Thứ Năm, ngày 3 tháng 7 năm 2025

Lực lượng đào - kép mùi: Thiếu nhân tố nổi bật

Thể hiện xuất sắc vai đào mùi Quận chúa Huyền Nga (trích đoạn Bão táp Nguyên Phong), nghệ sĩ Lê Thanh Thảo (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) đạt Huy chương Vàng một cách thuyết phục.

(Thanhuytphcm.vn) - Cuộc thi Tài năng diễn viên cải lương Trần Hữu Trang trở lại sau 6 năm gián đoạn đã đem lại nhiều cảm xúc cho giới làm nghề và những người yêu mến nghệ thuật cải lương. 19 huy chương đã được trao ghi nhận nỗ lực của các nghệ sĩ không chỉ trong cuộc thi mà còn là một quá trình dài gắn bó và “giữ lửa” đam mê khi sân khấu cải lương đã qua thời hưng thịnh.

Đây cũng là nỗ lực của ngành văn hóa và chính quyền TP trong việc giữ gìn và phát huy loại hình nghệ thuật đặc sắc của vùng đất phương Nam.

Nhiều kỳ vọng

Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thúy cho biết, với việc nâng tầm từ Giải thưởng Trần Hữu Trang (Hội Sân khấu TPHCM tổ chức từ năm 1991 đến 2014) thành Cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang, có sự phối hợp tổ chức của Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, Hội Sân khấu TPHCM, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam và Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã đưa Cuộc thi lên tầm quốc gia. Điều này không chỉ mở rộng quy mô, tầm vóc, sức lan tỏa của giải thưởng mà nghệ sĩ dự thi đạt huy chương cũng có thêm thành tích cho việc xét tặng các danh hiệu cao quý của Nhà nước.

Cùng với đó, Cuộc thi cũng mở rộng quy chế khi không còn giới hạn độ tuổi tham gia và lần đầu tiên tôn vinh các nghệ sĩ xuất sắc ở từng dạng vai sở trường là: Kép mùi - Đào mùi, Kép lão - Đào mụ, Kép độc - Đào độc, Kép hài - Đào hài. Sự đổi mới này đã nhận được sự tán thưởng lớn khi một tác phẩm sân khấu là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố, trong đó lực lượng diễn viên cũng không chỉ có đào - kép chính mà còn những người chuyên đảm nhận vai phụ. Trong khi các cuộc thi sân khấu hiện nay gần như chỉ tập trung cho các vai chính thì đây là cơ hội cho các nghệ sĩ chuyên trị các vai lão, độc, hài thể hiện. Không chỉ giới làm nghề, chính khán giả cũng hào hứng khi các tiết mục dự thi lần này đa dạng hơn rất nhiều. Nghệ sĩ Lệ Hằng (Nhà hát Cải lương Việt Nam) bày tỏ niềm vui khi sau hàng chục năm theo nghề, chị chính thức tham gia một cuộc thi với tư cách cá nhân, thể hiện vai đào mụ - bà Phán (trích đoạn Kêu cứu) mà mình tâm đắc.

Sau nhiều năm sân khấu cải lương gần như đóng băng và trong năm 2020 quá ảm đạm cho lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn trước tác động của dịch bệnh, Cuộc thi đã mang đến không khí sôi động hiếm có cho sân khấu TP. Có thể thấy được sân khấu cải lương vẫn đang sở hữu một lớp diễn viên yêu nghề, nỗ lực bám trụ sàn diễn. Mà đó vẫn chưa phải là lực lượng đầy đủ nhất. “Công tác tổ chức hơi gấp khiến các đơn vị không kịp dự trù kinh phí cho thí sinh đi thi. Một tiết mục dự thi đàng hoàng đâu có ít tiền, nhiều nghệ sĩ dù rất muốn đi thi nhưng lại không đủ kinh phí trang trải. Rồi ảnh hưởng của dịch Covid-19, cũng như phải “chia lực” với Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu cải lương toàn quốc vào cuối năm… làm nhiều nghệ sĩ lỡ dịp đến với cuộc thi lần này. Nhưng tôi tin rằng nếu được tiếp tục tổ chức với công tác chuẩn bị đầy đủ hơn thì sẽ rất đông nghệ sĩ tham gia, phản ánh được đầy đủ hơn lực lượng biểu diễn sân khấu cải lương hiện nay”, nghệ sĩ Minh Trường lý giải.

Nghệ sĩ Lệ Hằng (Nhà hát Cải lương Việt Nam) đánh giá cao Cuộc thi đã tạo cơ hội cho những “đào - kép phụ” thể hiện mình. Nghệ sĩ Lệ Hằng (Nhà hát Cải lương Việt Nam) đánh giá cao Cuộc thi đã tạo cơ hội cho những “đào - kép phụ” thể hiện mình.

Lắm trăn trở

Tuy nhiên, nhìn lại hơn 70 tiết mục dự thi qua 2 vòng sơ khảo và chung kết thì vẫn còn đó nhiều nỗi niềm trăn trở, nhất là ở chất lượng lực lượng biểu diễn.

Theo đó, nhiều thí sinh có sự đầu tư khá lớn khi các tiết mục dự thi là những trích đoạn tiêu biểu trong các vở diễn đã được khẳng định qua các kỳ liên hoan, hội diễn hoặc được dàn dựng mới, thậm chí “đặt hàng” viết riêng tiết mục cho mình. Nghệ sĩ Nhã Thy (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) cho biết, cả hai vai Bùi Thị Xuân (sơ khảo) và Nguyễn Thị Anh (chung kết) đều được viết riêng theo chủ ý nhằm: “khai thác sâu hơn những mặt khác của nhân vật mà từ trước đến nay ít đề cập, mang đến sự mới mẻ cho khán giả, cũng là cơ hội được hóa thân vào các nhân vật mình chưa từng diễn để học hỏi thêm và phần nào thể hiện được khả năng ở sân chơi nghề lớn này”.

Vì thế, nhiều tiết mục để lại ấn tượng chỉ là sự hoành tráng, bắt mắt của hình thức dàn dựng với lực lượng phụ diễn đông đảo, cá biệt có trường hợp khán giả tưởng như đang xem một lớp diễn đông người ở Hội diễn mà… quên mất thí sinh dự thi. Không nhiều thí sinh thu hút khán giả chỉ bằng khả năng ca diễn tự thân, không bị hình thức dàn dựng và cả… phụ diễn lấn át. NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội đồng giám khảo, cho rằng cũng cần quan tâm đến công tác đạo diễn khi dàn dựng là “con dao 2 lưỡi” có thể làm bật sáng hoặc lu mờ phần thi của các thí sinh.

Có một thực tế nữa là dù đã mở rộng cơ cấu các vai diễn dự thi thì với việc không có thí sinh dự thi đào hài, chỉ 3 thí sinh dự thi kép hài, 3 thí sinh dự thi kép độc và chỉ 1 thí sinh dự thi đào độc vào được vòng chung kết đã cho thấy sự thiếu hụt nghiêm trọng lực lượng đảm nhận các dạng vai này hiện nay trên sân khấu cải lương. Lực lượng đào - kép mùi, những nhân vật chính trong các vở diễn, thường có cơ hội bật sáng thành ngôi sao, lại chưa xuất hiện nhân tố nổi bật. NSND Trần Ngọc Giàu nhìn nhận dù vẫn chọn ra được những cái tên để trao giải nhưng với yêu cầu của đào - kép mùi thực sự thì các nghệ sĩ vẫn phải rèn luyện thêm ca - diễn nhiều mới có thể đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của khán giả.

NSƯT Lê Thiện, nguyên Phó Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, góp ý các diễn viên trẻ cần đi vào chiều sâu các nhân vật hơn nữa, tiết chế cảm xúc hơn để có được những khoảng lặng, những phút lắng đọng đắt giá của sân khấu, thay vì bị cuốn vào hình thức dàn dựng hoành tráng, rầm rộ!

Ngọc Tuyết


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo