Sự phối hợp chặt chẽ của Quân giải phóng Phathét Lào, sự giúp đỡ hết lòng của nhân dân các bộ tộc Lào anh em đối với bộ đội tình nguyện quân Việt Nam là một nhân tố quyết định góp phần thắng lợi của chiến dịch Đông Xuân 1953-1954 mà đỉnh cao là chiến thắng vang dội Điện Biên Phủ. Quân giải phóng Phathét Lào đoàn kết, phối hợp chặt chẽ với quân tình nguyện Việt Nam trong chiến đấu và công tác, đã giành được thắng lợi ngày càng to lớn, góp phần quan trọng vào việc tạo nên những bước chuyển biến trong cục diện chiến trường ba nước Đông Dương. Trong chiến cuộc Đông Xuân 1953-1954, thắng lợi của Quân giải phóng Phathét Lào và quân tình nguyện Việt Nam ở Trung Lào, Hạ Lào và lưu vực sông Nậm Hu đã gây cho địch những tổn thất nặng nề, giải phóng những vùng rộng lớn, đã tạo điều kiện thuận lợi cho quân đội Nhân dân Việt Nam tiêu diệt địch trên các chiến trường từ Bắc Bộ đến Liên Khu 5 và Nam Bộ, đặc biệt là trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ lịch sử.
Sau 8 năm tái xâm lược Đông Dương, thực dân Pháp ngày càng phải đối mặt với bao khó khăn thách thức, từ bất ổn chính trị, suy thoái, kiệt quệ về kinh tế trong nước đến những thất bại nặng nề trên chiến trường Đông Dương, nên ngày càng lệ thuộc vào Mỹ nhiều hơn.
Sau khi thất bại ở chiến trường Triều Tiên, Mỹ tăng cường can thiệp vào Đông Dương, mưu mô kéo dài và mở rộng chiến tranh, biến Đông Dương thành căn cứ quân sự của Mỹ, chúng cấu kết ngày càng chặt chẽ với thực dân hiếu chiến Pháp và bọn bù nhìn tay sai; cố tình tìm kiếm một con bài, một kế hoạch để có thể xoay chuyển tình thế. Và, chúng đã đề ra kế hoạch Nava (mang tên tướng 4 sao Herri Navare, Tổng Chỉ huy thứ bảy của quân đội Viễn chinh Pháp tại Đông Dương) hy vọng tiêu diệt phần lớn chủ lực của ta, đánh chiếm phần lớn lãnh thổ của ta để giải quyết chiến tranh trong vòng 18 tháng.
Kế hoạch Nava được thực hiện từ tháng 5/1953 dự kiến chia làm 2 bước với tổng thời gian 18 tháng để giành thắng lợi quyết định đưa nước Pháp ra khỏi cuộc chiến tranh trong danh dự. Bước thứ nhất: trong Đông Xuân 1953-1954 phải giữ vững được chiến trường Bắc bộ, xây dựng nhanh các binh đoàn cơ động của Pháp và của chính quyền ngụy, xóa bỏ vùng giải phóng liên khu V, bình định Trung Lào, Nam bộ. Bước thứ hai: Thu Đông 1954 tập trung phần lớn lực lượng chủ lực cơ động ra chiến trường Bắc bộ để quyết chiến với khối chủ lực Việt Minh, giành thắng lợi quyết định buộc đối phương phải đàm phán trên thế yếu.
Bước vào Thu Đông 1953, Bộ Chính trị đã họp để bàn kế hoạch chống trả lại kế hoạch Nava và xác định trận đánh lớn trong mùa khô. Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp kể lại: Bác Hồ ngồi họp với thái độ bình thản, điếu thuốc lá kẹp giữa 2 ngón tay. Đôi mắt Người chợt lộ vẻ chăm chú, bàn tay Bác đặt trên bàn bỗng giơ lên và nắm lại. Người nói: Địch tập trung quân số đông để tạo nên sức mạnh…Không sợ! Ta buộc chúng phải phân tán binh lực thì sức mạnh không còn[1]. Theo tư tưởng chỉ đạo của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh, Bộ Chính trị đã đề ra tinh thần cơ bản của chủ trương chiến lược phá Kế hoạch Nava là “dàn mỏng” quân địch ra toàn bộ chiến trường Đông Dương để bẻ gãy từng mãng lực lượng của chúng. “Địch muốn chủ động, ta buộc chúng phải lâm vào bị động. Địch muốn tập trung quân thì ta có kế hoạch buộc chúng phải phân tán mà đánh”. Thực hiện chủ trương của Bộ Chính trị và của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với chiến trường Bắc bộ, Liên khu 5, Nam Trung bộ, Nam bộ, quân tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng Phathét Lào đã vào cuộc dưới một hiệu lệnh chỉ huy thống nhất.
- Ngày 20/11/1953, quân tình nguyện của đại đoàn 304 sang Trung Lào và đại đoàn 325 sang Hạ Lào theo kế hoạch phối hợp thống nhất giữa Bộ Tổng Tư lệnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam với Bộ tổng tư lệnh Phathét Lào.
- Ngày 25/12/1953 Liên quân Lào – Việt giải phóng thị xã ThàKhẹt cắt đường số 13, uy hiếp đường 9. Tướng Nava phải vội điều quân lên đây thiết lập một tập đoàn cứ điểm mới.
- Ngày 31/1/1954, tại Hạ Lào, Liên quân Lào – Việt giải phóng tỉnh Atapư, nối liền vùng giải phóng Hạ Lào với Bắc Tây Nguyên. Nava lại phải đối phó bằng cách thành lập một tập đoàn cử điểm ở cao nguyên Bôlôven và đưa một binh đoàn cơ động xuống căn cứ Xênô ở Xavannakhẹt và điều quân tới bảo vệ Pắcxế. Số quân cơ động của Nava thực sự bắt đầu tan vỡ trước cuộc đối đầu chiến lược của ta.
- Ngày 3/2/1954 vào dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam, tại Thượng Lào, Liên quân Lào – Việt hành quân tiến về cách LuôngPhabang 60km. Và tại Hạ Lào, Liên quân Lào - Việt bao vây Pắcxế và Saravan.
- Ngày 18/2/1954, Liên quân Lào – Việt tiến đến LuôngPhabang, Nava vội vàng tổ chức ngay một “con nhím” ở Mường Sài và tăng cường quân lên LuôngPhabang với lực lượng 9 tiểu đoàn.
- Ngày 24/2/1954, Liên quân Lào – Việt giải phóng thị trấn Phongsaly, BunTai và BunNua, mở rộng vùng giải phóng ở lưu vực sông NậmHu.
- Ngày 13/3 đợt tấn công thứ nhất vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ bắt đầu: Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam ra chỉ thị cho tất cả các mặt trận trên chiến trường tích cực hoạt động đánh địch để phối hợp với mặt trận chính Điện Biên Phủ.
- Ngày 4/4/1954, tại Hạ Lào, Liên quân Lào – Việt phục kích đánh một tiểu đoàn địch ở km 59, đường số 13, diệt một đại đội địch, phá hủy 30 xe cơ giới và 4 pháo 105 ly.
Khi chiến sự ở chiến trường Điện Biên Phủ ngày càng ác liệc, giấc mộng tiêu diệt quân chủ lực Việt Minh đang ngày càng trở nên mù mịt, tướng 4 sao, tác giả kế hoạch Nava, đã tính đến kế hoạch đánh tháo cho quân Viễn chinh đồn trú Điện Biên Phủ chạy sang Lào. Ngày 12/4/1954, khoảng giữa đợt II quân ta tấn công vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, Nava đề ra kế hoạch Congdo, dự kiến thực hiện bằng 4 tiểu đoàn đặt dưới quyền chỉ huy của trung tá Gôđa. Dự kiến đến ngày 20/4 các lực lượng này sẽ tiến đến vùng Mường Khoa – Pắc-luông thuộc lưu vực sông Nậm Hu. Đến trước lúc kết thúc đợt II, vào ngày 28/4/1954 địch bắt đầu thực hiện kế hoạch tháo chạy, nhưng vòng vây đã bị siết chặt, nên đánh tiếp cũng không được mà rút chạy cũng không xong. Quân dân 2 nước Lào – Việt đã hợp đồng tác chiến, ngăn chặn quân địch từ mọi phía, đặc biệt đóng chốt, chặn địch ở bản NàTì không cho địch tháo chạy sang Lào. Và đến ngày 1/5/1954, đợt tấn công thứ 3 vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ với cường độ mạnh, tốc độ tăng nhanh. Lúc này đã kết hợp “đánh chắc thắng chắc” với “đánh nhanh, thắng nhanh”, nắm bắt thời cơ, khi địch đã tỏ ra rối loạn, tinh thần suy sụp, quân ta đã nhanh chóng mở cuộc tổng công kích vào tập đoàn cứ điểm và 17 giờ 30 thì tiêu diệt toàn bộ địch ở Điện Biên Phủ. Hơn 2000 quân địch ở Hồng Cúm được lệnh tìm cách tháo chạy sang Lào nhưng đã bị trung đoàn 57 truy kích, bị lực lượng Phathét Lào chặn đánh, quân địch không còn con đường nào khác phải đầu hàng. Sau 55 ngày đêm chiến đấu ác liệc, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi. Đây là chiến thắng vĩ đại chưa từng có trong lịch sử đấu tranh vũ trang của Quân đội nhân dân Việt Nam (tính đến 1954).
Đó là cuộc chiến thắng của chiến tranh nhân dân, toàn dân, toàn diện do Đảng ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh lãnh đạo, là thắng lợi của chiến lược, nghệ thuật chiến dịch và chiến thuật của quân đội ta do Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ huy; là thắng lợi của sức mạnh tổng hợp của toàn chiến trường Đông Dương, trong đó có mối quan hệ đoàn kết chiến đấu, phối hợp nhịp nhàng trong mọi hoạt động của Liên minh Việt – Lào. Trong các tác phẩm hồi tưởng về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp rất nhiều lần nhắc đến mối quan hệ này, xin trích đăng một số đoạn: Trên đường hành quân ra mặt trận từ ngày 5/1/1954, “tôi (Đại tướng Võ Nguyên Giáp) luôn theo dõi tình hình ở Điện Biên Phủ và những hoạt động ở các chiến trường, chú ý tới cánh quân Lào – Việt ở Trung Lào, Hạ Lào…”[2]. Kết thúc bài viết này, đại tướng bày tỏ “Tôi viết hồi tưởng này là để dâng lên một bó hoa thơm kính viếng các anh hùng, liệt sĩ, để nói lên sức mạnh thần kỳ của đoàn kết toàn dân chiến đấu, của liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam, Lào, Campuchia đã làm nên chiến công hiển hách trong mùa xuân lịch sử (1954)”[3]
Uống nước nhớ nguồn; Kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta ôn lại những trang sử vẻ vang được viết nên cách đây 60 năm của quân dân Việt Nam anh hùng, của quân tình nguyện Việt Nam và quân giải phóng Phathét Lào; cùng nhau dâng nén tâm hương bày tỏ sự tri ân sâu sắc và lòng tự hào vô hạn đối với các thế hệ cha anh của hai dân tộc đã cống hiến mồ hôi, xương máu cho sự nghiệp giải phóng, độc lập của chúng ta. Từ đó chúng ta hãy tự xác định trách nhiệm của mỗi một chúng ta trên mọi cương vị công tác để không ngừng đóng góp sức mình, thường xuyên vun đắp cho tình hữu nghị đặc biệt giữa nhân dân 2 nước, 2 dân tộc Việt Nam – Lào mãi mãi xanh tươi, đời đời bền vững.
[1] Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điện Biên Phủ. NXB Chính trị quốc gia, 1998. Dẫn theo sách Chiến thắng Điện Biên Phủ. Biểu trưng của Sức mạnh Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh. NXB Thời Đại 2014.Tr.179
[2] Bài viết nhân kỷ niệm lần thứ 35 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ-trích trong cuốn. Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Điện Biên Phủ. NXB Chính trị quốc gia – 1995. Tư liệu Vừa dẫn - trang 183
[3] Tài liệu Vừa dẫn – Trang 195