Thứ Hai, ngày 14 tháng 7 năm 2025

Ký ức và phẩm hạnh của người dân Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh

Nhà văn Trịnh Bích Ngân trao giải Khuyến khích cho các cá nhân. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

(Thanhuytphcm.vn) - Trong sự nỗ lực với bộn bề việc cho sự phục hồi tinh thần và vật chất sau đại dịch Covid-19, nhiều thuận lợi và cũng không ít khó khăn, Cuộc vận động viết về đề tài phòng chống dịch Covid-19 (gọi tắt là Cuộc vận động) do Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban Dân vận Thành ủy cùng Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM tổ chức và phát động, chỉ trong thời gian trên dưới một năm, đã được nhân dân thành phố hưởng ứng tích cực và rộng khắp. Các tác giả tham gia Cuộc vận động, không chỉ viết bằng con chữ, bằng bài viết mà còn bằng cả tấm lòng, bằng niềm tin, bằng sự biết ơn và tri ân cuộc đời với cả những được - mất của nó.

Từng làm thành viên ban giám khảo của không ít cuộc vận động sáng tác và những cuộc thi văn chương của thành phố, cũng như khu vực và cả nước, nhưng chưa lần nào tôi và các thành viên khác của Ban giám khảo lại được tiếp nhận một khối lượng bản thảo đồ sộ (bài viết và hình ảnh nhân vật, sự việc kèm theo) với số lượng tác giả nhiều như Cuộc vận động này. Và với thể tài “người thật việc thật” nên tác giả các bài viết đều là người trực tiếp hay gián tiếp có mặt trong cuộc chiến phòng chống dịch Covid-19.

Và có lẽ, cũng chưa có cuộc vận động viết nào mà người tham gia đa dạng, phong phú từ nhiều ngành, nhiều nghề, nhiều tầng lớp nhân dân đến vậy, từ thầy cô giáo (chiếm đa số), y bác sĩ, người tu hành đến đội ngũ cán bộ, viên chức của hệ thống chính trị các cấp, từ xã, phường, quận, huyện đến thành phố.

Điều hết sức đặc biệt ở Cuộc vận động này, là các tác phẩm đã làm bật lên ký ức đáng nhớ và phẩm hạnh cao quý của người dân Sài Gòn - TPHCM. Ký ức và phẩm hạnh được hiện diện bằng nỗi niềm sâu lắng, bằng cảm xúc trí tuệ, bằng nghĩa cử, bằng việc làm cứ ngỡ như quá đổi bình thường.

Hầu hết các bài viết của Cuộc vận động này, phản ánh ở diện rộng, vào từng đơn vị cơ sở trường học, y tế, từng cơ quan, nhất là ở cấp phường xã, thậm chí từng ngõ ngách, để thấy rõ hơn lòng tốt và vẻ đẹp tâm hồn của người dân Sài Gòn - TPHCM. Vẻ đẹp bình dị của người dân thành phố mang tên Bác, bất cứ lúc nào cũng có và bất cứ ở đâu cũng gặp. Cái đẹp của tấm lòng, của phẩm hạnh hiện diện mọi lúc mọi nơi. Điển hình như:

Cô Nguyễn Thị Diệu dạy học ở Quận 8, với bài viết đặt tên là “Ổng”. “Ổng” không tên tuổi, không có những hành động quả cảm phi thường nhưng vẫn đem đến cho người đọc sự cảm kích về một con người chân thành, lạc quan, tận tụy với cộng đồng nhất là trong những ngày khốn khó. Hình ảnh “Ổng” như trở thành một nhân vật tiêu biểu cho lòng tốt, cho sự lặng lẽ sống, lặng lẽ tận hiến trong thời khắc khốc liệt của đại dịch mà cả thành phố chúng ta chống chọi.

Nguyễn Thị Hương, một cô giáo khác ở Thủ Đức viết về một phụ huynh của Trường Tiểu học Tam Bình - anh Trần Tiến Nguyên, người đã dùng chiếc xe là phương tiện sinh sống trước dịch để vận chuyển sách giáo khoa và đem thực phẩm, cũng từ những đồng tiền chắt chiu của gia đình, để tiếp sức cho nhiều gia đình đang chống chọi với dịch bệnh. Cô giáo Hương xúc động, viết: “Anh là con người bình thường mà sao quá đỗi phi thường. Anh đã tiếp thêm niềm tin, niềm lạc quan vào cuộc sống tươi đẹp cho bản thân tôi”.

Hay cô giáo Trương Thị Kiều Oanh với bài viết “Kí ức Covid-19, Quận 8 vượt qua tâm dịch”, kể về những học sinh bơ vơ khi cha mẹ ông bà mất đi giữa đại dịch. Cô giáo chia sẻ: “Đến từng nhà, ngồi lại bên những học trò nhỏ, mình lặng đi, có lúc không biết nói gì, làm gì để vơi bớt nỗi đau thương trong lòng của các con. Mình rời đi rồi để mặc cho nước mắt rơi”…

Và, đó là những người làm công việc trong môi trường độc hại, xử lý triệt để chất thải có nguy cơ lây nhiễm ở công trường Đông Thạnh với sức nóng hầm hập và mùi hóa chất đậm đặc mà họ phải làm việc liên tục nhiều giờ qua bài viết “Nơi cuối cùng xử lý mầm bệnh” của Cao Tuấn, làm việc ở Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM.

Hay như cảm nhận của PGS.TS Phạm Thị Dung, Trưởng đoàn công tác Trường Đại học Y Dược Thái Bình, một đoàn công tác đặc biệt với 5 thầy cô và 245 sinh viên, đã tiếp sức cho TPHCM suốt 2 tháng trong tâm dịch. Tác giả bài “Chyến công tác đặc biệt trong đời” đã viết: “…nhưng vượt lên tất cả, dấu ấn chúng tôi không thể nào quên, đó là tính cách hào sảng, tấm chân tình của người Sài Gòn mà chúng tôi gặp mọi lúc, mọi nơi. Có ai đó từng nói “người Sài Gòn tánh kỳ” cứ thấy ai khó là giúp, dù mình chẳng dư giả gì nhiều. Không ồn ào, phô trương, những tấm lòng nhân ái cứ âm thầm lan tỏa, cùng vực nhau vượt qua đại dịch nhưng vẫn luôn rực rỡ ngọn lửa tình người, của trách nhiệm xã hội, của nghĩa đồng bào…”. Rồi bài “Mỗi phường xã là một pháo đài” của tác giả Trần Nguyễn Ngọc Phượng đang công tác ở Mặt trận Tổ quốc Phường 15, Quận 8, cũng ít nhiều phản ánh được vai trò, trách nhiệm của cả một mặt trận trong chiến dịch chiến đấu phòng, chống dịch bệnh đang ở khắp các khu dân cư.

Còn nhiều, rất nhiều những tấm gương thầm lặng mà kiên cường và tận tụy của đội ngũ bác sĩ, y tá, điều dưỡng, lao công ở các bệnh viện, nhất là các bệnh viện dã chiến để giành lại sự sống cho bệnh nhân và cả những sinh linh còn trong bụng mẹ, cũng như những hoạt động bền bỉ 24/24 của cả một hệ thống chính trị từ xã phường, quận huyện đến thành phố giúp cho người dân trong suốt thời gian chống chọi và vượt qua đại dịch.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM trao giải thưởng cho tác giả Nguyễn Bích Vàng và tác giả Trần Nguyễn Ngọc Phượng, đạt giải nhất Cuộc vận động viết về phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn) Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM trao giải thưởng cho tác giả Nguyễn Bích Vàng và tác giả Trần Nguyễn Ngọc Phượng, đạt giải nhất Cuộc vận động viết về phòng chống dịch Covid-19. (Ảnh: Thanhuytphcm.vn)

Và bây giờ, như một nén hương, qua các bài viết của mình, không chỉ để tham gia Cuộc vận động mà nhiều tác giả còn như để tưởng nhớ những người đã ra đi trong đại dịch. Họ là những nạn nhân của dịch bệnh, họ là những tình nguyện viên lao vào các công việc cứu người rồi nhiễm bệnh và vĩnh viễn ra đi để lại biết bao tiếc thương như bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn, người sắp về hưu, làm việc ở bệnh viện thuộc huyện Nhà Bè, đã bám trụ, dốc hết sức mình chữa trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19 và đã ra đi trong trọn vẹn một chữ tâm với nghề, với đời qua bài viết của tác giả Nguyễn Thị Mỹ Trinh, công tác ở Mặt trận Tổ quốc huyện Nhà Bè. Niềm xúc động còn được nhân lên qua bài thơ Tưởng niệm được Bác sĩ Đỗ Phước Thanh (Tự Hàn) - Khoa  Cấp cứu - Hồi sức tích cực và chống độc Bệnh viện Đa khoa Khu vực Long Khánh (Đồng Nai) tưởng nhớ bác sĩ Trịnh Hữu Nhẫn với những dòng thơ da diết:

Tôi chưa kịp về anh đã theo mây

những đám mây quặn thắt

những đám mây ngơ ngác

những đám mây thép gai cào cắt

Sài Gòn mưa trong lòng âm âm

Thế hệ tôi sinh ra sau chiến tranh

mất mát đau thương chiều dài tưởng niệm

nghe giặc giã như mặt trời đã lặn

ngờ đâu chiều nay mưa chín trời

lửa thiêu nỗi buồn tím ngắt quê hương

Anh ơi! ống nghe còn đây, áo blouse còn đây và cả hũ tro còn đây

sao anh chưa kịp nói một lời với mẹ, với vợ, với con đã theo loài mây trắng

Tim tôi như vỡ tan

nỗi đau thấm từng phế nang

từng thớ cơ

từng hồng cầu

từng nơ-ron

từng mao quản

ai chỉ cho tôi ụ đất nào ghi bia mộ tên anh

Tôi muốn ôm mưa pha hoàng hôn Bến Thành thật xanh

tôi muốn ôm mưa hòa tiếng chuông Nhà thờ Đức Bà thở dài ngằn ngặn

tôi muốn ôm mưa ngồi nghe đất khóc

Anh ơi!

Mai này tổ quốc ghi tên anh

mai này Sài Gòn nhớ về anh

người liệt sỹ trong thời bình có xác có thân mà không được về đất mẹ

người anh hùng áo trắng

xin thắp nén nhang lòng bái vọng tâm y.

“Ranh giới mong manh” là bài viết đầy xúc động của cô giáo Nguyễn Thị Bích Vàng ở Trường Tiểu học Hội An, Gò Vấp viết về nỗi tiếc thương người chồng chưa kịp cưới của mình, “một chiến sĩ áo xanh” đã hy sinh trong tuyến đầu chống dịch.

Rồi bài viết “Ước mơ của em là gì” với lòng biết ơn vô biên của em học sinh lớp 10 Nguyễn Nam An đang học Trường THPT Tam Phú, Thủ Đức khi kể về cô sinh viên Dương Thị Anh, Trường Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương, đã nuốt nước mắt vọng tang cha trong chuyến tình nguyện tham gia chống dịch tại thành phố chúng ta.

Những hy sinh thầm lặng mà lớn lao như thế trong đại dịch khó có thể kể hết, qua nhiều, rất nhiều bài viết hưởng ứng Cuộc vận động đã cho chúng ta một lần nữa, thấy rõ hơn những vất vả, gian nan, sự tận tụy hy sinh quá đỗi lớn lao cũng như khát vọng vươn lên của người dân TPHCM. Hàng ngàn bài viết hưởng ứng Cuộc vận động cũng chỉ thể hiện được một phần rất nhỏ trong cơn bão thương đau và đại dương yêu thương để chúng ta vượt qua và hướng tới tương lai tươi sáng của triệu triệu người Sài Gòn – TPHCM.

Giá trị mà các bài viết đem lại còn như là cách lưu giữ ký ức, những ký ức không thể lãng quên trong thử thách nghiệt ngã và còn là ký ức đáng nhớ của thành phố trong giai đoạn chống chọi và vượt qua đại dịch và đó còn là trang sử bi hùng trong quyển Lịch sử Thành phố Hồ Chí Minh, những trang sử vừa đau thương vừa đẹp đẽ bởi phẩm hạnh cao quý mà mỗi chúng ta cần nâng niu, giữ gìn và phát huy. 

Nhà văn Bích Ngân

Thành viên Ban giám khảo


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo