Thứ Năm, ngày 15 tháng 5 năm 2025

Làm rõ thẩm quyền, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả tổ chức chính quyền địa phương

Quang cảnh hội thảo

(Thanhuytphcm.vn) - Sáng 23/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TPHCM tổ chức Hội thảo góp ý các dự án luật: Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Thanh tra (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TPHCM Hà Phước Thắng chủ trì hội thảo.

Góp ý vào dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), nhiều đại biểu đề nghị giải thích rõ khái niệm “Chính quyền địa phương tại đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt”, “ở đô thị”, “ở hải đảo”, “ở nông thôn” để đảm bảo nhận thức và thực thi thống nhất. Đồng thời, cụm từ “gắn với trách nhiệm kiểm tra, thanh tra, giám sát của cơ quan nhà nước cấp trên” cần được sửa thành “gắn với trách nhiệm của cơ quan có thẩm quyền” nhằm thống nhất với quy định hiện hành trong Luật Thanh tra 2022.

Đại diện Sở Nội vụ TPHCM kiến nghị cần tiếp tục cho TPHCM (mới sau sắp xếp) được triển khai Nghị quyết 98/2023/QH15, đảm bảo đà phát triển của một siêu đô thị đặc biệt.

PGS.TS Huỳnh Văn Thới, nguyên quyền Giám đốc Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM, phân tích sâu về phân quyền và phân cấp. PGS.TS Huỳnh Văn Thới nhấn mạnh, cần có định nghĩa mang tính quy phạm, thống nhất về thuật ngữ trong luật để xây dựng khung thể chế phù hợp với từng cấp độ phân quyền, phân cấp trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đề nghị mở rộng cách tiếp cận phân quyền không chỉ trong nội bộ nhà nước mà cả giữa nhà nước và xã hội, giữa nhà nước, thị trường và xã hội.

Về phân cấp, PGS.TS Huỳnh Văn Thới nhấn mạnh đây là việc xác định rõ thẩm quyền giữa các cấp chính quyền tương ứng với chức năng và đặc điểm của từng cấp để thực thi hiệu quả quyền lực nhà nước.

Một điểm nhấn trong góp ý là nội dung liên quan đến phân định thẩm quyền giữa tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND. Theo các đại biểu, dự thảo luật còn thiếu quy định rõ các trường hợp Chủ tịch UBND cần quyết định cá nhân để đảm bảo kịp thời, nhất là trong các tình huống cấp thiết hoặc trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính. Do đó, cần quy định chi tiết trong văn bản dưới luật.

Đồng chí Hà Phước điều hành tại hội thảo Đồng chí Hà Phước điều hành tại hội thảo

Các ý kiến cũng đề nghị bổ sung quy định rõ thẩm quyền thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính đặc biệt là với đơn vị hành chính, kinh tế đặc biệt.

Đại biểu Lê Minh Đức, đại diện HĐND TP, đề xuất TPHCM và Hà Nội có thêm 3 Phó Chủ tịch và 3 Phó Ban HĐND chuyên trách để tương xứng với yêu cầu nhiệm vụ của hai đô thị đặc biệt.

Với Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Mạnh Quân (Viện Nghiên cứu Phát triển TPHCM) cho rằng cần giữ hiệu lực các văn bản cấp xã đã ban hành trước khi luật có hiệu lực, cho đến khi bị thay thế hoặc bãi bỏ.

Đại biểu Nguyễn Mạnh Quân cũng lưu ý quy định mới của Luật Văn bản quy phạm pháp luật 2025 cần làm rõ: Chính phủ có được ban hành nghị định về phân cấp khi chưa có luật hay không, do một số quy định có sự chồng chéo.

Về thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Lê Minh Đức chỉ rõ hiện luật chỉ đề cập trình tự thông thường và rút gọn, chưa làm rõ trường hợp thủ tục đặc biệt điều này cần được nghiên cứu bổ sung. Ngoài ra, đề xuất bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản của HĐND, UBND trong trường hợp các Ban của HĐND hoặc Ủy ban MTTQ tỉnh đề xuất.

Góp ý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi), các đại biểu đề nghị cần thống nhất khái niệm “Ngày làm việc” giữa luật và nghị định hướng dẫn; bổ sung quy định về hồ sơ, trình tự, điều kiện kết thúc theo dõi kết luận thanh tra, nhất là những vụ việc kéo dài, liên quan đến điều chỉnh chủ trương, chính sách; có quy định chuyển tiếp rõ ràng cho hoạt động của các đoàn thanh tra còn dang dở khi Thanh tra sở, Thanh tra cấp huyện không còn sau khi luật mới có hiệu lực.

Long Hồ


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo