Thứ Năm, ngày 10 tháng 7 năm 2025

Một số vấn đề về công tác gia đình trong bối cảnh hiện nay

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 24/6/2021, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị 06-CT/TW “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xây dựng gia đình trong tình hình mới”. Chỉ thị nhấn mạnh: “Gia đình là tế bào của xã hội, nơi duy trì nòi giống, môi trường lưu giữ, giáo dục, trao truyền các giá trị văn hóa dân tộc cho các thành viên trong gia đình. Xây dựng gia đình hạnh phúc chính là tạo nền tảng để xây dựng xã hội hạnh phúc, là vấn đề hết sức hệ trọng của dân tộc ta. Công tác xây dựng gia đình vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển bền vững đất nước”.

Tuy nhiên, Chỉ thị cũng thẳng thắn nhìn nhận một số hạn chế, tồn tại về công tác gia đình, trong đó có: “Chi tiêu của gia đình cho dịch vụ xã hội cơ bản còn chiếm tỷ trọng lớn, nhất là cho dịch vụ y tế và giáo dục. Chưa quan tâm phát huy vai trò của cộng đồng và đầu tư nguồn lực cho công tác xây dựng gia đình. Chưa có giải pháp đồng bộ, kịp thời để phòng ngừa, ngăn chặn tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, lối sống thực dụng, thông tin tiêu cực trên internet và mạng xã hội tới gia đình. Chưa xử lý triệt để tình trạng bạo lực gia đình, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, sử dụng lao động trẻ em; sự phối hợp giữa gia đình với nhà trường và xã hội trong định hướng giá trị, giáo dục đạo đức, lối sống cho giới trẻ còn hạn chế...”.

Tại TPHCM, trong bối cảnh hiện nay, nhất là sau đợt dịch thứ tư, vấn đề gia đình và công tác gia đình có những thử thách không nhỏ. Tính đến ngày 9/11/2021, toàn thành phố có 440.522 người nhiễm Covid-19 (số liệu do Bộ Y tế công bố), tổng số ca tử vong là 16.974 người, có hơn 1.500 trẻ mồ côi cha, mẹ, cả cha mẹ hoặc người nuôi dưỡng do Covid-19… Nhiều vấn đề khác là hậu quả của dịch chưa được thống kê đầy đủ, như bao nhiêu hộ đã thoát nghèo sau dịch trở thành hộ nghèo hoặc cận nghèo, bao nhiêu hộ cận nghèo thành hộ nghèo; bao nhiêu gia đình bị mất cơ sở kinh tế, mất thu nhập tuy không trở thành hộ cận nghèo nhưng bị ảnh hưởng đến việc bảo đảm chất lượng sống, việc chăm sóc và giáo dục trẻ…; bao nhiêu gia đình trở thành gia đình đơn (do mất vợ, chồng hoặc cả hai vì Covid-19); bao nhiêu gia đình chỉ còn lại người già hoặc trẻ em và vì thế nguồn sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng; bao nhiêu gia đình có người nhiễm bệnh tuy may mắn qua khỏi nhưng phải chịu di chứng nặng nề ảnh hưởng đến sức khỏe, sức lao động… và vì như vậy nên ảnh hưởng đến sự bền vững và hạnh phúc của gia đình…

Hay một số vấn đề khác liên quan đến dịch cũng cần được quan tâm chẳng hạn, cấu trúc gia đình, sự gắn kết của các thành viên… chịu sự tác động như thế nào sau dịch; tâm sinh lý của các cá nhân (nhất là người già, trẻ em, người có nhiều bệnh, người phụ thuộc…) thay đổi ra sao và vì thế tác động đến gia đình thế nào; một số rủi ro khác liên quan đến dịch (như bị xâm hại, bị bạo hành, bị bỏ rơi, bị bệnh…) có chiều hướng thay đổi không… Kể cả vấn đề ly hôn hay xu hướng kết hôn do tác động của dịch cũng cần được nghiên cứu đầy đủ để từ đó đưa ra các định hướng phù hợp trong công tác gia đình.

Trong điều kiện của TPHCM hiện nay, vấn đề công tác gia đình cần được quan tâm ở một số khía cạnh sau:

Thứ nhất, cán bộ, đảng viên phải tiếp tục nêu gương và vận động nhân dân tích cực tham gia xây dựng gia đình hạnh phúc. Tổ chức đảng nên đưa nội dung xây dựng gia đình hạnh phúc vào tiêu chí đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm, nhất là trong việc thực hiện các nghĩa vụ đối với gia đình. Đồng thời, các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội cần tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu, nền nếp, ông bà, cha mẹ mẫu mực, con cháu hiếu thảo, vợ chồng hòa thuận, anh chị em đoàn kết, thương yêu nhau, nhất là vào dịp Ngày Gia đình Việt Nam, Ngày Phụ nữ Việt Nam...

Thứ hai, các cơ quan, tổ chức có liên quan đến công tác gia đình (Sở Văn hóa – Thể thao, Sở Giáo dục và Đào tạo, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Đoàn Thanh niên…) cần có nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động nhằm đề cao vai trò của gia đình trong nuôi dưỡng, định hướng giá trị, giáo dục thế hệ trẻ cả về mặt tình cảm, kiến thức, thể chất, đạo đức... Trong đó, cần quan tâm giáo dục trẻ em có những nhận thức, tình cảm đúng đắn về gia đình, về trách nhiệm, nghĩa vụ của bản thân trong các việc liên quan đến gia đình để hình thành dần thói quen tốt và hành vi đúng đắn cho đến khi trưởng thành. Đồng thời, cần tiếp tục chú trọng thực hiện công tác bình đẳng giới và các quy định pháp luật về gia đình để khắc phục dần các biểu hiện chưa lành mạnh trong gia đình.

Thứ ba, các cơ quan, tổ chức, nhất là cơ quan truyền thông, cần thực hiện nhiều giải pháp phê phán, đấu tranh chống lối sống thực dụng, tệ nạn xã hội, bạo lực gia đình, xóa bỏ các hủ tục, tập quán lạc hậu trong hôn nhân và gia đình. Cần tạo thành một trào lưu xã hội rộng rãi lên án những biểu hiện tiêu cực trong gia đình, nhất là tình trạng bạo hành, bất bình đẳng giới…; trong đó cần gắn trách nhiệm của đảng viên trong công tác tuyên truyền, vận động người thân, cộng đồng nơi cư trú thực hiện các nghĩa vụ cá nhân trong gia đình.

Thứ tư, phải khắc phục bệnh thành tích, hình thức trong công tác xây dựng gia đình, nhất là việc bình xét gia đình văn hóa hằng năm. Cần rà soát để điều chỉnh các tiêu chí nhằm hướng đến thực chất, phù hợp với điều kiện thực tiễn của TPHCM, như việc xây dựng gia đình văn hóa phải gắn với việc giảm nghèo đa chiều, thường xuyên tham gia các hoạt động học tập…

Thứ năm, thành phố cần thực hiện một cuộc điều tra về các vấn đề gia đình sau dịch (như đã nêu ở trên) để phục vụ cho công tác phòng chống dịch và công tác gia đình nói riêng cũng như nhiều mặt công tác khác nói chung, nhằm giúp có những giải pháp phù hợp để phát triển thành phố trong thời gian tới.

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo