Chủ Nhật, ngày 20 tháng 7 năm 2025

Lao động sáng tạo, hết lòng truyền nghề cho lớp thợ trẻ

Anh Nguyễn Quang Duy Lâm trao đổi với đồng nghiệp

(Thanhuytphcm.vn) - Anh Nguyễn Quang Duy Lâm, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam, Khu chế xuất Linh Trung I, TP Thủ Đức và anh Trần Tiến Đạt, Trưởng nhóm Bảo trì và Dự án tự động hóa thông minh phân xưởng PBC nhà máy Unilever - Củ Chi thuộc Công ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam là những kỹ sư, quản lý tiêu biểu trong phong trào thi đua lao động giỏi, lao động sáng tạo, hết lòng truyền nghề cho lớp thợ trẻ, qua đó góp phần mang lại giá trị kinh tế cao cho đơn vị và doanh nghiệp… Đây cũng là 2 trong 15 cá nhân được xét trao Giải thưởng Tôn Đức Thắng năm 2024.

Sáng kiến xuất phát từ thực tiễn

Chia sẻ về sáng kiến "Ghi chép thao tác tự động lên hệ thống ARP" vào năm 2019, Giám đốc sản xuất Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam Nguyễn Quang Duy Lâm cho biết, trước đây, thông tin về nguyên vật liệu đầu vào, quy trình sản xuất, thành phẩm phải ghi chép tay và lưu lại trên giấy, vừa mất thời gian vừa tốn kém. Từ thực tế này, anh Nguyễn Quang Duy đã đề xuất tự động hóa thông tin bằng mã code. Với gần 6 tháng cùng với đồng nghiệp ở các phòng ban thử nghiệm, chỉnh sửa, cuối cùng anh Nguyễn Quang Duy Lâm đã hoàn thiện giải pháp.

Với sáng kiến này đã giúp đơn vị không chỉ tiết kiệm được giấy mà còn tiết kiệm thời gian. Nếu như trước đây, khi khách hàng than phiền chất lượng sản phẩm, về thời gian truy xuất, tìm kiếm sai sót tại các khâu,… mất từ vài ngày đến vài tuần nhưng nay chỉ cần vài giây đã tìm được nguyên nhân. Qua sáng kiến này, đã làm lợi cho doanh nghiệp hơn 800 triệu đồng/năm. Từ sáng kiến của anh Nguyễn Quang Duy Lâm, đơn vị đã nhân rộng đến các đơn vị khác ở Hà Nội và Tiền Giang.

Đối với sáng kiến “Điện tử hóa việc nhập dữ liệu thao tác phối trộn keo và phối trộn gôm, bằng ứng dụng QR code”, anh Nguyễn Quang Duy Lâm cho biết, sáng kiến này đã giảm thời gian ghi chép và phối trộn; kiểm soát việc ghi chép tính toán sai dữ liệu; nhanh chóng truy xuất nguồn gốc và lý lịch thao tác lot (ngày, hạn sản xuất). Qua sáng kiến, đã tiết kiệm cho doanh nghiệp hàng trăm triệu đồng.

Riêng sáng kiến “Điện tử hóa thao tác trộn nhựa và tự động hóa ghi chép thao tác sản phẩm Cáp ép bẹ bằng ứng dụng mã vạch Barcode” đã giảm thời gian phối trộn và ghi chép tính toán dữ liệu, hàng năm tiết kiệm cho doanh nghiệp gần 560 triệu đồng.

Ngoài những sáng kiến làm lợi cho đơn vị, với hơn 20 năm gắn bó với doanh nghiệp, anh Nguyễn Quang Duy Lâm đã kèm cặp cho hàng chục kỹ sư kỹ thuật mới về tự động hóa, cải tiến dây chuyền sản xuất, cải tiến dây chuyền sản xuất, phụ trách chính triển khai các ứng dụng công nghệ mới áp dụng vào sản xuất của toàn bộ các đơn vị tại TPHCM, Hà Nội, Mỹ Tho, Ấn Độ, Thái Lan,…

Bên cạnh đó, anh Nguyễn Quang Duy Lâm còn còn tham gia hỗ trợ thành lập dây chuyền sản xuất mới và huấn luyện kỹ năng cho công nhận tại Công ty Nissei Ấn Độ, Nissei Thái Lan... Hàng chục người lao động được anh Nguyễn Quang Duy Lâm hướng dẫn đã từng bước trưởng thành, đoạt thành tích cao trong phong trào lao động giỏi - lao động sáng tạo do tổ chức Công đoàn phát động.

Nhận xét về anh Nguyễn Quang Duy Lâm, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Nissei Electric Việt Nam Trần Thị Hồng Vân cho hay, anh Nguyễn Quang Duy Lâm không chỉ tận tụy với nghề và nỗ lực vươn lên không ngừng. Bên cạnh đó, anh Nguyễn Quang Duy Lâm luôn tâm huyết, luôn hết mình hướng dẫn, hỗ trợ, đào tạo cho những thợ trẻ… Sáng kiến làm lợi cho doanh nghiệp mỗi năm hàng tỷ đồng

Cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân

Còn anh Trần Tiến Đạt, Trưởng nhóm Bảo trì và Dự án tự động hóa thông minh phân xưởng PBC nhà máy Unilever - Củ Chi thuộc Công Ty TNHH Quốc tế Unilever Việt Nam là một gương điển hình về có nhiều sáng kiến trong cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân...

Chia sẻ về dự án "Nghiên cứu thiết kế và phát triển dây chuyền sản xuất từ sử dụng cơ cấu giữ chai truyền thống sang linh hoạt", anh Trần Tiến Đạt cho biết, với hàng trăm loại sản phẩm, mỗi loại lại khác nhau về bao bì, kiểu dáng, kích thước..., mỗi lần chuyển đổi sản phẩm sản xuất, các chuyền máy phải thay các cơ cấu giữ chai để phù hợp với từng loại; thời gian chuyển đổi kéo dài khoảng 113 phút/lần, ảnh hưởng đến năng suất vận hành của máy… Với dự án cải tiến này, thời gian chuyển đổi ở các dây chuyền sản xuất được kéo giảm 75%, chỉ còn khoảng 16 phút/lần. Cơ cấu giữ chai còn có thể đáp ứng linh hoạt cho nhiều loại sản phẩm khác nhau, thích ứng với sự thay đổi mẫu mã sản phẩm liên tục của thị trường, giảm thiểu chi phí đầu tư của công ty khi có sản phẩm mới. “Dự án đã góp phần làm lợi cho công ty 2 tỷ đồng/năm, được Unilever toàn cầu chứng nhận là Golden Best Practice”- anh Trần Tiến Đạt cho hay.

Anh Trần Tiến Đạt (bìa trái) trao đổi với đồng nghiệp Anh Trần Tiến Đạt (bìa trái) trao đổi với đồng nghiệp

Đối với sáng kiến “Cải tiến quy trình vận hành đổ bột nguyện liệu kem đánh răng từ con người sang tự động hóa bằng robot tại phân xưởng Oral care”, anh Trần Tiến Đạt cho biết, qua sáng kiến đã cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân, giảm thiểu làm việc trong môi trường bụi bặm, tăng 20% năng suất lao động- dự án đầu tiên của Unilever trên toàn cầu sử dụng robot cấp bột nguyên liệu. Với sáng kiến này, đã tiết kiệm cho công ty hơn 800 triệu đồng/năm.

Riêng sáng kiến “Thay đổi quy trình vận hành bốc chất hàng hóa lên pallet từ con người sang tự động hóa bằng robot tại phân xưởng Oral care và Personal care, anh Trần Tiến Đạt cũng cho hay, sáng kiến này đã giảm thiểu công việc nặng nhọc, tối ưu nhân lực nhà máy, zero các lỗi chất lượng liên quan đến chất nhầm thùng, tăng 30% năng suất lao động. Qua sáng kiến, đã giúp cho doanh nghiệp tiết kiệm mỗi năm hơn 2,1 tỷ đồng.

Đặc biệt, với sáng kiến “Cải tiến quy trình vận hành cấp bao bì (chai) từ con người sang tự động hóa bằng robot (Spider robot) tại 4 trên tổng 5 dây chuyền chạy chai tại phân xưởng Personal care” đã giúp tối ưu nguồn nhân lực nhà máy. Qua sáng kiến, đã tiết kiệm cho đơn vị mỗi năm hơn 2,6 tỷ đồng.

Đối với sáng kiến “Cải tiến quy trình vận chuyển và cấp thùng giấy tự động từ kho nguyên liệu đến khu vực sản xuất từ con người sang sử dụng robot (AGV) tại phân xưởng Oral care”, góp phần tự động hóa hoàn toàn - “dark factory”, nâng cao năng suất. Qua sáng kiến đã tiết kiệm hơn 1,6 tỷ đồng/năm…

Ngoài các sáng kiến trên, anh Trần Tiến Đạt đã hỗ trợ, huấn luyện và hướng dẫn cho trên 20 nhân viên kho, nhân viên trưởng nhóm, quản lý kho đạt danh hiệu nhân viên xuất sắc, lao động giỏi nhà máy.

Kết quả của sự nỗ lực ấy là sự công nhận của doanh nghiệp đối với năng lực của anh Trần Tiến Đạt, từ đó cất nhắc lên các vị trí cao hơn. Hiện anh Trần Tiến Đạt  là trưởng nhóm bảo trì và dự án tự động hóa thông minh phân xưởng PBC. Qua các sáng kiến, anh Trần Tiến Đạt đã đạt Đoàn viên Công đoàn xuất sắc nhiều năm liền; Bằng khen Liên đoàn Lao động TPHCM năm 2021, 2023

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo