Phạm Hoàng Ân, học sinh Trường THPT Nhà Bè, đang nghiên cứu “Sản phẩm chống lão hóa, kháng viêm chiết xuất từ vỏ cây mãng cầu xiêm”.
(Thanhuytphcm.vn) - Ứng dụng những đặc tính của vỏ cây mãng cầu xiêm, một loại cây ăn trái được trồng phổ biến tại nhiều nơi, Phạm Hoàng Ân, học sinh lớp 12 Trường THPT Long Thới, Nhà Bè, TPHCM đã thực hiện một nghiên cứu và sản phẩm ra đời đã mang lại những hiệu quả rất thú vị.
Ý tưởng từ cái nhìn thực tế
Nhanh nhẹn và thông minh, đó là những cảm nhận của chúng tôi về cậu học sinh nhỏ nhưng đầy ý tưởng sáng tạo Phạm Hoàng Ân. Bên cạnh thời gian học tập tại trường, Ân vô phòng thí nghiệm của trường, mày mò nghiên cứu và hoàn thành đề tài nghiên cứu “Sản phẩm chống lão hóa, kháng viêm chiết xuất từ vỏ cây mãng cầu xiêm”.
Nói về ý tưởng nghiên cứu mà nhiều người cho rằng khá “hóc búa” và khó khăn đối với một học sinh cấp 3, Ân cho biết: “Mình nảy sinh ý tưởng thực hiện đề tài nghiên cứu này một cách ngẫu nghiên khi vô tình đọc một bài báo khoa học viết về công dụng của lá cây mãng cầu xiêm, mình muốn tìm hiểu thêm ngoài lá thì còn bộ phận nào của cây có thể ứng dụng vào thực tế”.
Ân còn cho biết những nghiên cứu về nước ép từ quả mãng cầu xiêm cho thấy có thể hỗ trợ chữa ung thư an toàn, hiệu quả; còn có thể bảo vệ hệ thống miễn dịch, tránh được một số bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra, nước ép mãng cầu xiêm còn là tác nhân chống vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng đường ruột và giun sán, hạ thấp huyết áp, chống trầm cảm và những rối loạn tinh thần. Những phần khác của cây cũng rất hữu dụng”.
Vì vỏ cây mãng cầu xiêm là bộ phận chưa có nhiều nghiên cứu trên thế giới nên Ân muốn tiên phong nghiên cứu ứng dụng của bộ phận này. Đưa ra đề tài, Ân nhanh chóng nhận được sự quan tâm và hỗ trợ nghiên cứu của cô giáo dạy môn Hóa Nguyễn Ngọc Vân Anh. “Để làm đề tài này, em cần không gian để nghiên cứu và cần người hỗ trợ để thu thập vỏ cây mãng cầu xiêm. Trên địa bàn em sống là huyện Nhà Bè, TPHCM có trồng khá nhiều cây mãng cầu xiêm nhưng làm sao để lấy vỏ cây nghiên cứu mà cây không chết thì em phải nhờ đến ông ngoại giúp đỡ. Vừa học, vừa nghiên cứu nên khó khăn nhất là sắp xếp thời gian. Có ngày em đi tìm hiểu từ sáng đến tối mịt. Cả nhà rất lo lắng và không muốn em nghiên cứu vì sợ ảnh hưởng đến sức khỏe, việc học. Em chỉ còn cách hoàn thành thật tốt việc học để cả nhà yên tâm”, Ân kể.
Sản phẩm hướng đến cộng đồng
Cô Nguyễn Ngọc Vân Anh, giáo viên dạy môn Hóa, Trường THPT Long Thới, Nhà Bè, cho biết ở lớp Ân không chỉ là một học sinh giỏi mà còn rất đam mê nghiên cứu khoa học.
“Lúc đầu, khi nghe Ân trao đổi, tôi khá bất ngờ với ý tưởng của Ân. Nhưng khi được nghe trình bày, tôi hết mình ủng hộ Ân trong việc cung cấp các kiến thức và địa điểm nghiên cứu. Tuy thành quả đề tài của Ân mới dừng lại ở sản phẩm thử nghiệm, nhưng đó là kết quả của đam mê nghiên cứu khoa học không ngừng của Ân” – cô Vân Anh cho biết.
Từ lúc lên ý tưởng đến lúc thành phẩm, Ân mất khoảng 3 tháng. Đầu tiên, Ân phải xay vỏ cây thành bột, đem ngâm trong 3 dung môi hóa học để thu được 3 loại chất hữu cơ. Sau đó, mang 3 chất đó đi thử nghiệm khả năng kháng oxy hóa ở Trường Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM. Đây là lúc Ân phát hiện ra tính chất kháng viêm của vỏ cây khi bôi ngoài da. Ân mang sản phẩm đi thử nghiệm và được sự cố vấn của thầy cô, Ân đã cho ra thành phẩm dưới dạng gel kháng viêm.
Theo Ân, sản phẩm này là một phương thức ngăn chặn quá trình lão hóa da, bên cạnh đó còn có tác dụng làm lành vết thương, không để lại sẹo. Đây là một sản phẩm có nguồn gốc chiết xuất từ thiên nhiên, không ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Sản phẩm có thể được ứng dụng trong lĩnh vực mỹ phẩm hoặc điều trị các bệnh ngoài da.
Nói về hướng phát triển sản phẩm trong thời gian tới, Ân cho biết sẽ nghiên cứu, bổ sung chiết xuất các hợp chất thiên nhiên và các thành phần bảo quản thiên nhiên để tạo ra sản phẩm hoàn thiện, có khả năng thương mại hóa và hỗ trợ được nhiều người có nhu cầu sử dụng chất kháng viêm.
Ân chia sẻ: “Nghiên cứu nên hướng đến lợi ích cộng đồng, lấy đó làm trọng tâm của việc nghiên cứu để có thêm động lực và khiến quá trình làm việc có ý nghĩa hơn. Khi bắt đầu thực hiện đề tài, em không sợ thất bại. Nghiên cứu khoa học không chỉ gặp một mà gặp rất nhiều thất bại. Mỗi lần thất bại là một lần có thể tìm ra hướng đi mới cũng như rút kinh nghiệm cho các lần nghiên cứu sau”.
Với kết quả nghiên cứu của mình, Phạm Hoàng Ân đã đạt giải Nhất cấp thành phố, giải Nhì cấp quốc gia cuộc thi Sáng tạo Khoa học và Kỹ thuật năm 2017 ở lĩnh vực hóa – sinh.