GS-TS Hoàng Chí Bảo, nói: Trước hết, cần xác định chủ trương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên thành phố mang tên Bác là một chủ trương mang ý nghĩa lịch sử, chính trị và văn hóa rộng lớn, sâu sắc. Đó là trù tính có tầm quan trọng chiến lược lâu dài trong tổng thể phát triển TPHCM thành một thành phố hiện đại, văn minh xứng tầm khu vực và thế giới trong bối cảnh hội nhập quốc tế. TPHCM sẽ đi tiên phong thực hiện khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, dân tộc cường thịnh, trường tồn.
Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
* Thưa Giáo sư, quan điểm trong thực hiện chủ trương mang ý nghĩa lịch sử, chính trị và văn hóa đặc biệt này cần chú trọng đến vấn đề gì?
GS-TS Hoàng Chí Bảo: Theo tôi, chủ trương này cần có sự quan tâm chỉ đạo đặc biệt thường xuyên của Thành ủy TPHCM, sự đầu tư các nguồn lực vật chất và tình hình đủ mạnh bằng nguồn đầu tư của chính quyền thành phố, sự hỗ trợ của Trung ương cùng với huy động các nguồn lực từ cộng đồng xã hội. Chủ trương đó phải biến thành chương trình hành động cụ thể và sáng tạo, có các chính sách đồng bộ, toàn diện về kinh tế xã hội, văn hóa và con người. Đồng thời, đáp ứng các điều kiện thực hiện sao cho có hiệu quả về nhiều mặt, nhất là tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa xã hội trong mọi thế hệ, thúc đẩy hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử dân tộc, truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng, giáo dục lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc; bồi dưỡng tình cảm cao quý và niềm tin của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân đối với Đảng, với Bác Hồ; làm nổi bật những sự kiện và tình cảm của Bác Hồ đối với mọi thế hệ. “Miền Nam trong trái tim tôi”, “Miền Nam với Bác và Bác với miền Nam” phải là điểm nhấn trong sự cảm thụ văn hóa tinh thần toát lên từ các không gian văn hóa Hồ Chí Minh, từ Bến Nhà Rồng, Bảo tàng Hồ Chí Minh đến mọi thiết chế văn hóa khác: Thư viện, rạp hát, vườn hoa, công viên, tượng đài Hồ Chí Minh, hệ thống các nhà trường, từ cơ sở tới quy mô toàn thành phố.
Chủ trương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên thành phố mang tên Bác là một chủ trương mang ý nghĩa lịch sử, chính trị và văn hóa rộng lớn, sâu sắc. (ảnh minh họa) * Xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh theo quy mô và phát triển ra sao, thưa Giáo sư?
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên mọi địa bàn thành phố sẽ là nơi diễn ra các hoạt động giáo dục, tuyên truyền, sinh hoạt văn hóa cộng đồng, thu hút mọi đối tượng người dân, giới thiệu với khách tham quan, du lịch đối với đồng bào các địa phương và đối với khách nước ngoài. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên thành phố mang tên Bác với đủ mọi loại hình, quy mô khác nhau, đem lại dấu ấn văn hóa - lịch sử đặc thù, điểm xuất phát và nơi hội tụ cảm xúc và niềm tự hào về Đất và Người Sài Gòn giàu tiềm năng sáng tạo, tư duy đổi mới khoáng đạt, con người thân thiện, nghĩa tình. Nhân dân TPHCM có vinh dự thay mặt đồng bào cả nước chứng kiến và tiễn đưa người con ưu tú Nguyễn Tất Thành đi tìm đường cứu nước, cứu dân, đem lại sự đổi đời, tạo ra bước ngoặt căn bản thay đổi số phận dân tộc và triển vọng tươi sáng của dân tộc Việt Nam. Sự phát triển đó có ánh sáng soi đường, dẫn đường của Hồ Chí Minh cho dân tộc đi tới bến bờ văn minh, hạnh phúc trong thế kỷ XX, trong thời đại Hồ Chí Minh. TPHCM vì cả nước và cả nước cũng kỳ vọng đối với thành phố mang tên Bác. Cần huy động rất nhiều tài năng, tâm huyết, sức lực và mọi nguồn lực cho sự kiến tạo văn hóa đặc biệt này.
Gắn không gian văn hóa Hồ Chí Minh với những không gian văn hóa khác
* Có ý kiến cho rằng, không gian văn hóa Hồ Chí Minh tại TPHCM không thể tách rời với các không gian văn hóa khác. Giáo sư có nhận định gì về ý kiến này?
Không gian văn hóa Hồ Chí Minh là trường học để rèn luyện tư tưởng, đạo đức, phong cách của Bác cho cán bộ, đảng viên và nhân dân. (ảnh minh họa) Vấn đề này tôi đã có lần đề cập đến, với quan điểm xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên thành phố mang tên Bác cần phối hợp, kết nối nhịp nhàng với những không gian văn hóa khác trong cả nước, in dấu đậm nét tiểu sử cuộc đời và sự nghiệp Hồ Chí Minh trong mọi thời kỳ lịch sử. Đó là quê hương Nam Đàn - xứ Nghệ, vùng đất địa linh nhân kiệt đã sinh ra Người - Anh hùng giải phóng dân tộc và nhà văn hóa kiệt xuất. Đó còn là cái nôi của dòng họ ngoại - ông ngoại Hoàng Xuân Đường của Bác Hồ. Thôn Văn Nội, xã Hồng Tiến, huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên, nơi ấy bây giờ có nhà thờ Mẹ Hoàng Thị Loan - thân mẫu của Người. Câu đối từ nhà thờ quê nội Làng Sen, quê ngoại làng Chùa (Hoàng Trù) đã được đưa về đây với bao niềm cảm xúc thiêng liêng: “Hoàng Vân chính khí truyền thiên cổ; Chung cự hùng thanh ức Vạn niên; Thiên thu phúc đức sinh minh Thánh”. Mảnh đất Hưng Yên còn in dấu chân Người. Người đã về Hưng Yên tới 9, 10 lần gắn bó với dân làng, quan tâm chỉ đạo tỉnh, huyện và xã làm tất cả vì cơm ăn, áo mặc, nhà ở, học hành của người dân.
* Việc gắn kết không gian văn hóa tại nhiều địa phương in dấu chân lịch sử của Bác nữa, thưa Giáo sư?
Còn nhiều địa phương in dấu chân lịch sử của Bác, đó là đầu nguồn Pắc Bó (Cao Bằng), Người đã đặt chân tới đây và gây dựng phong trào cách mạng khi thời điểm cứu nước, tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân đã đến gần. Đó cũng là nơi ra đời quyết định lịch sử của hội nghị Trung ương 8, chuyển hướng chiến lược, đặt giải phóng dân tộc lên hàng đầu, “đem sức ta mà tự giải phóng cho ta”. Người đã viết “Lịch sử nước ta” bằng thơ để làm tài liệu giáo dục cán bộ và nhân dân lòng yêu nước. Người cùng Trung ương quyết định thành lập “Việt Nam độc lập đồng minh” (Việt Minh), nêu cao Đoàn kết, Đại đoàn kết để cách mạng thành công, đại thành công. Tại đây - đầu nguồn của cách mạng, Người đặt tên “Núi Các Mác”, “Suối Lê Nin”, rồi tự tay vẽ tượng Phật trên vách núi cho dân thờ, vào tận làng bản, xóm thôn làm dân vận. Đó là những địa danh lịch sử mà cũng là những sự kiện văn hóa nổi bật.
Cùng với Pắc Bó còn là Sơn Dương, Tuyên Quang với lán Nà Nưa với biết bao sự kiện lịch sử sôi động, quyết định vận Đảng, vận nước. Hội nghị toàn quốc của Đảng (14 – 15/8/1945), quốc dân Đại hội Tân Trào (16 – 17/8/1945 đã đi vào lịch sử, hiện rõ vị thế của Đảng cầm quyền và sự sinh thành chế độ Cộng hòa dân chủ đầu tiên mà Hồ Chí Minh in dấu đặc biệt của thiên tài. Trong lịch sử cuộc trường chinh kháng chiến kiến quốc còn phải nhắc đến Việt Bắc, an toàn khu Định Hóa, Thái Nguyên cũng như Sơn Dương, Tân Trào, Tuyên Quang mà Người gắn bó máu thịt với đồng bào các dân tộc, làm nên sự nghiệp lớn của dân tộc. Không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên thành phố mang tên Bác còn phải đặc biệt gắn liền, kết nối với Thủ đô Hà Nội - nơi có quảng trường Ba Đình lịch sử - nơi Người đọc Tuyên ngôn Độc lập - khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa…
Truyền cảm xúc về Người trong tâm hồn mọi người dân của TPHCM và cả nước
* Việc tổ chức hoạt động tại các không gian văn hóa Hồ Chí Minh ra sao, thưa Giáo sư?
Trong triển khai xây dựng và tổ chức các hoạt động tại các không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần chú trọng phát huy vai trò nòng cốt các cơ quan quản lý và lực lượng xã hội có tiềm năng về giáo dục, văn hóa của thành phố. (ảnh minh họa) Cần chú trọng phát huy vai trò nòng cốt của các cơ quan quản lý và các lực lượng xã hội có tiềm năng về giáo dục, văn hóa của TPHCM trong triển khai xây dựng và tổ chức các hoạt động tại các không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên các địa bàn thành phố. Đó là ngành văn hóa, thể thao, du lịch, thông tin truyền thông, báo chí, ngành giáo dục - đào tạo, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội cựu chiến binh và các đoàn thể quần chúng trong MTTQ thành phố. Việc phát huy tác dụng các không gian văn hóa Hồ Chí Minh phải làm thường xuyên, nhất là tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, nhân các ngày lễ lớn hàng năm.
* Vai trò của văn học, nghệ thuật trong các không gian văn hóa Hồ Chí Minh ra sao, thưa Giáo sư?
Cần chủ động phát huy tài năng sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ trong sáng tác và biểu diễn các tác phẩm thuộc mọi loại hình nghệ thuật để khắc họa hình tượng Hồ Chí Minh, truyền cảm hứng và cảm xúc về Người trong tâm hồn mọi người dân của TPHCM và cả nước. Trong các loại hình nghệ thuật đó cần chú trọng đặc biệt tới âm nhạc, sân khấu, điện ảnh vốn có sức biểu cảm mạnh mẽ, lâu bền trong đời sống tinh thần của nhiều tầng lớp dân chúng. Mặt khác, cần có kế hoạch cụ thể và thực hiện công phu trong xây dựng môi trường cảnh quan theo các chuẩn mực văn hóa, tạo sức hấp dẫn lớn đối với người dân thành phố và mọi miền đất nước khi đến với TPHCM - một thành phố xanh - sạch - đẹp - một quần thể văn hóa vật thể và phi vật thể với các công viên, vườn hoa, tượng đài, bảo tàng, nhà hát, các trung tâm văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thể thao… xứng tầm với thành phố mang tên Bác. TPHCM phải là một thành phố văn hóa và con người sống, làm việc trên thành phố mang tên Bác phải là con người văn hóa, thân thiện, nghĩa tình đủ sức gây ấn tượng tốt đẹp trong lòng mọi người đến từ khắp mọi miền. Đó là điều cần thiết phải đạt tới trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên thành phố mang tên Bác.
Sinh thời, Người có nói, với Người, đâu cũng là quê hương. Cho nên, không gian văn hóa Hồ Chí Minh từ lâu đã là một không gian mở, liên kết Nhà - Làng - Nước truyền thống với Tổ quốc - Dân tộc - Nhân loại thời hiện đại để chúng ta nghĩ về Người, nhớ tới Người và nguyện mãi mãi xứng đáng với Người. TPHCM sẽ xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh sao cho thể hiện tốt nhất tư duy đổi mới sáng tạo, tư duy phát triển bền vững và tư duy hội nhập quốc tế rộng mở, thành công.