Đại biểu phát biểu tại hội nghị (Thanhuytphcm.vn) - Thực hiện Chỉ thị số 35 của Bộ Chính trị về Đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng; thông báo Kết luận số 159 của Bộ Chính trị về việc thảo luận, gửi lấy ý kiến nhân dân và tổng hợp các ý kiến đóng góp vào văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ngày 26/10, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến của các tổ chức thành viên của MTTQ Việt Nam đối với các dự thảo Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Các dự thảo gồm: Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng; Dự thảo Báo cáo tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030; Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Dự thảo Báo cáo tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Chủ trì hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Nguyễn Hồng Lĩnh, Phó Trưởng ban Dân vận Trung ương, Phó Trưởng ban chỉ đạo lấy ý kiến nhân dân vào văn kiện Đại hội Đảng.
Phát biểu khai mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Văn kiện lần này có nhiều điểm mới. Nếu trước đây ta mới chỉ ghi "xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh", thì lần này, dự thảo đề xuất "xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh". Như vậy, đã bổ sung cả "hệ thống chính trị" bao gồm Đảng, MTTQ và các tổ chức chính trị xã hội.
Về phát huy sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, văn kiện bổ sung yếu tố dân chủ, gắn vận mệnh dân tộc, đất nước mình vào thời đại, kết hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với thời đại. Văn kiện vẫn nhấn mạnh đoàn kết là sức mạnh. Dân chủ trong Đảng phải là nòng cốt, dân chủ phải là kỷ cương, kỷ luật của Đảng. Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương và sáng tạo, là những tiền đề, nhân tố quan trọng cho sự phát triển của đất nước. Như vậy, phương châm của Đại hội lần này là đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, sáng tạo, phát triển…
Góp ý vào các dự thảo văn kiện, nhiều ý kiến tâm huyết, đề cập thẳng thắn nhiều vấn đề, như kết quả về giáo dục-đào tạo (GD-ĐT) có bước phát triển nhưng quá chậm. Đổi mới GD-ĐT, khoa học chưa trở thành động lực then chốt. Môi trường chưa được bảo vệ tốt, tài nguyên còn bị vi phạm nhiều, trong đó việc xây dựng quá nhiều thủy điện gần như xuyên suốt ở các tỉnh miền núi gây nhiều thảm họa trong mùa lũ.
Về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tuy đã tiếp tục hoàn thiện nhưng việc vi phạm của các cơ quan pháp quyền vi phạm pháp luật còn nhiều, đến mức phải xử lý như ở TPHCM, Hà Nội Đà Nẵng... vừa qua. Về phá triển kinh tế-xã hội 2021-2025 cần đưa công nghiệp chế tạo, chế biến lên cao hơn, trong đó quan tâm sản xuất công nghiệp nặng, có sản xuất tư liệu sản xuất, hạn chế việc để lệ thuộc kinh tế nước ngoài. Hết sức quan tâm đến việc nâng cao đời sống nhân dân ở nông thông, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số…
Hội nghị Mặt trận Tổ quốc ngày 26/10 Về xây dựng nhà nước pháp quyền, có ý kiến đề nghị cần tiếp tục cải cách hành chính, kiên quyết chống xu hướng dành quyền lực để thao túng hệ thống tổ chức quản lý của nhà nước; kiên quyết làm trong sạch hệ thống chính quyền các cấp. Tổ chức tốt việc nhân dân thực hiện chức năng giám sát chính quyền. Về công tác xây dựng Đảng, cần kiên quyết loại bỏ những người không đủ phẩm chất từ khi đại hội hoặc trong quá trình có biểu hiện xấu khỏi tổ chức Đảng. Thực hiện các biện pháp để nhân dân tham gia xây dựng Đảng.
Với công cuộc cách mạng 4.0, nhiều ý kiến tập trung góp ý vấn đề phát triển giáo dục, công nghệ, làm sao để tận dụng được các cơ hội của công nghệ số cho phát triển quốc gia, nhất là trong kỷ nguyên số và trong bối cảnh kinh tế số đang được đẩy mạnh tại Việt Nam.
Về vấn đề GD-ĐT, nhiều ý cho rằng, Dự thảo nói nhiều đến chất lượng nguồn nhân lực, nhưng không thấy tiêu chí cho từng con người thế nào thì phát triển thế nào? Trong vấn đề đào tạo nguồn nhân lực cần phải thêm tiêu chí “đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế”. Bởi nguồn nhân lực phải tiến đến tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Bên cạnh đó, cần bổ sung đánh giá về đội ngũ cán bộ nữ cũng như định hướng tiếp tục phát huy tài năng nữ, nguồn lực đội ngũ cán bộ nữ trong phần IV về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người…