Vì vậy, để phát triển TPHCM, cần có nội dung về cơ chế, chính sách tạo hành lang và lộ trình hình thành, phát triển; đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện xây dựng thành công mô hình chính quyền đô thị và gắn với nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo động lực phát triển…
Tính cấp thiết
Trong quá trình phát triển, TPHCM luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban ngành trung ương. Bộ Chính trị đã ban hành 4 Nghị quyết (NQ) về TPHCM (NQ 01 năm 1982, NQ 20 năm 2002, NQ 16 năm 2012 và NQ 31 năm 2022). Quốc hội đã ban hành NQ 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM trên một số lĩnh vực về quản lý đất đai, quản lý đầu tư, quản lý tài chính – ngân sách nhà nước, cơ chế uỷ quyền giữa các cấp chính quyền và thu nhập tăng thêm của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý. Quốc hội cũng đã ban hành NQ 131/2020/QH14 về tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM.
Tuy nhiên, NQ 54 chưa được thực hiện như kỳ vọng vì vẫn thiếu nhiều cơ chế, chính sách và sự phối hợp chưa đồng bộ. Việc thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo NQ 131 của Quốc hội còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình vận hành bộ máy do thiếu hướng dẫn và nhất là chưa được phân cấp, phân quyền mạnh mẽ.
Sự phát triển của TPHCM đang đứng trước nhiều điểm nghẽn, nhất là thể chế. Khi chính sách pháp luật còn chồng chéo và chung chung, thẩm quyền không rõ, nhiều việc phải xin cấp trên, việc xử lý các vấn đề của thành phố lớn còn chậm và chưa đáp ứng yêu cầu. Cơ chế nhìn chung còn nặng xin – cho, quy trình, thủ tục còn nặng nề, mất nhiều thời gian, công sức.
Trước những khó khăn, thách thức bởi tác động của tình hình kinh tế thế giới, cùng những vụ việc tồn đọng chưa được giải quyết dứt điểm, cơ chế chưa được tháo gỡ và những nguyên nhân nội tại, chỉ số tăng trưởng gần đây của TPHCM có dấu hiệu chùng xuống so với cả nước.
Để triển khai thực hiện NQ 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; NQ 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đòi hỏi TPHCM cần có cơ chế, chính sách vượt trội. Đây được xem là đòi hỏi hết sức cấp thiết, vừa đáp ứng cho trước mắt, vừa có ý nghĩa lâu dài cho TPHCM, cho cả vùng và cả nước.
Bốc xếp gạo xuất khẩu sang thị trường Indonesia tại cảng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN) Những đề xuất về cơ chế chính sách của TPHCM
Theo chương trình, kỳ họp lần thứ V, Quốc hội khoá XV sẽ xem xét ban hành NQ mới thay thế NQ 54.
Dự thảo NQ mới có 7 nội dung với 44 chính sách về quản lý đầu tư; tài chính ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào TPHCM; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của Thành phố và tổ chức bộ máy Thành phố Thủ Đức.
So với NQ 54, dự thảo NQ lần này bao gồm nội dung rộng hơn và cụ thể hơn trên một số lĩnh vực. Đáng chú ý là ở lĩnh vực đầu tư, sẽ cho phép thí điểm mô hình phát triển đô thị gắn với các tuyến giao thông, các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến đường vành đai… Qua đây, Thành phố sẽ chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư tại chỗ, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án phát triển đô thị.
Dự thảo liên quan đến việc tạo điều kiện áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP), theo Hợp đồng BOT và BT một cách công khai, minh bạch nhằm thúc đẩy đầu tư xây dựng các dự án, công trình.
Về tài chính ngân sách, sẽ quy định danh mục phí, lệ phí, mức hưởng 100% cho Thành phố với số thu tăng thêm; Thành phố sẽ được vay thông qua phát hành trái phiếu chính quyền địa phương với tổng mức dư nợ vay không vượt quá 120% tổng thu ngân sách Thành phố được hưởng theo phân cấp.
Về tổ chức bộ máy của TPHCM, HĐND Thành phố có thẩm quyền quyết định số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách tại phường, xã, thị trấn theo quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn, đảm bảo tinh gọn, không vượt quá số lượng theo quy định của Chính phủ. Tiếp tục thực hiện việc chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo NQ 54 của Quốc hội.
UBND TPHCM có thẩm quyền quyết định chuyển một số chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn thuộc UBND Thành phố cho cơ quan chuyên môn, cơ quan hành chính khác thuộc UBND TP, UBND quận, huyện và Thành phố Thủ Đức.
Về tổ chức bộ máy Thành phố Thủ Đức, HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố quyết định giao một số chức năng nhiệm vụ thuộc thẩm quyền cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố Thủ Đức trong các lĩnh vực: quản lý đầu tư; tài chính ngân sách, quản lý kinh tế; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; quản lý văn hoá xã hội; tổ chức bộ máy quản lý hành chính của chính quyền đô thị và cán bộ, công chức, viên chức.
HDND Thành phố quyết định tổ chức bộ máy, số lượng và chức năng, nhiệm vụ các phòng ban chuyên môn, đơn vị trực thuộc Thành phố Thủ Đức.
Bốc xếp container hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Tân Cảng-Cát Lái, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: TTXVN) Mong muốn chính sách thật sự tạo đột phá
Để phát triển TPHCM, NQ lần này cần có nội dung về cơ chế, chính sách tạo hành lang và lộ trình hình thành, phát triển Trung tâm Tài chính quốc tế TPHCM và chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào Trung tâm Tài chính quốc tế.
Đẩy mạnh hơn nữa việc phân cấp, phân quyền, tạo điều kiện xây dựng thành công mô hình chính quyền đô thị và mô hình thành phố trong thành phố tại TPHCM theo hướng được giao quyền nhiều hơn và kiểm soát ít hơn, gắn với nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, tạo động lực phát triển.
Trong xu hướng triển khai thực hiện chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, cần giao cho TPHCM có thẩm quyền và chủ động tính toán về số lượng cán bộ, công chức, viên chức phù hợp với thực tiễn theo hướng tinh giảm biên chế. Trước mắt, đối với những phường, xã có quy mô dân số đông, tính chất công việc phức tạp và nhiều áp lực, cần phải có đủ nhân sự đáp ứng yêu cầu phục vụ dân.
Phát triển TPHCM đặt trong sự phát triển vùng Đông Nam bộ và mối quan hệ đối với các vùng miền trong khu vực. Để thúc đẩy phát triển, cho phép TPHCM phối hợp thực hiện thí điểm những dự án kinh tế, văn hoá, xã hội, đặc biệt là những dự án giao thông liên vùng.
Xem xét tăng tỷ lệ điều tiết cho ngân sách TPHCM (năm 2022 được điều chỉnh từ 18% lên 21%) và cần ổn định tỷ lệ phân chia ngân sách trong thời gian dài để TPHCM có sự chủ động về nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là cho các nhiệm vụ đột phá chiến lược, đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là các dự án trọng điểm của Thành phố.
Triển khai nhanh việc sắp xếp nhà đất của các cơ quan, đơn vị của Trung ương đóng trên địa bàn TPHCM để sớm có phương án xử lý nhằm có thêm nguồn thu đầu tư cho hạ tầng kinh tế - xã hội thuộc nhiệm vụ đầu tư công của Thành phố.
Khuyến khích đẩy mạnh xã hội hoá trên các lĩnh vực y tế, văn hoá, thể thao (nhất là đối với khu vực nội thành) nhằm tăng thêm cơ sở vật chất và dịch vụ phục vụ người dân, không ngừng nâng cao chất lượng sống cho người dân.
Về lâu dài, cần ban hành Luật đô thị nhằm luật hoá các cơ chế, chính sách phù hợp với đô thị, nhất là đối với đô thị đặc biệt, hạn chế nhiều việc phải xin ý kiến Trung ương để xử lý nhanh hơn những vấn đề đặt ra của thành phố lớn.
Lần này, các Bộ đã đồng hành cùng TPHCM trong quá trình chuẩn bị dự thảo NQ thay thế NQ 54 và rất khẩn trương để có các báo cáo thẩm định trình Quốc hội.
Ủy ban Ban Thường vụ Quốc hội trong phiên họp gần nhất đã cho ý kiến với tinh thần ủng hộ, có yêu cầu cao hơn và đòi hỏi có sự chú trọng hơn những chính sách thật sự đột phá.
Tin rằng, với sự hợp lực thúc đẩy cho đầu tàu kinh tế TPHCM tăng tốc, cơ chế, chính sách vượt trội từ nghị quyết thay thế NQ 54 của Quốc hội lần này mang nhiều ý nghĩa và những tín hiệu lạc quan.