Chủ Nhật, ngày 13 tháng 7 năm 2025

Ký ức ngày 30/4 còn mãi…

Chú Vương Trọng Sùng (thứ hai từ trái sang) và các đồng đội cùng xem triển lãm chào mừng kỷ niệm 30/4 tại Phố đi bộ Nguyễn Huệ.

(Thanhuytphcm.vn) - 47 năm về trước, ngày 30/4/1975, có người ở chiến trường, có người ở hậu phương nhưng tựu trung lại vẫn là niềm vui khôn tả cho ngày toàn thắng, non sông thu về một mối.

Chú Vương Trọng Sùng (Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Quận 4) nhớ lại: Ngày 30/4 năm ấy mình đang là chiến sĩ của Trung đoàn 46, Sư đoàn 325, Quân đoàn 2 – thuộc cánh quân phía Đông Nam đã giải phóng Long Thành, Nhơn Trạch… tiến đến giải phóng Cát Lái (nay là TP Thủ Đức) – đang đóng quân ở căn cứ huấn luyện người nhái của chính quyền Sài Gòn. “Tin chiến thắng đưa đến, tôi không thể nào diễn tả nỗi cảm xúc, vui mừng và phấn khởi khi chiến tranh chấm dứt rồi, đất nước ta hoàn toàn độc lập. Đồng thời cũng tiếc thương cho đồng đội mình. Riêng trung đoàn của tôi có 108 cán bộ, chiến sĩ đã ngã xuống trước cửa ngõ Sài Gòn” – chú Vương Trọng Sùng kể.

47 năm sau ngày thống nhất, khí thế hào hùng của những ngày tháng 4 năm ấy vẫn ở trong chú thật sống động. “Vui nhất là TPHCM đã có những thay đổi rất đáng trân trọng mà nhiều người đi xa về cũng ngỡ ngàng. Nối tiếp người đi trước, các thế hệ sau đã tái kiến thiết TP và tạo nên những tiến bộ vượt bậc không ngờ.” – chú Vương Trọng Sùng xúc động chia sẻ.

Cô Lê Thị Thanh luôn kỳ vọng rất cao ở thế hệ trẻ hôm nay. Cô Lê Thị Thanh luôn kỳ vọng rất cao ở thế hệ trẻ hôm nay.

Còn cựu chiến binh Nguyễn Quang Anh (ngụ ở Quận 4) không thuộc quân số tiến về Sài Gòn mà nhận nhiệm vụ ở lại chiếm đóng và bảo vệ Long Khánh cũng không kìm được xúc động khi nhận tin vào trưa 30/4/1975. “Đến 1/5, tôi đã có mặt ở Sài Gòn, vô tới Quang Trung là đóng quân ở đó luôn. Cũng từng ấy năm chứng kiến những thay da đổi thịt của Sài Gòn - TPHCM và đất nước, mỗi năm kỷ niệm hồi tưởng lại ngày ấy đến hôm nay cũng xem như mãn nguyện rồi, chỉ kỳ vọng vào thế hệ trẻ nối tiếp được truyền thống của người đi trước.” - chú Nguyễn Quang Anh bày tỏ.

“Từ Hải Phòng, nghe tin Sài Gòn giải phóng rồi, tất cả đều xúc động, chiến tranh mấy chục năm rồi cũng qua, cũng là mong muốn của toàn dân và của Bác Hồ. Tôi có anh rể là người miền Nam tập kết ra Bắc nên càng hiểu rõ giá trị của chiến thắng, của hòa bình.” – cô Đàm Thị Nguyệt Minh (Hội Cựu chiến binh phường Bến Thành, Quận 1) nhớ lại. Đến năm 1980, cô chuyển công tác vào TPHCM, tận mắt chứng kiến những công trình mới mọc lên, đường sá, cầu cống, các tòa cao ốc được dựng xây. TPHCM chuyển mình mạnh mẽ cùng với cả nước, từ nông thôn đến thành thị, đều với khí thế tiến lên, bắt kịp cùng các nước.

Cô Đàm Thị Nguyệt Minh chụp ảnh kỷ niệm dịp 30/4/2022. Cô Đàm Thị Nguyệt Minh chụp ảnh kỷ niệm dịp 30/4/2022.

Cũng là người ở hậu phương, cô Lê Thị Thanh không thể nào quên bản thân mình và người dân tỉnh Bắc Thái (Thái Nguyên ngày nay) đã xuống đường nhảy múa, hát vang những bài ca chiến thắng vào trưa 30/4/1975. “Mừng rơi nước mắt. Từ năm 1964, chồng tôi và em trai tôi đều vào Nam chiến đấu, nhiều bà con, họ hàng cũng vậy. Có người nhận được tin người thân tử trận nhưng thống nhất rồi thì nhận được tin người thân còn sống trở về, niềm vui càng dâng trào” – cô Lê Thị Thanh chia sẻ. Năm 1976, cô vào tiếp quản công tác ngân hàng, nhìn thấy một TP còn mang đậm dấu vết chiến tranh với bao ngổn ngang của chế độ cũ để lại. “47 năm Đảng bộ và nhân dân TPHCM đã nỗ lực lao động, sáng tạo để thay đổi diện mạo, đường sá phát triển, nhiều công trình mới để hôm nay có một đô thị đặc biệt lớn mạnh như thế. Giờ trông cậy vào các bạn trẻ tiếp tục học hành, nghiên cứu thật tốt, nghĩ đến những khó nhọc, máu xương của người đi trước dày công vun đắp đất nước với nhiều thành quả mà các cháu thừa hưởng hôm nay để thêm tự hào mà bảo vệ những thành quả đó”, cô Lê Thị Thanh kỳ vọng.

Ngày 30/4 năm ấy, cô Nguyễn Thị Súng không trực tiếp tham gia chiến đấu nhưng đã cùng bộ đội địa phương tích cực lo công tác hậu cần, đưa các lực lượng tiến vào Sài Gòn. Đất nước thống nhất, cô tiếp tục gắn bó với quê hương “bưng 6 xã” anh dũng của mình. Cũng chừng ấy năm, cô âm thầm vận động chăm lo cho những đồng đội năm xưa còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Trong đợt bùng dịch Covid-19 lần thứ tư tại TP, cô Nguyễn Thị Súng đã nấu gần 20.000 suất cơm cho lực lượng tuyến đầu. Ban đầu chỉ nấu cho lực lượng dân quân của phường Tăng Nhơn Phú B vì “thấy các cháu vất vả quá, nhưng rồi nhìn thấy công an, bộ đội, y tế, đoàn thanh niên… ai cũng vất vả nên mỗi ngày các suất cơm cứ tăng dần”…

Vẫn còn vô vàn những người cựu chiến binh luôn ghi khắc trong lòng ngày 30/4 năm ấy và xem đấy như động lực tiếp tục phấn đấu, góp sức xây dựng TPHCM, xây dựng đất nước giàu đẹp, tự cường vì đã từng đi qua khói lửa chiến tranh thì không gì quý hơn độc lập, tự do.

Minh Khang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo