Cô Ba Định với các nữ đại biểu dự Đại hội Anh hùng - Chiến sĩ thi đua miền Nam lần thứ 2, tháng 9/1969. (Ảnh: Tư liệu) Tên tuổi cô Nguyễn Thị Định - nữ tướng của Thời đại Hồ Chí Minh - đi vào lịch sử như một huyền thoại. Cuộc đời, sự nghiệp, khí chất, tinh hoa của người phụ nữ ấy gắn với cách mạng, với Nam bộ, hiện thân cho vẻ đẹp thuần khiết, tuyệt vời của phụ nữ Việt Nam. Như một sự sắp đặt của lịch sử, Nguyễn Thị Định gắn với dấu ấn tàu không số đầu tiên, với cuộc Đồng khởi Bến Tre vang dội, với đội Quân Giải phóng anh hùng...
Người phụ nữ ấy là con út trong gia đình có 10 anh em, được anh ruột giác ngộ cách mạng, năm 16 tuổi đã đi làm giao liên và hai năm sau được kết nạp vào Đảng. Trong quá trình hoạt động, cô Nguyễn Thị Định được tổ chức tác hợp, xây dựng gia đình với người đồng chí tên là Nguyễn Văn Bích, Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre. Khi con được 3 ngày tuổi thì người chồng bị bắt. Người vợ trẻ có ẵm con đi thăm chồng được một lần, rồi sau đó không lâu thì được tin người chồng đã hy sinh ngoài Côn Đảo.
Mới 20 tuổi, chồng mất, vừa nuôi con, vừa hoạt động, đến lượt mình lại bị bắt giam cầm lúc con trai chưa đầy 7 tháng, bị biệt giam rồi bị đày lên Bà Rá. 3 năm bị giam cầm, cô Ba Định cho rằng, nhà tù cũng là trường học, “lên Bà Rá, tôi như được dự lớp huấn luyện Mác-xít chính quy, ở đó có bao anh chị đã dạy tôi, ở đó có những giáo sư đỏ”. Sau khi ra tù, cô về lại Bến Tre tiếp tục hoạt động và tham gia cướp chính quyền 1945.
Tháng 3-1946, cô Ba cùng Giáo sư Ca Văn Thỉnh và một số đồng chí làm cuộc hành trình bằng ghe bầu vượt biển ra Bắc báo cáo tình hình chiến trường và xin vũ khí. Lần đi này cô Ba được gặp Bác Hồ, được ăn cơm và nói chuyện miền Nam với Bác. Bác đã hỏi han từng người trong đoàn, tình hình và đời sống đồng bào và khen ngợi Nam bộ có sáng kiến mở con đường vận chuyển trên biển. Theo ý Bác, cô Ba Định cùng một số thành viên được dự lớp học nghị quyết của Trung ương về tình hình nhiệm vụ mới, rồi nhận lãnh tài liệu, vũ khí để sớm trở về. Chuyến trở về đến rừng Thạnh Phú, Bến Tre an toàn trong niềm vui có thêm vũ khí đánh giặc... Khi về, cô kể lại: “Ra đó, tôi chỉ chăm bẵm xin vũ khí. Gặp Bác không nói được nhiều mà khóc nhiều. Bác cũng không cầm nước mắt khi nhắc đến đồng bào miền Nam còn nhiều khó khăn, gian khổ”. Nhờ lúc nhỏ từng quen sóng gió và bơi thuyền thúng rất giỏi nên cô Ba thuận lợi hơn những người cùng đi và không bị say sóng.
Với sự phấn đấu kiên cường, cô Ba được tin cậy và được giao nhiệm vụ Phó Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre năm 1959, rồi sau đó làm Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Mặt trận Giải phóng tỉnh. Năm 1960, cô chỉ đạo phong trào Đồng khởi, vận dụng sáng tạo Nghị quyết 15, với tinh thần chống lại bạo lực bằng bạo lực, cùng với sức mạnh chính trị, với Đội quân tóc dài độc đáo của Bến Tre. Từ 3 xã điểm là Bình Khánh, Phước Hiệp, Định Thủy (Mỏ Cày), phong trào lan ra cả Cù lao Minh và toàn tỉnh Bến Tre. Cuộc Đồng khởi Bến Tre và một số tỉnh nổ ra có tác động mạnh mẽ, tạo nên khí thế mới đối với chiến trường miền Nam lúc bấy giờ.
Năm 1961, cô Ba được điều về Bộ Tư lệnh miền Nam. Và năm 1965 được phong Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh miền Nam. Bấy giờ, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh cho rằng: “Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ”. Lúc sinh thời, Bác Hồ nói: “Phó Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam, cho cả dân tộc ta”. Trong chiến tranh giữ nước hiện đại, nữ tướng Nguyễn Thị Định hoàn toàn có đủ điều kiện đảm đương nhiệm vụ được giao bởi vốn sống phong phú trong phong trào nhân dân đánh giặc. Hình ảnh một vị tướng giản dị, với chiếc áo bà ba, khăn rằn quàng cổ, ngồi vá áo cho chiến sĩ, tự nói lên tất cả vẻ đẹp thanh cao, trong ngần, ấm áp, thân thương.
Năm 1982, cô Ba giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế. Các chỉ đạo về phong trào phụ nữ của cô rất sát với thực tiễn bấy giờ. Năm 1986, cô Ba là Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Những người cộng sự với cô Ba đều cho rằng: Cô luôn bênh vực và sẵn sàng can thiệp những vụ oan ức, nhất là đất đai, luôn muốn nghe cho rõ, cần thì đi tận nơi, không ngại bày tỏ chính kiến. Với đôi chân mày đậm, đôi mắt đen tròn, vẻ mặt cương nghị, cách ăn nói chân chất, mộc mạc, cô Ba có cách thuyết phục từ phẩm chất, khí chất của mình và từ thực tiễn cuộc sống.…
Sau ngày mất, cô Ba được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang. Nhân dân Hát Môn, Hà Tây rước bát hương vị nữ tướng Thời đại Hồ Chí Minh về thờ trong Đền Hai Bà Trưng. Trong Khu lưu niệm Nguyễn Thị Định được xây dựng khang trang, ấm cúng ở Lương Hòa, Giồng Trôm, Bến Tre có khắc câu nói ấn tượng của Giáo sư Trần Văn Giàu: “Những người như chị sống làm tướng, chết thành thần”. Tên Nguyễn Thị Định được đặt nhiều con đường, trường học ở Việt Nam. Ở Cuba cũng có làng mang tên Nguyễn Thị Định. Với 72 tuổi đời, 56 năm hoạt động cách mạng, cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ của nữ tướng Nguyễn Thị Định đã nêu là tấm gương sáng về đức hy sinh, lòng nhân hậu, một người phụ nữ tài đức vẹn toàn.
Mộ phần cô Ba Định nằm ở Nghĩa trang TPHCM, được nhiều người lui tới thắp hương. Phần dưới tấm bia tưởng niệm có để tên người con trai yêu quý Nguyễn Ngọc Minh, với cái tên thường gọi là On. On được tập kết ra Bắc, và trong một cơn đau ruột không cứu kịp, giờ chót On đã không gặp được mẹ mình.
Giờ đây, quê hương Đồng khởi Bến Tre đang dậy lên một tinh thần “Đồng khởi Mới” nhằm tạo nên những dấu ấn mới trong thời kỳ xây dựng. 3 cù lao giờ đã nối liền và nối Bến Tre với cả vùng, với cả nước. “Tinh thần Đồng khởi” đang tiếp tục tạo nên những động lực mới, những kỳ tích mới. Và hình ảnh cô Ba - một nhà lãnh đạo kiên trung, dung dị của “Nam Bộ thành đồng” như luôn mãi đồng hành với những biến đổi lớn lao vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh trên đất nước Việt Nam.
Phạm Phương Thảo
(Theo SGGP)