Thứ Hai, ngày 25 tháng 11 năm 2024

Lễ hội ở Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt - Những giá trị nhân văn bền vững

Ngày 30 tháng Chạp: lễ Thượng cờ, lễ rước thần (tức Tả quân Lê Văn Duyệt), lễ Dựng Nêu; lễ đón Giao Thừa, rước lộc đầu xuân.

(Thanhuytphcm.vn) - Nhắc đến việc thờ cúng ở Lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt, PGS-TS Phan An (nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu dân tộc học và Tôn giáo – Viện Khoa học Xã hội Vùng Nam bộ) đã viết: “Về khía cạnh lễ hội tại Lăng Lê Văn Duyệt cũng là điều hết sức đặc sắc. Ở đây, những yếu tố tín ngưỡng dân gian đã được kết hợp với các nghi thức của triều chính, của tôn giáo, là sự ghi dấu đời sống văn hóa phong phú của người Việt cùng các tộc người cộng cư ở Nam bộ”.

Như đã biết, Tả quân Lê Văn Duyệt đã được triều đình nhà Nguyễn giao cho dân làng Bình Hòa phụng sự việc thờ cúng - đời vua Tự Đức đã ban sắc dụ cấp ruộng đất huê lợi để lo việc phụng tự và trùng tu lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt. Miếu thờ Tả quân được xây dựng gồm có các điện thờ: Tiền điện, Trung điện, Chánh điện, Tây điện. Đi vào các gian điện thờ của “Thượng Công Linh Miếu”[1], chúng ta đều thấy trên các bàn thờ, giường thờ, khánh thờ to nhất đặt ở gian giữa là ảnh Tả quân Lê Văn Duyệt và bài vị. Ở khu vực Đông lăng có một dành hẳn một điện thờ anh linh các anh hùng liệt sĩ, các bậc tiền hiền, hậu hiền và những người có công trong việc phụng sự thờ cúng, chăm sóc lăng miếu.

Nếu tính theo âm lịch thì hàng năm tại lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt diễn ra khá nhiều cuộc lễ mang đậm nét dân gian truyền thống:

- Mùng 1,2,3: lễ Tết Nguyên đán

- Mùng 7 tháng Giêng: lễ Hạ Nêu – Khai Hạ

- 60 ngày sau Lập Xuân (tháng Ba): lễ Tết Thanh Minh.

- Mùng 5 tháng Năm: lễ Tết Đoan Ngọ.

- Ngày 30 tháng Bảy, mùng 1 và mùng 2 tháng Tám: lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt.

- Ngày 15 tháng Tám: lễ Tết Trung Thu

- Ngày 25 tháng Chạp: lễ Sắp Ấn (đưa Thần).

- Ngày 30 tháng Chạp: lễ Thượng cờ, lễ rước thần (tức Tả quân Lê Văn Duyệt), lễ Dựng Nêu; lễ đón Giao Thừa, rước lộc đầu xuân.

Trong các tục lễ nêu trên thì lễ Khai Hạ, lễ giỗ Tả quân, lễ đón Giao thừa được tổ chức long trọng và được các hội đình ở Nam bộ cùng nhân dân tham gia đông đảo. Việc hiện diện của đại diện chính quyền địa phương càng tăng lên tính trọng thể, sự trân trọng và ý thức trách nhiệm bảo tồn các sinh hoạt văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Việc thờ cúng ở Lăng miếu Tả quân đã được nhiều nghiên cứu quan tâm và ghi nhận: hình thức tín ngưỡng thờ thần thành hoàng trở thành dấu ấn khá rõ nét trong việc thờ cúng Tả quân Lê Văn Duyệt do sự đảm trách của một ban tế lễ và trong tâm thức của dân gian diễn ra hàng ngày tại lăng miếu. Nghi thức cúng tế được tiến hành theo nghi lễ tế thần ở các đình làng miền Nam, có đầy đủ các diên tế: Túc yết, Đàn cả, Xây chầu – Cầu an, Hồi chầu… Trong tục lệ Xây chầu – Cầu an bao giờ cũng có lễ Đại bội với ý nghĩa cầu cho “Thiên thời – Địa lợi – Nhơn hòa”.

Bên cạnh đó, vào dịp lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt và lễ Hạ Nêu – Khai Hạ hàng năm đều tổ chức lễ cúng tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ, tiền hiền – hậu hiền để bày tỏ lòng nhớ ơn đối với những người có công trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước. Điều đó thể hiện đậm nét trong các bài khấn nguyện:

…Hôm nay:

Con cháu thừa kế – nhớ đến Tổ tiên

Đem hết lòng thành – kính mong cảm ứng

Khấn nguyện minh chứng – lễ phẩm mừng xuân

Thành khẩn kính dâng – tấc lòng bái phục

Đặc biệt, vào hai dịp: lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt và lễ Hạ Nêu – Khai Hạ đều tổ chức lễ Kỳ Yên (Xây chầu - Cầu an). Sau đó là những cuộc hát bội (hát chầu) với nhiều tuồng tích mang ý nghĩa giáo dục về các đức tính: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín…

Lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt và lễ Hạ Nêu – Khai Hạ đều tổ chức lễ Kỳ Yên (Xây chầu - Cầu an). Sau đó là những cuộc hát bội (hát chầu) với nhiều tuồng tích mang ý nghĩa giáo dục về các đức tính: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín… Lễ giỗ Tả quân Lê Văn Duyệt và lễ Hạ Nêu – Khai Hạ đều tổ chức lễ Kỳ Yên (Xây chầu - Cầu an). Sau đó là những cuộc hát bội (hát chầu) với nhiều tuồng tích mang ý nghĩa giáo dục về các đức tính: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín…

Lễ Cầu an được tổ chức đúng theo nghi thức được cữ hành tại các đình thờ Thành hoàng ở Nam bộ. Vẫn giữ tục lệ xưa, có tổ chức lễ Xây chầu trước khi biểu diễn các vở tuồng nghệ thuật hát bội. Sâu xa trong lời của các bài khấn nguyện là sự biểu đạt ước nguyện thanh bình, hạnh phúc cho quốc gia, làng xóm, nhà nhà; cầu cho thiên thời, địa lợi, nhơn hòa:

Nguyện: Quốc phú, binh cường

Văn tu, võ tiến

Việt Nam lạc hiển

Vườn ruộng phong đăng

Nhân khương, vật phụ

Sĩ, nông hiển vượng

Công, thương hưng phát

Ngư, lâm thạnh đạt

Bá tánh đắc cường…

-… Đồng tâm phát nguyện:

Việt Nam trường cửu

Quốc thới dân an

Mùa màng thạnh toại

Mưa thuận gió hòa

Trăm họ trăm nhà

Thủy chung như nhất

Song song đó, trong dịp lễ Hạ Nêu - Khai Hạ đầu xuân, tục lệ Khai bút, Khai Ấn đã được tổ chức với nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Người được mời Khai bút, Khai ấn là người có uy tín trong xã hội. Lời văn Khai bút là những lời chúc tốt đẹp và khích lệ nhân dân cùng chính quyền và các tổ chức chính trị – xã hội luôn đoàn kết để xây dựng và phát triển xã hội, quê hương… Nghi thức khai ấn, khai bút mang hàm ý nhắn nhủ mọi người hãy nhanh chóng trở lại công việc sau những ngày vui Tết cổ truyền – hãy trở lại công sở, ra đồng, lên nương, xuống biển…

Như vậy, lễ hội diễn ra theo tục lệ tại lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt là sinh hoạt văn hóa đã hình thành và tồn tại từ lâu đời trong đời sống văn hóa của các tầng lớp cư dân Nam bộ nói chung, Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng. Những hình thức sinh hoạt tín ngưỡng và lễ hội diễn ra tại lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt hiện nay là những tập tục thể hiện lòng biết ơn, kính trọng đối với người đã có những đóng góp quan trọng đối với dân tộc. Nghiên cứu kỹ lưỡng sẽ cho thấy: hình thức và nội dung của các cuộc lễ thể hiện rõ bản tính hiếu thuận, thủy chung, yêu chuộng hòa bình của người dân Nam bộ nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung. Các nghi lễ thờ cúng tại lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, đó là truyền thống, là đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đã chi phối nếp sống, quan hệ ứng xử và đạo đức từ lâu đời của người Việt Nam.

Hiện nay, lăng miếu Tả quân Lê Văn Duyệt đã trở thành di sản quý giá trong kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam. Từ lâu, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến giá trị và tiềm năng của các di tích Lịch sử – Văn hóa của dân tộc. Đặc biệt, những năm gần đây, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa của nước ta ngày càng được đổi mới. Do đó, công tác bảo tồn và phát huy giá trị của di tích Lịch sử – Văn hóa lăng Tả quân Lê Văn Duyệt trong việc giáo dục văn hóa truyền thống và lòng tự hào dân tộc là nhiệm vụ hết sức lớn lao. Để đẩy mạnh hơn nữa công tác bảo tồn, bảo tàng di tích để gìn giữ tốt hơn di sản văn hóa quý báu này của dân tộc… không chỉ là trách nhiệm của riêng các cơ quan chức năng, những người làm công tác văn hóa mà đòi hỏi đóng góp thiết thực của mỗi người dân!

----------------------

[1] Tên gọi miếu thờ Tả Quân Lê Văn Duyệt

TS Bùi Thị Ngọc Trang

Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo