũng ly kỳ, huyền ảo đậm chất liêu trai nhưng thực chất vẫn là một vở chính kịch, đề cập đến tâm thức của con người cùng triết lý nhà Phật, như đạo diễn Ái Như đã khẳng định: “Sân khấu Hoàng Thái Thanh không chủ trương dựng kịch ma hay làm kịch kiểu câu khách bằng cách bày trò rùng rợn”. Đây là một lĩnh vực mới và khá nhạy cảm, cho nên để đủ sức thuyết phục và thu hút khán giả, vở diễn đã tập hợp một dàn diễn viên giỏi nghề như NSƯT Thành Hội, Tuyết Thu, Nguyên Lộc, Quốc Thịnh, Công Danh…
Kịch 5B Tết này vẫn phong cách nhẹ nhàng về tình yêu, gia đình, đối nhân xử thế với chùm kịch ba vở: Nơi tình yêu bắt đầu (tác giả Thanh Tùng, Tiến Đạt - đạo diễn Nguyễn Hồng Dung), Hạnh phúc? Ở đâu? (tác giả Văn Ruy, Mai Trung - đạo diễn NSƯT Công Ninh) và Chờ người (tác giả Vương Huyền Cơ - đạo diễn Ngọc Tưởng) và vở Chia tay hoàng hôn (tác giả Sỹ Hanh, đạo diễn NSƯT Trần Minh Ngọc). Đặc biệt Nơi tình yêu bắt đầu tuy rằng có những “con ma” nhưng không hề có chiêu hù dọa nào, mà chỉ mượn để nêu lên một triết lý sống, rằng cõi tạm này mới chính là thiên đường, đừng có ai dại dột từ bỏ…
Vở Hạnh phúc? Ở đâu?!.. quy tụ một dàn diễn viên “gạo cội” như NSƯT Việt Anh, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Công Ninh, Trung Dân, Phi Phụng, Hà Linh… Nhưng ngoài một vài khoảng lặng hiếm hoi chưa đủ sức nặng cần thiết để đẩy cao kịch tính, gần như toàn bộ thời lượng vở diễn là những màn tung hứng qua lại để gây cười. Kịch bản “mỏng”, phải sử dụng nhiều mảng miếng để bù đắp, thật “uổng” cho sự góp mặt của những diễn viên đầy kinh nghiệm và nội lực diễn xuất như vậy. Bên cạnh đó, Chờ người lại là một thử sức mới mẻ của Ngọc Tưởng và Câu lạc bộ diễn viên trẻ Nhà hát 5B. Vở diễn đã “giới thiệu” nhiều gương mặt trẻ, mới toanh, nhưng đầy sức thanh xuân. Dù họ còn những ngượng ngập ban đầu nhưng chính sự thanh xuân và hồn nhiên trong trẻo của họ đã làm tươi mát sàn diễn. Và nội dung trở về bản sắc Việt cũng khiến người xem cảm động.
 |
Vở 6 tháng anh và em của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Ảnh:H.K |
Cải lương “khiêm tốn”
Sân khấu cải lương không có nhiều lựa chọn, nghệ sĩ vẫn phải diễn tại rạp Thủ Đô xuống cấp, xa trung tâm TP. Từ mùng 1 đến mùng 6, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang diễn lại các vở đã từng tham gia Liên hoan sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc 2012, như: Cội nguồn (tác giả Lê Duy Hạnh, đạo diễn Hoa Hạ), Tiếng vạc sành (tác giả Trung Dân, đạo diễn Phan Quốc Kiệt), Sám hối (tác giả Hoàng Song Việt - đạo diễn Hoa Hạ)... đều là những vở hay, đáng xem. Vở mới Đường chân trời (tác giả Hà Nam Quang, đạo diễn Hoa Hạ) chỉ 1 tiếng 45 phút, nhưng lại đầy đủ kịch tính và tâm lý nhân vật, xem ra là một thử nghiệm lý thú của loại vở ngắn, được lưu diễn phục vụ tại các quận huyện ngoại thành.
Nhìn chung, kịch Tết có đông vui hơn nhưng chất lượng không cao do đặt nặng yếu tố giải trí. Tình trạng chung của sân khấu kịch hiện nay là thiếu kịch bản và khó tập hợp diễn viên để tập vở mới vì mùa khô mọi người tất bật tranh thủ đóng phim, có nhiều vở phải tập vào ban đêm... Nhiều đơn vị “bí” quá, tìm những vở cũ “ăn khách” để dựng lại, sáng tác thêm các mảng miếng hài để chọc cười ngày xuân…
Sân khấu Tết năm nay, một số “bình cũ, rượu cũng cũ”, thôi thì “Tết mà, vui là chính!”, coi như thư giãn, mua vui nhẹ nhàng để mọi người, mọi ngành chuẩn bị bước vào một năm mới, cố gắng đạt nhiều thành công hơn.