Chủ Nhật, ngày 13 tháng 7 năm 2025

Luật Kinh doanh bảo hiểm còn bất cập, dẫn đến rủi ro cho người tham gia bảo hiểm và cả doanh nghiệp bảo hiểm

Đồng chí Văn Thị Bạch Tuyết phát biểu tại hội thảo góp ý cho dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi).

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 26/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi). Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Văn Thị Bạch Tuyết chủ trì hội thảo.

Tại hội thảo, đa số các đại biểu cho rằng dự thảo Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi) chưa đề cập đến việc doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài phải trả lãi suất trên số tiền bảo hiểm hay bồi thường chậm trả. Vì vậy, Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định về lãi suất chậm trả trong hai trường hợp nêu trên để có căn cứ pháp lý khi xảy ra tranh chấp giữa các bên. 

Đối với Quỹ bảo vệ người được bảo hiểm, một số ý kiến cho rằng việc trích lập nhiều loại quỹ và thêm khoản thuế thu nhập doanh nghiệp và các khoản phí khác sẽ là gắng nặng cho các doanh nghiệp, thay vào đó, khoản chi vào Quỹ sẽ được dùng để cải tiến hệ thống thông tin, công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh cũng như phục vụ khách hàng.

Từ thực tế giải quyết tranh chấp liên quan đến bảo hiểm, Phó Chánh án Tòa án Nhân dân TPHCM Nguyễn Thị Thùy Dung nhận định, quy định của Luật Kinh doanh bảo hiểm còn bất cập, dẫn đến rủi ro cho người tham gia bảo hiểm và cả doanh nghiệp bảo hiểm. Theo đồng chí Nguyễn Thị Thùy Dung, trong quan hệ bảo hiểm, người mua là người yếu thế. Theo quy định về giải thích hợp đồng, trong trường hợp nếu hợp đồng có những điều khoản khác nhau thì phải được hiểu theo nguyên tắc có lợi cho người mua bảo hiểm.

“Khi có tranh chấp, có thể thấy bộ hồ sơ bảo hiểm bên bán đưa cho bên mua rất dày. Phía sau hợp đồng là cả một đội ngũ tư vấn dày dạn kinh nghiệm. Điều khoản về loại trừ trách nhiệm của doanh nghiệp bán bảo hiểm nằm trong phụ lục ở đằng sau với nhiều từ ngữ khó hiểu. Do vậy người mua thường không thể hiểu hết tất cả. Hợp đồng bảo hiểm lại là hợp đồng mẫu, người mua không có quyền thay đổi, có chăng chỉ có thay đổi về thời hạn và số tiền mua bảo hiểm mà thôi” - đồng chí Nguyễn Thị Thuỳ Dung nhấn mạnh; đồng thời cho rằng cần bổ sung điều khoản quy định doanh nghiệp bán bảo hiểm phải chịu lãi chậm thanh toán. Việc này nhằm tránh việc đơn vị bán bảo hiểm trì hoãn thanh toán, chậm thực hiện nghĩa vụ thanh toán.

Đồng quan điểm cần bảo vệ người mua bảo hiểm, Thạc sĩ Trần Thị Hồng Việt, Hội Luật gia TPHCM cho rằng việc thi hành án là cả một quá trình kể từ khi có bản án có hiệu lực pháp luật. Việc bị thi hành án tử hình nằm ngoài ý chí của người được bảo hiểm. Do đó, cần có quy định nghĩa vụ cụ thể về trường hợp này của người mua bảo hiểm, họ phải báo cho doanh nghiệp bảo hiểm khi nào, khi bản án có hiệu lực hay khi có quyết định khởi tố bị can để người mua bảo hiểm có phải đóng tiếp tiền hay không? Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng hay không? Hậu quả pháp lý của việc đơn phương chấm dứt hợp đồng trong trường hợp này? “Nếu để đến khi người được bảo hiểm bị thi hành án là một thời gian kéo dài, người mua bảo hiểm vẫn phải đóng phí bảo hiểm, gây thiệt hại cho người mua.” - Thạc sĩ Trần Thị Hồng Việt bày tỏ.

Phó Chánh án TAND TPHCM Nguyễn Thị Thùy Dung góp ý dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi). Phó Chánh án TAND TPHCM Nguyễn Thị Thùy Dung góp ý dự án Luật Kinh doanh Bảo hiểm (sửa đổi).

Đối với hợp đồng bảo hiểm trùng, đồng chí Trần Thị Hồng Việt cho rằng, đây là một quy định có lợi cho doanh nghiệp bảo hiểm, chưa bảo đảm quyền của người mua bảo hiểm. Vì có thể trong thực tiễn có từ hai hợp đồng bảo hiểm trở lên để bảo hiểm cho cùng phạm vi, đối tượng, thời hạn và sự kiện bảo hiểm mà người mua bảo hiểm là khác nhau và doanh nghiệp bảo hiểm cũng khác nhau và cả hai đều không biết đã có một hợp đồng bảo hiểm tương tự. Tại sao không quy định, lựa chọn một hợp đồng bảo hiểm để thực hiện bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra. “Hợp đồng còn lại thì phải quy định hậu quả pháp lý để giải quyết, việc này nhằm đảm bảo quyền lợi của người mua và của doanh nghiệp bảo hiểm.”- Trần Thị Hồng Việt nhấn mạnh.

Giám đốc Ban bảo hiểm tài sản – kỹ thuật Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh Nguyễn Ngọc Anh chia sẻ thêm, doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm giải thích đầy đủ về hợp đồng cho bên mua. Hợp đồng bảo hiểm thường được các đơn vị học hỏi nhiều từ nước ngoài – nơi có ngành bảo hiểm lâu đời, giàu kinh nghiệm. Bởi vậy, khi dịch ra tiếng Việt thì hợp đồng có thể có những từ ngữ có nhiều cách hiểu.

Liên quan đến quỹ bảo vệ bảo hiểm, các đại biểu cho rằng đây là một Luật có chuyên môn sâu, phức tạp, người mua bảo hiểm khó có khả năng tiếp thu hết các quy định của Luật này, ngay khi ký hợp đồng mặc dù Luật quy định doanh nghiệp bảo hiểm phải đảm bảo về việc giải thích các quy định bảo hiểm trong hợp đồng cho người mua nhưng thực tiễn phát sinh tranh chấp là do người mua chưa hiểu hết các quy định nêu trong hợp đồng và đây là hợp đồng theo mẫu do các doanh nghiệp bảo hiểm soạn sẵn, khi các doanh nghiệp bảo hiểm bảo hiểm phá sản hoặc mất khả năng thanh toán thì người mua bảo hiểm cũng có một khoản quỹ chi trả để bảo vệ họ.

* Cùng ngày, Đoàn ĐBQH TPHCM tổ chức hội thảo góp ý cho dự án Luật Cảnh sát cơ động.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo