Tạo điều kiện cho TPHCM có cơ chế thuận lợi, năng động hơn
Phát biểu gợi mở tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho biết, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều thống nhất tinh thần là phải tạo điều kiện cho TPHCM có cơ chế thuận lợi, năng động hơn. Trong đó, TPHCM được làm thí điểm những cơ chế, chủ trương mới phù hợp với tính chất của một siêu đô thị. Do đó, đồng chí Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các ĐBQH tập trung thảo luận các giải pháp với tinh thần TPHCM tỏa sáng dựa trên khoa học công nghệ và tri thức trẻ; xác định những vấn đề lớn cần áp dụng trong thời kỳ 4.0 hiện nay để tạo động lực tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, tăng quy mô nền kinh tế. Đồng thời, cần phát huy tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm; cần thảo luận các giải pháp không tốn kém nhiều ngân sách, nhân lực nhưng làm cho TP sạch hơn, đẹp hơn, an toàn hơn góp phần thay đổi diện mạo cho TP.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những thành quả của TP đạt được đã rõ, nhất là những thành công bước đầu sau đại dịch Covid-19 đã được khẳng định. Đây cũng là kinh nghiệm để TP tiến bước. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị TP xác định rõ phần nào thuộc trách nhiệm của TP, phần nào kiến nghị Trung ương phải mạnh dạn góp ý giải pháp để tháo gỡ về thể chế, cơ chế, chính sách. Bên cạnh đó, TP cần tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP trở thành đô thị thông minh.
Báo cáo với Đoàn ĐBQH, Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi cho biết, 9 tháng đầu năm 2022, kinh tế TP tiếp tục đà phục hồi mạnh mẽ, tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực đạt và đạt vượt trạng thái trước khi có dịch Covid-19, tạo tâm lý và tin tưởng cho người dân và doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh… Cụ thể, 9 tháng đầu năm, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 9,71% so với cùng kỳ, trong đó GRDP quý 3 ước tăng 30,02% cho thấy, kinh tế TP đã phục hồi hoàn toàn; tốc độ tăng trưởng các ngành, lĩnh vực đạt và đạt vượt trạng thái trước khi có dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tổng thu ngân sách nhà nước ước đạt 350.000 tỷ đồng, đạt 90,5% dự toán năm và tăng 27,7% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp TP ước đạt 35,96 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch nhập khẩu ước đạt 47,8 tỷ USD, tăng 7,9% so với cùng kỳ.
Trong 3 tháng cuối năm 2022, đồng chí Phan Văn Mãi cho biết, TP tập trung triển khai thực hiện chỉ đạo, kết luận của đồng chí Tổng Bí thư tại buổi làm việc với TP; các chỉ đạo của Chủ tịch nước tại Hội nghị xúc tiến đầu tư vào huyện Hóc Môn và Củ Chi; Chương trình phục hồi phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2022 - 2025; xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công năm 2023; dự toán ngân sách nhà nước năm 2023…
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng cho biết, TP tập trung đẩy mạnh công tác chuyển đổi số và xây dựng TP trở thành đô thị thông minh; tiếp tục triển khai Cổng dịch vụ công TP, hệ thống thông tin một cửa điện tử gắn với đánh giá hài lòng trong giải quyết thủ tục hành chính, kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng dịch vụ công Quốc gia… Đồng thời, TP tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; đẩy mạnh các giải pháp bình ổn giá; chuẩn bị đầy đủ lượng và nguồn hàng hóa trong thời điểm từ nay đến cuối năm; tiếp tục triển khai các giải pháp kích cầu thúc đẩy phát triển du lịch; đảm bảo các điều kiện tốt nhất cho công tác giáo dục năm học 2022 - 2023; quan tâm đầu tư tổ chức các hoạt động văn hóa; nâng cao chất lượng các hoạt động, đa dạng các sự kiện, chương trình nhằm xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh; triển khai Chiến lược xây dựng thương hiệu TP gắn với các hoạt động đối ngoại của TP.
Ngoài ra, tập trung rà soát, xử lý các dự án chậm triển khai, đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người sử dụng đất; quản lý chặt chẽ, minh bạch thị trường bất động sản; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn TP; tăng cường các hoạt động chỉnh trang đô thị, giảm ngập nước và bảo vệ môi trường; quan tâm triển khai các hoạt động thúc đẩy góp phần từng bước tăng diện tích mảng xanh đô thị.
Đồng chí Phan Văn Mãi phát biểu tại buổi làm việc Kiến nghị nhiều nội dung quan trọng để TPHCM phát triển
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng cho biết, qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14, TP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch Covid-19, các năm còn lại kinh tế TP liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%, cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015.
Sau khi kinh tế TP tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch Covid-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, quý III đạt 30,02%; bình quân 9 tháng đạt 9,97%. Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn, bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011 – 2015.
Theo đồng chí Phan Văn Mãi, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định. Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép TP chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong ước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả. Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc…
Đồng chí Phan Văn Mãi cũng thừa nhận, nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54/2017/QH14 còn chậm so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn,... Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; các nguồn có tiềm năng, có số thu lớn chưa được triển khai thực hiện, như: cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do việc thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp; thu khai thác tài sản và từ đất đai,...
Tại buổi làm việc, đồng chí Phan Văn Mãi kiến nghị nhiều nội dung quan trọng để TPHCM phát triển. Cụ thể, kiến nghị Chủ tịch nước và đoàn ĐBQH TP quan tâm, ủng hộ để Bộ Chính trị xem xét, đánh giá kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW và Kết luận số 21-KL/TW của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2020; qua đó xem xét ban hành Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí, tiềm năng và sứ mệnh của TP giai đoạn mới và giao trọng trách để TP và các cơ quan Trung ương tập trung triển khai thực hiện tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thời gian tới.
Về trước mắt, cho phép TP tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 đến hết năm 2023; đồng thời Quốc hội bổ sung cho thực hiện thí điểm đồng bộ thêm một số nhóm nội dung có liên quan đến quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hóa xã hội và trật tự xã hội; tổ chức bộ máy, phân cấp, phân quyền, ủy quyền và cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; cơ chế xây dựng và phát triển Trung tâm tài chính quốc tế; cơ chế phân cấp, phân quyền, ủy quyền và tổ chức bộ máy hành chính TP Thủ Đức; trong đó tập trung cơ chế chính sách phát triển thị trường tài chính quốc tế tại TP; chính sách thúc đẩy phát triển kinh tế số và khởi nghiệp sáng tạo; chính sách và cơ chế phát triển TP Thủ Đức.
Kiến nghị Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội để đáp ứng yêu cầu phát triển của TP theo các nguyên tắc: những vấn đề thực tiễn đặt ra nhưng pháp luật chưa quy định hoặc quy định chưa phù hợp thì cho làm thí điểm (những cơ chế, mô hình mới, chính sách đặc thù không ảnh hưởng đến sự điều hành chung của Chính phủ và lợi ích của các địa phương khác), mang mục đích tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của chính quyền đô thị TP; trong đó, về tài chính là cơ chế tạo ra nguồn thu mà không tăng tỷ lệ điều tiết của ngân sách chung.
Bên cạnh đó, Bộ Chính trị sớm có chủ trương, định hướng cho Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo Chính phủ chỉ đạo giải quyết dứt điểm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành, trong đó có TPHCM. Quan tâm, đóng góp tích cực và hiện thực hóa quan điểm mục tiêu Nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo đó “TPHCM là TP hiện đại, thông minh, năng động, sáng tạo, là nơi thu hút nhân tài, chuyên gia, nhà kho học, nhất là tri thức trẻ đến sinh sống và làm việc; trung tâm tài chính quốc tế, phát triển ngang tầm các thành phố lớn trong khu vực Châu Á, đóng vai trò là cực tăng trưởng của Vùng; nơi tập trung của các tổ chức quốc tế, các định chế tài chính, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới”.