Thứ Hai, ngày 30 tháng 12 năm 2024

Lăng miếu Tả Quân Lê Văn Duyệt - công trình nghệ thuật ghi dấu những quan niệm về nhân sinh và vũ trụ của cư dân Nam bộ

Nghi thức cúng giỗ Đức Tả quân Lê Văn Duyệt. (Ảnh: M. Hiệp)

(Thanhuytphcm.vn) - “Lăng Ông” - là tên gọi phổ biến trong dân gian để chỉ khu di tích Lịch sử - Văn hóa Lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt, bao gồm cả khu vực mộ và miếu thờ.

Du khách đến Sài Gòn – Gia Định xưa và Thành phố Hồ Chí Minh ngày nay nhất định phải đến tham quan lăng miếu Tả Quân Lê Văn Duyệt bởi sự hấp dẫn đặc biệt của các công trình kiến trúc và trang trí còn lưu giữ ở đây.

Tả Quân Lê Văn Duyệt được cử làm Tổng trấn Gia Định thành dưới triều đại vua Gia Long và vua Minh Mạng. Tháng 7 âm lịch năm 1832, Tả Quân Lê Văn Duyệt mất, được an táng tại làng Bình Hòa (nay là Phường 1, quận Bình Thạnh, Thành phố Hồ Chí Minh). Lăng miếu Tả Quân Lê Văn Duyệt đã được xây dựng và tồn tại gần hai thế kỷ. Tháng 11 năm 1988, lăng Tả Quân Lê Văn Duyệt được Bộ Văn hóa công nhận là Di tích Lịch sử – Văn hóa cấp quốc gia bởi đây là công trình nghệ thuật kiến trúc và trang trí ghi dấu tài năng và quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật của các thế hệ nhân dân ở Nam bộ. Mới đây, Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã có Quyết định công nhận Lễ hội Khai hạ - Cầu an là Di sản Văn hóa phi vật thể của Quốc gia. Chính điều này càng tạo nên sự hấp dẫn đặc biệt của khu di tích đối với nhân dân và du khách.

Toàn bộ công trình kiến trúc của khu di tích hòa nhập với thiên nhiên xanh tươi, trong lành. Trong khuôn viên bao quanh lăng miếu, các loại danh mộc tỏa bóng mát quanh năm: bằng lăng, kim diệp, si, dầu, bồ đề… Trong một thoáng yên tĩnh của phố phường, đứng giữa thiên nhiên xanh mát, bao la ấy, khách tham quan cảm nhận được vẻ trầm mặc của lăng miếu vốn đã cổ kính, uy nghiêm với những lớp ngói ngã màu theo thời gian, cùng với những đồ án trang trí hoành tráng uy nghi và hai ngôi mộ khá đồ sộ của Tả quân và phu nhân Tả quân được song táng theo cổ lệ “Càn Khôn hiệp đức”.

Bên cạnh đó, du khách không thể cưỡng lại trước sự độc đáo của cổng chính vào lăng miếu được thiết kế theo kiểu “tam quan” được xây dựng năm 1949. Hình ảnh cổng tam quan đã từng trở thành biểu tượng của vùng Sài Gòn – Gia Định xưa và của các cuộc lễ hội truyền thống của đồng bào Bình Thạnh ngày nay.

Lăng miếu Tả Quân Lê Văn Duyệt được các lớp cư dân ở Nam bộ trùng tu và mở rộng nhiều lần qua nhiều thời kỳ. Chính vì vậy, đây là một công trình hội tụ các phong cách nghệ thuật kiến trúc và trang trí có sự xen lẫn giữa các yếu tố cổ truyền và hiện đại. Đây là một công trình nghệ thuật ghi dấu những suy nghĩ, những quan niệm về nhân sinh và vũ trụ của cư dân Nam bộ.

Nghi lễ rước bằng công nhận Di sản cấp Quốc gia lễ hội Khai hạ cầu an tại Lăng Lê Văn Duyệt. (Ảnh: M. Hiệp) Nghi lễ rước bằng công nhận Di sản cấp Quốc gia lễ hội Khai hạ cầu an tại Lăng Lê Văn Duyệt. (Ảnh: M. Hiệp)

Cũng như các công trình kiến trúc cổ khác, hình ảnh rồng xuất hiện với một số lượng đáng kể và chiếm giữ tất cả những vị trí trang trọng nhất để nhấn mạnh ý nghĩa, tính chất của công trình “Thượng Công Miếu”. Nhưng còn có thể thấy các đồ án trang trí với những hình tượng dân dã gần gũi với cuộc sống của cư dân Nam bộ trong nghệ thuật trang trí: khóm chuối, trái măng cụt, mãng cầu, bí, voi, ngựa, cua, gà, dơi… đã tạo nên những nét thú vị của nghệ thuật trang trí ở Lăng. Điểm đặc sắc cần kể đến là các đồ án trang trí ở đây được thể hiện bằng kỹ thuật cẩn miểng kiểu rất độc đáo, tinh xảo.

Các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa và du khách rất thích thú khi được biết ý nghĩa của các kiểu thức trang trí ở Lăng đều là hình thức để chuyển tải những tình cảm, khát vọng rất thực của con người trong đời sống qua hình ảnh năm con dơi trong đồ án “Ngũ phúc” đã chuyển tải ước mơ về một cuộc sống toàn mỹ: mạnh khỏe, sống lâu, yên lành, giàu sang…; khát vọng hòa bình được thể hiện trong hình ảnh chim phượng xòe cánh múa, bên cạnh là kỳ lân ẩn hiện trong đám mây biểu hiện cho quan niệm “Kỳ lân xuất thế thiên hạ thái bình”…

TS Bùi Thị Ngọc Trang, Phó Giám đốc Học viện Cán bộ TPHCM


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo