Thứ Bảy, ngày 27 tháng 7 năm 2024

Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự đủ điều kiện để trình Quốc hội thông qua

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương

(Thanhuytphcm.vn) - Tiếp tục chương trình phiên họp giữa 2 đợt của kỳ họp thứ 6, cuối buổi sáng 16/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự (CTQP và KQS).

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo luật cho biết, có ý kiến đề nghị có cơ chế riêng cho việc đầu tư xây dựng các dự án, CTQP và KQS, trong đó có việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất, đặc biệt là đất rừng sang đất quốc phòng để xây dựng CTQP và KQS nhằm xử lý các vướng mắc trong thực tiễn. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật chỉ quy định về quản lý, bảo vệ CTQP và KQS; việc chuyển mục đích sử dụng đất khác sang đất quốc phòng do Luật Đất đai điều chỉnh; về đầu tư xây dựng, chuyển mục đích sử dụng đất, chuyển mục đích sử dụng đất rừng để thực hiện các dự án đầu tư xây dựng CTQP thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật về đầu tư công, xây dựng, đất đai, lâm nghiệp. Vì vậy, đề nghị UBTVQH không bổ sung các nội dung trên vào dự thảo Luật.

Về xác định phạm vi bảo vệ của CTQP và KQS, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, phạm vi khu vực cấm trong lòng đất, dưới mặt nước của CTQP và KQS được xác định theo mặt thẳng đứng từ đường ranh giới khu vực cấm từ mặt đất, mặt nước trở xuống không giới hạn về chiều sâu là phù hợp, thống nhất với quy định tại Luật Biên giới Quốc gia. Việc xác định phạm vi khu vực cấm trên không của CTQP và KQS với chiều cao không quá 5.000 mét dựa trên cơ sở thực tế quản lý các hoạt động bay nói chung và hoạt động bay của tàu bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ nói riêng trên vùng trời Việt Nam theo quy định của pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam…

Thảo luận về dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, liên quan đến trường hợp chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS gắn với chuyển mục đích sử dụng đất, Luật Đất đai hiện hành và dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định tất cả trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện tuỳ vào trường hợp cụ thể. Nếu dự thảo Luật này quy định một thẩm quyền riêng trong trường hợp Thủ tướng Chính phủ thì sẽ không thống nhất với Luật Đất đai. Để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị nên thực hiện theo quy định của Luật Đất đai, nhưng phải bổ sung một khoản quy định trường hợp chuyển mục đích sử dụng CTQP và KQS mà gắn với chuyển mục đích sử dụng đất thì thẩm quyền quyết định chuyển đổi sử dụng đất thực hiện theo quy định Luật Đất đai.

Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/11 Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 16/11

Đối với nội dung về phá dỡ công trình quốc phòng và di dời khu quân sự khi không còn nhu cầu sử dụng cho nhiệm vụ quân sự, quốc phòng nhưng không thực hiện được việc chuyển mục đích sử dụng hoặc bán, thanh lý quy định tại Điều 13, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, nên rà soát, bỏ cụm từ “bán, thanh lý” đi, bởi nội hàm chính ở đây là “không chuyển mục đích sử dụng được”.

Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, Bộ Quốc phòng đã phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Quốc phòng và An ninh để giải trình, làm rõ các ý kiến của các đại biểu Quốc hội nêu ra. Về lập hồ sơ quản lý CTQP và KQS, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho rằng, hồ sơ xây dựng công trình thì phải theo quy định của Luật Xây dựng, pháp luật về xây dựng; còn việc bảo đảm quản lý hồ sơ một cách chặt chẽ thì Bộ Quốc phòng sẽ quy định.

Về phá dỡ CTQP và di dời KQS, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương cho biết, sẽ chỉ đạo ban soạn thảo viết rõ hơn về nội dung này.

Kết luận nội dung thảo luận, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ghi nhận Ủy ban Quốc phòng, An ninh là cơ quan chủ trì thẩm tra và Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì soạn thảo đã phối hợp rất chặt chẽ với nhau, cùng với các cơ quan Quốc hội, Chính phủ nghiên cứu thấu đáo các ý kiến của đại biểu Quốc hội. Các phương án tiếp thu đạt được đồng thuận cao. Đến nay dự án luật đã có chất lượng tốt, đủ điều kiện để trình Quốc hội xem xét thông qua tại đợt 2 của kỳ họp thứ 6.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo