
Các chiến sĩ Trung đoàn 230 (Sư đoàn Phòng không 367) hăng hái luyện tập trên thao trường. (Ảnh: nguồn SGGP)
Cách đây 61 năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam ký quyết định thành lập Trung đoàn Pháo cao xạ 367 (nay là Sư đoàn Phòng không 367 thuộc Quân chủng Phòng không Không quân). Đây là trung đoàn pháo cao xạ đầu tiên của QĐND Việt Nam tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ (ĐBP) và góp phần làm nên chiến thắng lịch sử.
Trung tướng Trần Nhẫn, nguyên Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân Việt Nam nhớ lại: “Những ngày đầu thành lập đơn vị, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn quan tâm và gửi thư động viên cán bộ, chiến sĩ trung đoàn. Bác Hồ cũng căn dặn: “Không quân là thế mạnh của giặc, muốn thắng giặc ta phải có bộ đội pháo cao xạ mạnh để trị máy bay của chúng…”.
Sau khi huấn luyện tại nước bạn, cuối năm 1953, trung đoàn làm lễ xuất quân về nước. Đoàn xe hàng chục chiếc, trong đó có 24 xe kéo pháo được ngụy trang kín đáo hành quân vượt hơn 1.000km tập kết về đến Tuyên Quang an toàn. Không thể kể hết gian nan của hành trình đưa pháo về nước, vì đường sá hiểm trở, một bên là núi cao, một bên là vực sâu, nhiều chiến sĩ đã anh dũng hy sinh trên đường kéo pháo.
Ngày 21/12/1953, Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giao nhiệm vụ cho Đại đoàn công pháo 351 và Trung đoàn Pháo cao xạ 367 tham gia chiến dịch ĐBP. Cuộc hành quân đưa những khẩu pháo nặng gần 2,5 tấn qua bao núi cao, vực sâu, đèo dốc hiểm trở để đến với chiến trường ĐBP mãi mãi là bản anh hùng ca của bộ đội pháo cao xạ.
Trung tướng Trần Nhẫn xúc động: “Lúc đó tôi là chiến sĩ của Đại đoàn 312 tham gia chiến dịch ĐBP, trực tiếp tham gia kéo pháo cho Trung đoàn 367, bộ đội phải dùng dây tời kéo pháo bằng tay để đảm bảo bí mật. Lúc đầu chỉ có vài chục người kéo pháo, nhưng sau, vì đường sá khó đi nên phải tăng quân số lên cả trăm người, vậy mà mỗi ngày cũng chỉ kéo pháo đi được một vài cây số. Cuối cùng thì pháo cũng được kéo vào trận địa ở cánh đồng Nà Hi, Bản Tấu, anh em chưa kịp vui mừng thì lại có lệnh kéo pháo ra vì thay đổi kế hoạch “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Kéo pháo vào trận địa đã khó, kéo pháo ra càng khó hơn vì mùa đông rét mướt, đường sá lầy lội trơn trượt, có nơi độ cao hơn 1.500m, độ nghiêng 60 độ hết sức nguy hiểm, nhưng với quyết tâm “thà hy sinh quyết bảo vệ pháo”, bộ đội ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không thể quên tấm gương anh hùng của đồng chí Tô Vĩnh Diện (Tiểu đội trưởng pháo cao xạ 37 ly thuộc Đại đội 827, Tiểu đoàn 394, Trung đoàn 367) đã hy sinh thân mình cứu pháo...”.
Trung đoàn 367 chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành, có nhiệm vụ kiềm chế tiêu diệt không quân Pháp, yểm trợ bộ binh, pháo binh ta tấn công, thu hẹp phạm vi hoạt động của máy bay địch, hạn chế, triệt tiêu hẳn đường tiếp tế hàng không của địch tại ĐBP. Ngay khi mở màn chiến dịch ĐBP (17 giờ ngày 13/3/1953), pháo binh ta đã dội bão lửa xuống căn cứ Him Lam và sân bay Mường Thanh làm tê liệt trận địa pháo của địch và làm cho máy bay địch không thể cất cánh được.
Bất ngờ và hoảng loạn, địch điên cuồng chống trả nhưng hàng chục khẩu pháo cao xạ của 2 tiểu đoàn 383, 394 thuộc Trung đoàn 367 đã tung lưới lửa bủa vây đội hình địch, từng bước siết chặt vòng vây địch trên bầu trời, tiến tới cắt đứt hẳn cầu hàng không của địch, phá tan căn cứ tập đoàn bất khả xâm phạm của địch, buộc chúng phải đầu hàng hoàn toàn vào chiều 7/5/1954. Trong 55 ngày đêm chiến đấu trên chiến trường ĐBP, Trung đoàn Pháo cao xạ 367 đã bắn rơi 52 máy bay địch, làm hư hỏng 117 máy bay khác.
Trong những ngày tháng 4 lịch sử này, tại Trung đoàn Pháo cao xạ 230, thuộc Sư đoàn Phòng không 367, các cán bộ, chiến sĩ trẻ đang thực hiện đợt thi đua cao điểm: “Tiếp bước chiến sĩ Điện Biên, tiến lên giành 3 nhất”. Thượng tá Trần Quốc Việt, Chính ủy Trung đoàn 230, tự hào: “Là thế hệ trẻ của lực lượng pháo cao xạ có bề dày lịch sử hào hùng kể từ chiến dịch ĐBP, đơn vị chúng tôi quyết tâm rèn luyện tốt, luôn sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng trời thiêng liêng của Tổ quốc…”.
Trung đoàn 230 đang đóng quân sát sân bay Tân Sơn Nhất, có nhiệm vụ bảo vệ sân bay và bầu trời TP mang tên Bác, tuy là lính thời bình nhưng các anh không hề lơ là mất cảnh giác. Các chiến sĩ trẻ lứa tuổi 18-20 như Hà Hữu Đoàn, Hồ Văn Hiếu, Cao Nhật Minh, Hồ Minh Sĩ, Trần Quốc Bảo... cùng chung suy nghĩ để viết tiếp truyền thống anh hùng của Trung đoàn 367 năm xưa và Sư đoàn 367 Anh hùng hôm nay.