Thứ Bảy, ngày 30 tháng 11 năm 2024

Kỷ niệm 70 năm Ngày toàn quốc kháng chiến (19/12/1946 - 19/12/2016)“Thà hy sinh chứ nhất định không chịu lùi bước”

Đồng chí Trần Văn Khá, nguyên Chánh Văn phòng tỉnh Chợ Lớn, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Sông Bé kể về thời kỳ lịch sử Ngày toàn quốc kháng chiến. Ảnh: Thiên Linh

(Thanhuytphcm.vn) – “Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến là lời hịch cứu nước, thể hiện ý chí quyết tâm sắt đá của cả dân tộc, khơi dậy sức mạnh chủ nghĩa yêu nước, truyền thống anh hùng bất khuất; động viên, thôi thúc, cổ vũ toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta bước vào cuộc kháng chiến giành lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đối với quân và dân Nam bộ, lời kêu gọi càng làm cho nhân dân thấy rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, như tiếp thêm sự hăng say, lòng quyết tâm đánh đuổi quân thù” - ông Trần Văn Khá (SN 1923), nguyên Chánh Văn phòng tỉnh Chợ Lớn, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Sông Bé (hiện nay đang sinh sống tại quận Thủ Đức, TPHCM) khẳng định khi kể về những thời khắc lịch sử thiêng liêng - ngày 19/12 của 70 năm về trước.

Theo ông Trần Văn Khá, đối với Nam bộ, trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến thì quân và dân Nam bộ đã sẵn sàng bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ chống xâm lược. Ông rành rọt kể: Từ đầu năm 1946, Huyện ủy Trung Quận thuộc Tỉnh ủy Chợ Lớn đã xây dựng làng căn cứ đầu não kháng chiến của tỉnh Chợ Lớn và thành phố Sài Gòn. Đây còn là nơi tập trung nhiều cơ quan, là nơi đặt trường Mác - Lê Nin đầu tiên của tỉnh. Đặc biệt trong khu trung tâm căn cứ có hai cái “láng” (vũng nước cạn, rộng, nhiều cây cỏ thủy sinh) hội tụ các giống chim đồng nước nên gọi là Láng Le - Bàu Cò, là nơi đã diễn ra trận đầu ngày 1/4/1946 (ta diệt 15 tên lính Pháp), báo trước những trận đánh ác liệt sẽ diễn ra tại đây.

Hưởng ứng lời kêu gọi, quân và dân Nam bộ đã khí thế lại càng khí thế sục sôi hơn, người người, nhà nhà đều tham gia kháng chiến. Thanh niên thì hăng hái gia nhập quân đội, người thì tham gia làm giao liên, người thì tham gia giữ trật tự an ninh…“Lúc đó, tôi 23 tuổi, đang là giáo viên. Hưởng ứng lời kêu gọi, tôi đã không ngần ngại tham gia cách mạng, gia nhập quân đội ngay” - ông Trần Văn Khá cho biết và tiếp tục câu chuyện của mình: Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến càng làm cho nhân dân Việt Nam thấy rõ dã tâm xâm lược của thực dân Pháp, như tiếp thêm sự hăng say, lòng quyết tâm đánh đuổi quân thù của quân và dân Nam bộ. Ngay sau khi Bác Hồ ra lời kêu gọi, các lực lượng quân sự liên tiếp được thành lập, hàng loạt các tổ chức ra đời như: Tổ chức Thanh niên cứu quốc, Liên hiệp Công đoàn, Hội Phụ nữ cứu quốc, Người công giáo kháng chiến, Cao Đài kháng chiến… Từ chỗ còn rời rạc, manh mún, các lực lượng được tập hợp lại tạo thành sức mạnh quân sự to lớn với quyết tâm sắt đá: Tiêu diệt quân xâm lược, giải phóng dân tộc.

Ông dẫn chứng: Tháng 5 năm 1947, thực hiện Chỉ thị 4/NV của Ủy ban Kháng chiến hành chính Nam bộ, hơn 6.000 viên chức, có khoảng 5.000 thợ chuyên môn và giáo chức ở đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn ra chiến khu. Ở các huyện, xã, lần lượt thành lập huyện đội dân quân, xã đội dân quân. Về lực lượng, trên chiến trường khu, tỉnh đã có lực lượng vũ trang địa phương ba cấp: bộ đội tập trung tỉnh, trung đội du kích tập trung huyện và dân quân du kích xã. Bộ đội tỉnh và du kích tập trung huyện, liên xã thoát ly sản xuất, còn dân quân du kích xã, ấp không thoát ly sản xuất. Ở nhiều địa phương, hình thức tổ chức dân quân du kích lại có những sáng tạo riêng nhằm phát triển được lực lượng và đảm bảo sản xuất tốt.

Nhớ lại những ngày đầu lịch sử ấy, đồng chí Trần Văn Khá không giấu được niềm hăng say của một thời tuổi trẻ sôi sục khí thế cách mạng: “Không gì có thể làm sờn lòng, làm lung lay ý chí chống giặc ngoại xâm của đám thanh niên chúng tôi lúc đó. Tất cả đều có cùng một lòng quyết tâm: Thà hy sinh chứ nhất định không chịu lùi bước!. Ngay cả khi địch sử dụng chiêu trò tung tin rằng tất cả chúng tôi đã đầu hàng, làm lung lay ý chí của người thân, của gia đình và của chiến sĩ cách mạng thì sự quyết tâm đó cũng không hề lay chuyển”.

Hồi ức sống động và mãnh liệt nhất đối với ông Trần Văn Khá, ngoài trận đánh mở màn ở Láng Le - Bàu Cò, chính là những trận đánh ở căn cứ Vườn Thơm. “Thời điểm đó, khu căn cứ có tầm quan trọng nhất tiếp cận Thành ủy Sài Gòn ở phía tây là Vườn Thơm, nơi trở thành căn cứ nổi tiếng suốt cuộc kháng chiến. Căn cứ này do Tỉnh ủy Chợ Lớn trực tiếp chỉ đạo việc xây dựng. Từ tháng 5 đến tháng 9 năm 1948, không kể những trận càn nhỏ, quân Pháp đã mở hai cuộc tiến công lớn vào Vườn Thơm. Bằng lối đánh gần, quân ta gây thiệt hại cho địch, nhưng cũng hy sinh nhiều, chủ yếu do đạn pháo của chúng” – ông Khá cho biết.

Đất nước thống nhất, trở về với cuộc sống thời bình, thế nhưng những kỳ tích, khí phách, những kỷ niệm của những ngày Toàn quốc kháng chiến đối với những chiến sĩ cách mạng như ông Trần Văn Khá vẫn còn in mãi trong tâm trí. Với phẩm chất của người chiến sĩ cách mạng, sau khi đất nước thống nhất, hòa bình lập lại, ông Trần Văn Khá vẫn tiếp tục cống hiến công sức, trí tuệ của mình vào sự phát triển của địa phương, của TPHCM.

“Kỷ niệm 70 năm Ngày Toàn quốc kháng chiến là dịp để chúng ta ôn lại và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào, tự tôn dân tộc, quyết tâm vượt qua khó khăn, thách thức thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước. Mỗi người trẻ hôm nay, hãy tiên phong, hãy dấn thân, không ngại khó, không ngại khổ vì một TPHCM phát triển, vì một Việt Nam thịnh vượng. Những gì có thể làm được thì làm, cống hiến được gì thì hãy cống hiến. Dù ở đâu, làm gì cũng phải nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt nhất phần việc được giao phó. Đó là sự tri ân to lớn nhất dành cho các thế hệ cha ông đã hy sinh xương máu của mình để mang lại nền độc lập, hòa bình, tự do, ấm no cho đất nước Việt Nam hôm nay” – người đảng viên trung kiên với 70 tuổi Đảng, gần 95 tuổi đời Trần Văn Khá nhắn nhủ đến thế hệ trẻ.

Thiên Linh

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo