Thứ Tư, ngày 9 tháng 7 năm 2025

Lễ hội truyền thống mừng công ngư - diêm dân trên xã đảo Thạnh An

Tất cả các ghe, tàu lớn nhỏ đi nghinh đều trang trí cờ hoa, xếp trật tự, luôn luôn đi sau chiếc ghe “Bà”

(Thanhuytphcm.vn) - Trong 2 ngày 8 và 9/11/2022 (nhằm ngày 15, 16 âm lịch) tại xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ, TPHCM sẽ diễn ra Lễ hội truyền thống mừng công ngư - diêm dân và Lễ hội cầu an tại miễu Bà Ngũ Hành trên xã đảo Thạnh An.

Lễ hội cũng như bao lễ hội của cư dân vùng biển, đặc biệt được nâng tầm quy mô Lễ hội cấp huyện. Nhưng Lễ hội truyền thống mừng công ngư - diêm dân và Lễ hội cầu an tại miễu Bà Ngũ Hành trên xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ lại mang một nét thật riêng. 

Không chỉ ở phần đặc sắc của lễ hội Nghinh Thủy mà cái khác ở đây chính là nét sinh hoạt văn hóa gia đình của cư dân xã đảo. Đây là lễ hội hàng năm được người dân trên xã đảo quan tâm và tôn quý hơn cả, ngày Tết có thể không trở về nhưng ngày này nhất định mọi người phải có mặt. Dù ở bất cứ nơi đâu, con cháu phải trở về đoàn tụ như dịp họp mặt duy nhất trong năm. Lễ hội đã thành nếp sinh hoạt văn hóa có ý nghĩa tinh thần rất lớn không chỉ riêng với người dân vùng biển Thạnh An mà cho tất cả những ai đã từng đến và gắn bó với nơi này.

Vào khoảng 12 giờ 30 trưa ngày 15 âm lịch, ghe Bà (ghe lớn, có trang trí cờ lễ hội, cờ nước) sau khi làm xong các  nghi thức cúng tại Miễu,  bắt đầu chạy ra, dẫn đầu đoàn ghe của các ngư dân chạy vòng quanh xã Thạnh An, sau có ghe UBND xã, ca nô, tàu kiểm ngư của các lực lượng có liên quan được phân công để làm nhiệm vụ điều phối lộ trình di chuyển, hướng dẫn các ghe, tàu chạy theo thứ tự. Tất cả các ghe, tàu lớn nhỏ đi nghinh đều trang trí cờ hoa, xếp trật tự, luôn luôn đi sau chiếc ghe “Bà”. Sau khi kết thúc đi Nghinh, các chủ ghe, người dân chuẩn bị cho ngày sum hop, đoàn tụ, khách thì ghé thăm nhà quen tại xã và đi vòng quanh tại xã để tham quan đời sống, sinh hoạt của người dân và thưởng thức các món ăn miền biển.

Bên cạnh những nghi lễ tế tự tại miễu Bà Ngũ Hành, nhân dân địa phương còn có dịp thưởng thức các hoạt động văn hóa, thể thao, ẩm thực, các chương trình văn nghệ, múa lân, đặc biệt là hát bội diễn ra từ ngày 7/11 đến 10/11/2022 (nhằm ngày 14/10 đến 17/10 âm lịch) của các diễn viên của Câu lạc bộ tuồng cổ, Đoàn tuồng cổ, đoàn nghệ thuật Trần Hữu Trang TPHCM, Đoàn Ca nhạc Bông Sen, Trung tâm tổ chức biểu diễn và Điện ảnh đến phục vụ cả ngày, đêm trong suốt lễ hội. Song song đó, còn có tổ chức các trò chơi dân gian mang đậm nét văn hóa dân tộc và mang tính đặc trưng của người dân vùng biển.

Một điều cũng rất khác ở đây, thông qua Lễ hội có cuộc họp mặt hàng năm giữa Ủy ban Nhân dân xã với các đơn vị thân thiết ở tỉnh bạn. Khách của xã còn là những lãnh đạo các phường, xã ở Long Thành, Nhơn Trạch; Đồng Nai; Bà Rịa - Vũng Tàu; Cần Giuộc, Long An; các quận, huyện, TP Thủ Đức, TPHCM.

Lễ hội không chỉ là dịp hội ngộ của những người con xã đảo xa nhà mà còn là dịp để khách thập phương đến tìm hiểu, khám phá. Đặc biệt năm nay người dân xã đảo đồng loạt tự trang trí đèn hai bên đường, bao bọc trên các con đường đi ngang qua, tối đến trông rất đẹp và lung linh…

Nhân Vân


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo