I. “…Nguyễn Ái Quốc sinh ngày 19-5-1890, quê ở làng Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Lúc nhỏ có tên là Nguyễn Sinh Cung, khi đi học lấy tên là Nguyễn Tất Thành. Lớn lên giữa lúc nước mất nhà tan, đau xót trước cảnh lầm than của đồng bào. Nguyễn Tất Thành sớm có chí đánh đuổi thực dân Pháp, giải phóng dân tộc...
Ngày 5-6-1911, Nguyễn Tất Thành rời đất nước ra đi tìm đường cứu nước, xem các nước làm thế nào để rồi trở về giúp đồng bào.
Trên lộ trình tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc đã trải qua những bước ngoặt lớn.
Một là: Nhận ra hạn chế của các nhà yêu nước đương thời.
Nguyễn Ái Quốc rất khâm phục tinh thần yêu nước của Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Hoàng Hoa Thám, nhưng không đồng ý đi theo con đường của một người nào. Trong khi nhiều người còn ngưỡng mộ cách mạng tư sản, thì Người đã vượt qua sự hạn chế tầm nhìn của họ, đi tìm con đường cứu nước khác.
Hai là: Tìm ra chỗ hạn chế của cách mạng dân chủ tư sản là những cuộc cách mạng không giải phóng được công nông và quần chúng lao động.
Một cuộc khảo sát có một không hai ở Mỹ, Anh và Pháp đã giúp Nguyễn Ái Quốc nhận ra là, ở đâu cũng có hai loại người: người giàu và người nghèo, người áp bức và người bị áp bức. Càng ngày Người càng hiểu sâu sắc bản chất của chủ nghĩa đế quốc.
Ngày 6-7-1911, Nguyễn Tất Thành đến cảng Mácxây, thấy nhiều phụ nữ nghèo khổ. Nguyễn Tất Thành nói với người bạn “Tại sao người Pháp không “khai hóa” đồng bào của họ trước khi đi “khai hóa chúng ta?”.
Làm thuê trên chiếc tàu đi vòng quanh châu Phi, tận mắt trông thấy những cảnh khổ cực, chết chóc của người da đen dưới roi vọt của bọn thực dân, Nguyễn Tất Thành nghĩ: Đối với bọn thực dân, tính mạng của người thuộc địa, da vàng hay da đen cũng không đáng một xu.
Giữa tháng 12-1912, Nguyễn Tất Thành tới nước Mỹ, Người dành một phần thời gian để lao động kiếm sống, còn phần lớn thời gian dành cho học tập, nghiên cứu Cách mạng tư sản Mỹ năm 1776. Khi thăm pho tượng Thần Tự do, Nguyễn Tất Thành không để ý đến vầng hào quang quanh đầu tượng mà xúc động trước cảnh những nô lệ da đen dưới chân tượng…”
(Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb. Chính trị Quốc gia, 2001.)
II. “…Giữa lúc ấy, Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của Lê-nin đến với Người. Được sự giúp đỡ của nhiều đồng chí cách mạng Pháp, trong đó có Mác-xen Ca-sanh, Pôn Vay-ăng Cu-tuya-ri-ê, Mông-mút-xô… Người càng thấy rõ hơn Quốc tế thứ ba và bản Luận cương của Lê-nin thật sự đáp ứng nguyện vọng tha thiết nhất của Người là độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào. Từ bản Luận cương của Lê-nin, Người đã tìm thấy phương hướng và đường lối cơ bản của phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, trong đó có cách mạng Việt Nam. Sau này, Người đã nhắc lại cảm tưởng của mình khi được đọc Luận cương của Lê-nin:
“Luận cương của Lê-nin làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta”.
Từ đó, Người hoàn toàn tin theo Lê-nin và Quốc tế thứ ba. Người say mê nghiên cứu các tác phẩm của Mác và Lê-nin. Tác phẩm Tư bản của Các Mác là cuốn sách gối đầu giường của Người…”
(Chủ tịch Hồ Chí Minh: Tiểu sử và sự nghiệp. Nxb, Sự thật, 1980)
III. “… Sau khi tìm được con đường cứu nước đúng đắn để giải phóng dân tộc, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã tập trung mọi nỗ lực vào việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin trong phong trào công nhân và phong trào yêu nước Việt Nam, chuẩn bị những tiền đề về chính trị, tư tưởng và tổ chức cho sự ra đời của một đảng cách mạng tiền phong của giai cấp công nhân Việt Nam.
Qua gần 4 năm tích cực hoạt động trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, không ngừng rèn luyện và nâng cao trình độ lý luận, khả năng tuyên truyền, tổ chức, với cương vị là Ủy viên Ban Phương Đông phụ trách Cục Phương Nam của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã đến Quảng Châu (Trung Quốc) với mục đích tạo ra một địa bàn hoạt động mới để gây dựng phong trào cách mạng trong các tầng lớp nhân dân ở Đông Nam Á theo đường lối của Quốc tế Cộng sản.
Chỉ một thời gian ngắn sau khi đến Quảng Châu, Người đã liên lạc được với những thanh niên Việt Nam yêu nước trong tổ chức Tâm Tâm xã và tuyên truyền đến họ về chủ nghĩa Mác-Lênin, về Cách mạng Tháng Mười, về Quốc tế Cộng sản, về chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản cùng những tư tưởng và con đường cứu nước do Người đề ra. Nguyễn Ái Quốc đã tổ chức ra nhóm bí mật gồm 9 người do Người - với bí danh là Lý Thụy – lãnh đạo, đồng thời chọn 5 người trong số đó làm đảng viên dự bị của Cộng sản Đảng, như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Phong, Lê Hồng Sơn… Người đã cử một số người về nước hoạt động, tuyển chọn thanh niên ra dự các lớp huấn luyện ở Quảng Châu hoặc chọn gửi đi học Trường đại học Phương Đôgn ở Mátxcơva. Như vậy là đến lúc này, tại Quảng Châu, mầm mống đầu tiên của một tổ chức cách mạng đã hình thành.
Đến tháng 6 năm 1925, Nguyễn Ái Quốc chính thức thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội.
Mục đích của Hội là: “Hy sinh tính mệnh, quyền lợi, tư tưởng để làm cuộc cách mạng dân tộc (đập tan bọn Pháp và giành lại độc lập cho xứ sở) rồi sau làm cách mệnh thế giới (lật đổ chủ nghĩa đế quốc và thực hiện chủ nghĩa cộng sản)”.
Điều lệ của Hội đề cập đến Chương trình hoạt động như kết nạp hội viên; tổ chức các đoàn thể như Công hội, Nông hội, Hội học sinh, Hội phụ nữ…; thành lập Chính phủ nhân dân; áp dụng những nguyên tắc “tân kinh tế chính sách”, đoàn kết với giai cấp vô sản tất cả các nước và thành lập xã hội cộng sản.
Điều lệ còn quy định cụ thể các vấn đề điều kiện vào Hội, lề lối tổ chức, cơ cấu các cấp trung ương, xứ ủy, tỉnh ủy, huyện ủy, chi bộ; vấn đề tiến hành hội nghị thường kỳ của các cấp ủy, chi bộ; vấn đề tiến hành hội nghị thường kỳ của các cấp và hội nghị toàn quốc. Các vấn đề kỷ luật, nhiệm vụ hội viên… cũng được bản điều lệ quy định rõ ràng.
Trụ sở của Tổng hội Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đặt tại Quảng Châu.
Việc thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội có ý nghĩa hết sức quan trọng. Sau khi ra đời, Hội đã nhanh chóng lôi cuốn, tập hợp và đào tạo các chiến sĩ yêu nước tiên tiến ở Việt Nam. Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội ra đời đã góp một tiếng nói quan trọng trong cuộc đấu tranh giữa hai đường lối của giai cấp công nhân và đường lối của giai cấp tư sản ở Việt Nam, bảo vệ khuynh hướng cách mạng chân chính triệt để… Bằng những hoạt động tích cực của mình, Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội đã có những đóng góp quan trọng trong việc truyền bá chủ nghĩa Mác-Lênin; tuyên truyền, giác ngộ, tập hợp quần chúng tạo ra bước phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân và phong trào yêu nước những năm 1925-1929, xứng đáng là tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam…”
(Tìm hiểu thân thế-sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh (hỏi và đáp). Nxb. Chính trị Quốc gia, 1999)
_
IV. “…Đảng và nhân dân ta quyết tâm xây dựng đất nước Việt Nam theo con đường xã hội chủ nghĩa trên nền tảng chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiện cụ thế của nước ta, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Đó là tư tưởng về giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng con người; về độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; về sức mạnh của nhân dân, của khối đại đoàn kết dân tộc; về quyền làm chủ của nhân dân, xây dựng Nhà nước thật sự của dân, do dân, vì dân; về quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân; về phát triển kinh tế và văn hóa, không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; về đạo đức cách mạng, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; về chăm lo bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau; về xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, cán bộ, đảng viên vừa là người lãnh đạo, vừa là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân…
Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta.
…”
(Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb. Chính trị quốc gia, 2001.)
V. “Thưa đồng bào và chiến sĩ cả nước,
Thưa các đồng chí và các bạn,
HỒ CHỦ TỊCH kính yêu của chúng ta không còn nữa!
Tổn thất này vô cùng lớn lao! Đau thương này thật là vô hạn!
Dân tộc ta và Đảng ta mất một vị lãnh tụ thiên tài và một người thầy vĩ đại.
Phong trào cộng sản quốc tế, phong trào giải phóng dân tộc và cả loài người tiến bộ mất một chiến sĩ lỗi lạc, một người bạn chiến đấu kiên cường và thân thiết.
Đồng bào và chiến sĩ cả nước ta thương nhớ Người khôn xiết! Anh em và bầu bạn khắp năm châu cùng chia sẻ nỗi đau buồn sâu sắc của chúng ta.
…
Dân tộc ta, nhân dân ta, non sông đất nước ta đã sinh ra HỒ CHỦ TỊCH, người anh hùng dân tộc vĩ đại, và chính Người đã làm rạng rỡ dân tộc ta, nhân dân ta và non sông đất nước ta.
Người là tượng trưng cho tinh hoa của dân tộc Việt Nam, cho ý chí kiên cường, bất khuất của nhân dân Việt Nam suốt bốn nghìn năm lịch sử. “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Đó là lời kêu gọi cứu nước khẩn thiết hiện nay của Tổ quốc, là lời hịch của ông cha ta vang vọng tự ngàn xưa, là nghĩa vụ thiêng liêng của chúng ta đối với muôn đời con cháu. Người nói: “Nước ta là một, dân tộc ta là một”. “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam”. Lúc còn sống, Người luôn luôn theo sát từng bước đi của cách mạng giải phóng miền Nam, ngày đêm Người tưởng nhớ đến đồng bào và chiến sĩ miền Nam với tấm lòng thương yêu không bờ bến.
…”
(Hồ Chí Minh toàn tập. Tập12 (1966-1969). Nxb. Chính trị quốc gia, 1996)
VI. Một số bài hát viết về Hồ Chủ tịch
1. Ba Đình nắng: Bùi Công Kỳ, thơ Vũ Hoàng Định
2. Bác đang cùng chúng cháu hành quân: Huy Thục
3. Bác Hồ sống mãi trong lòng miền Nam: Nguyễn Đồng Nai
4. Bác Hồ sống mãi với Tây Nguyên: Lê Lôi
5. Bác Hồ về thăm quê: Thuận Yến
6. Bên lăng Bác Hồ: Dân Huyền
7. Bến Nhà Rồng: Trần Hoàn
8. Biết ơn cụ Hồ Chí Minh: Lưu Bách Thụ
9. Ca ngợi Hồ Chủ tịch: Văn Cao
10. Đêm đò đưa nhớ Bác: An Thuyên
11. Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh: Trần Hoàn
12. Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người: Trần Kiết Tường
13. Lời Bác dặn trước lúc đi xa: Trần Hoàn
14. Miền Nam nhớ mãi ơn Người: Lưu Cầu
15. Miền Trung nhớ Bác: Thuận Yến
16. Mùa xuân trên thành phố Hồ Chí Minh: Xuân Hồng
17. Người là Hồ Chí Minh: Edward Marko
18. Người là niềm tin tất thắng: Chu Minh
19. Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng: Phạm Tuyên
20. Những bông hoa trong vườn Bác: Văn Dung
21. Suối Lê-nin: Phạm Tuyên
22. Tiếng hát giữa rừng Pắc Bó: Nguyễn Tài Tuệ
23. Tiếng hát từ thành phố mang tên Người: Cao Việt Bách
24. Tình Bác sáng đời ta: Lưu Hữu Phước
25. Trông cây lại nhớ đến Người: Đỗ Nhuận
26. Vào lăng viếng Bác: Hoàng Hiệp
VII. “… Trên cơ sở những thắng lợi đã giành được, để mở rộng và củng cố khu căn cứ Việt Bắc, nối liền nước ta với thế giới dân chủ, tháng 9 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch biên giới.
Ngày 2 tháng 9 năm 1950, Người chỉ thị cho các lực lượng vũ trang:
“Chiến dịch Cao-Bắc-Lạng rất quan trọng.
Chúng ta quyết đánh thắng trận này.
Để thắng trận này, các chiến sĩ ở mặt trận ấy phải kiên quyết, dũng cảm trăm phần trăm; các chiến sĩ các khu, các mặt trận khác phải ra sức thi đua giết giặc lập công để hết sức tiêu diệt địch, kiềm chế địch, không cho chúng tiếp viện mặt trận Cao-Bắc-Lạng.
Thắng lợi ở Cao-Bắc-Lạng là thắng lợi chung của các chiến sĩ toàn quốc”.
Chấp hành chỉ thị của Người, các đơn vị bộ đội phát động cuộc vận động thi đua giết giặc lập công lấy thành tích dâng lên Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Trung tuần tháng 9 năm 1950, với bộ quân phục, ngày đêm trèo đèo lội suối, Người lên đường ra mặt trận. Dọc đường Người ghé thăm các đơn vị dân công phục vụ chiến dịch và tặng thanh niên ta bốn câu thơ:
Không có việc gì khó,
Chỉ sợ lòng không bền,
Đào núi và lấp biển,
Quyết chí ắt làm nên.
Đến mặt trận, Người kiểm tra tường tận kế hoạch tác chiến, xem xét chu đáo công tác chuẩn bị hậu phương, động viên hội nghị cán bộ, đi thăm bộ đội và dân công. Từ đài quan sát trên núi cao, nhìn xuống mặt trận Đông Khê, trước khí thế dũng mãnh của quân đội ta xông lên giết giặc, Người làm thơ:
“Chống gậy lên non xem trận địa,
Vạn trùng núi đỡ, vạn trùng mây.
Quân ta khí mạnh nuốt Ngưu Đẩu
Thề diệt xâm lăng lú sói cầy.”
Sự có mặt của Người ở mặt trận là nguồn động viên vô cùng to lớn đối với quân và dân ta đang tiến lên hoàn thành nhiệm vụ một cách vẻ vang…”
(Chủ tịch Hồ Chí Minh- Tiểu sử và sự nghiệp. Nxb. Sự thật, 1980. Tr.140, 141)
______________________________
MỘT SỐ TÀI LIỆU THAM KHẢO ĐỂ TRẢ LỜI CÂU HỎI THI
1. Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử. Tập 1. Nxb. Thông tin lý luận, 1992.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh - Tiểu sử và sự nghiệp. Nxb. Sự thật, 1980.
3. Tìm hiểu thân thế, sự nghiệp và tư tưởng Hồ Chí Minh (hỏi và đáp). Nxb. Chính trị quốc gia, 1999.
4. 50 năm hoạt động của Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb. Sự thật, 1979.
5. Hồ Chí Minh toàn tập. Tập 10. Nxb. Chính trị quốc gia, 2002.
6. Giáo trình Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam. Nxb. Chính trị quốc gia, 2001.
7. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb. Chính trị quốc gia, 2001.
Hội thảo quốc tế: Chủ tịch Hồ Chí Minh- Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa lớn. Nxb. Khoa học xã hội, 1990.