Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Một bài học về công tác thông tin, tuyên truyền

Tranh tuyên truyền "Canh phòng cẩn mật" do Ty Thông tin Lạng Sơn phát hành trong kháng chiến chống Pháp. (Ảnh tư liệu)

(Thanhuytphcm.vn) - Cuối tháng 2/1946, nghe tin Chủ tịch Hồ Chí Minh gặp đại diện Chính phủ Pháp tại Hà Nội Jean Sainteny, sau khi Chính phủ Pháp và Chính phủ Tưởng Giới Thạch ký với nhau một thỏa hiệp ở Trùng Khánh (Trung Quốc), rồi đầu tháng 3/1946, được tin Hồ Chí Minh và Sainteny sắp ký một hiệp định gì đó, bọn phản động liền rêu rao là Hồ Chí Minh bán nước cho Pháp, đầu hàng Pháp… Không thể im lặng trước hành vi ngang ngược của chúng, nhà báo Trần Lâm liền viết bài Tại sao Pháp phải điều đình với Việt Nam? Bài viết thận trọng không đả động gì đến các luận điệu xấu xa của bọn Việt quốc, Việt cách mà chỉ phân tích sở dĩ Pháp phải điều đình với ta vì ở chiến trường miền Nam, chúng đang bị thua đau (binh sĩ chết nhiều, các cơ sở kinh tế bị phá hoại…), bên Pháp thì phong trào phản chiến lên cao… Theo Trần Lâm, mục đích của bài viết này là để giải thích cho nhân dân yên tâm, vì tin đàm phán đã lọt ra ngoài, nếu để quần chúng nghe tin thất thiệt, xuyên tạc của bọn phản động, dư luận có thể sẽ hoang mang…

Bài bình luận được phát trên sóng Đài Tiếng nói Việt Nam vào chiều 3/3/1946, thì ngay sáng hôm sau, 4/3, Giám đốc Trần Lâm đã nhận được điện thoại của Bác Hồ hỏi: Ai viết bài bình luận phát 18 giờ chiều qua? Ông Trần Lâm nói là mình viết thì được Bác gọi sang Phủ Chủ tịch nói chuyện. Sang bên đó, nhà báo Trần Lâm giật mình khi được Bác cho biết: Tối qua, sau khi Đài Tiếng nói Việt Nam phát bài bình luận, Sainteny đã điện thoại cho Bác, phản đối kịch liệt và tuyên bố cắt đứt cuộc đàm phán đã sắp đi đến thỏa thuận. Lý do Sainteny trách Bác Hồ, một mặt thì đàm phán, mặt khác lại dùng đài phát thanh để nhục mạ nước Pháp, nói là vì Pháp thua đau mà phải đàm phán với Việt Nam… Bác Hồ phê bình Trần Lâm là còn trẻ người non dạ[1] và liều lĩnh tự động viết bài về ngoại giao có tầm quan trọng như vậy. Trần Lâm nghe vậy thì vô cùng lo lắng vì sợ làm hỏng việc lớn của Chính phủ. Nhưng sau đó, bằng cách nỗ lực ngoại giao, Hiệp định Sơ bộ 6/3 đã được ký kết giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh và đại diện Chính phủ Pháp Sainteny…

Câu chuyện trên quả thực là một bài học sâu sắc về công tác thông tin, tuyên truyền, đặc biệt là với các vấn đề ngoại giao, chủ quyền, vốn ít nhiều liên quan đến vận mệnh của đất nước. Đối với nhà báo Trần Lâm, đây thực sự là một “bài học thấm thía về vấn đề nguyên tắc và vận dụng sách lược khi viết bài đưa lên báo, lên đài”.

Người làm công tác thông tin, tuyên truyền cũng cần nghiên cứu thận trọng, tránh sa vào các “bẫy” của kẻ xấu, của bọn phản động. Một mặt, cần phải hết sức bình tĩnh, tiếp cận thông tin nhiều chiều, tìm ra các hạt nhân hợp lý và xác định cho được các điểm xuyên tạc, phá hoại để có biện pháp đấu tranh, phản bác hợp lý. Mặt khác, chúng ta cần chủ động thông tin trong phạm vi mình được phép và với đối tượng phù hợp; chẳng hạn tùy theo vấn đề, tùy theo thông tin có được, tùy tình hình thực tế, có thể thông tin trong cán bộ chủ chốt, trong các cấp ủy, trong đảng viên, trong lực lượng nòng cốt…, với những thông tin chủ yếu và những định hướng khái quát... Trên hết, phải vững lòng tin ở sự lãnh đạo của cấp trên, của Trung ương, bởi có những vấn đề chưa có thông tin hoặc chưa có chỉ đạo cụ thể hoặc sự chỉ đạo “có vẻ” khác với một số ý kiến trôi nổi trên internet có thể có lý do riêng mà chúng ta chưa có điều kiện nắm bắt.

Khai trương nền tảng triển lãm số về chủ quyền biển, đảo Việt Nam phục vụ công tác thông tin đối ngoại với tên gọi “Trường Sa Xanh”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 8/12/2022, tại Hà Nội. (Ảnh: dangcongsan.vn) Khai trương nền tảng triển lãm số về chủ quyền biển, đảo Việt Nam phục vụ công tác thông tin đối ngoại với tên gọi “Trường Sa Xanh”, do Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức vào ngày 8/12/2022, tại Hà Nội. (Ảnh: dangcongsan.vn)

Đặc biệt, người làm công tác thông tin, tuyên truyền không được a dua, nói theo một số thành phần, một số luồng thông tin chưa được kiểm chứng hoặc không chính thức. Bản thân có thể hoài nghi nhưng đó phải là hoài nghi khoa học chứ không phải nghi ngờ vô căn cứ hoặc chỉ hồ nghi theo nhiều người khác, đồng thời không làm lan truyền các thông tin xấu đến nhiều người hơn. Như vậy, lực lượng này phải thực sự có bản lĩnh, có kiến thức và có tính đảng cao.

Thí dụ, khi bắt đầu xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine, một bộ phận người dân chưa có đầy đủ thông tin, trong khi một số “cái loa” xấu trên mạng xã hội thì diễn đạt bằng những cách chỉ có một chiều, đầy ám chỉ, sau đó lên án Đảng và Nhà nước ta không bày tỏ chính kiến về vấn đề này… Thực ra, quan điểm, lập trường của Việt Nam về vấn đề xung đột Nga - Ukraine là rất khách quan và rõ ràng, đó là: Việt Nam kêu gọi các bên chấm dứt xung đột, khôi phục hòa bình, bảo vệ an ninh, an toàn của người dân và các cơ sở hạ tầng thiết yếu; các bên liên quan cần nối lại đối thoại, giải quyết vấn đề bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia… Và Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã có phát biểu rất cụ thể: Việt Nam không chọn bên, Việt Nam chọn chính nghĩa! Đi cùng với đó là sự chỉ đạo tuyên truyền khá cụ thể và kịp thời về cuộc xung đột này cho toàn hệ thống chính trị và nhân dân.

Trong bối cảnh thông tin phức tạp, nhiều chiều và có phần nhiễu loạn như hiện nay, bên cạnh các nguồn thông tin chính thức, chính thống, dường như còn có những thông tin có dụng ý xấu đến từ các “anh hùng bàn phím”, bộ phận người có thành kiến, các thế lực thù địch. Nên nhắc lại bài học thông tin, tuyên truyền ở thời kỳ đầu cuộc đấu tranh chống Pháp sau khi giành được độc lập cũng là cần thiết để mỗi người thêm củng cố lòng tin và nâng cao tinh thần cảnh giác, cũng như thận trọng hơn, bản lĩnh hơn trong công tác tuyên truyền của mình!

Vân Tâm

--------

 

[1] Nhà báo Trần Lâm tên thật là Trần Quảng Vận, sinh năm 1922 và mất năm 2011, một trong những người sáng lập và là người đầu tiên lãnh đạo Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, liên tục phụ trách Đài Tiếng nói Việt Nam trong 43 năm (1945 – 1988). Khi được giao sáng lập Đài Tiếng nói Việt Nam, Trần Lâm mới 23 tuổi; và đến thời điểm xảy ra câu chuyện này thì Trần Lâm mới 24 tuổi.

 


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo