Báo cáo trước đoàn giám sát, Phó Chánh Thanh tra TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thủy cho biết, giai đoạn 2016-2021, Thanh tra TP đã tiếp nhận 10.187 đơn khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị. Thanh tra TP đã tham mưu giải quyết 100% đơn thuộc thẩm quyền. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã thu hồi cho nhà nước hơn 3,4 tỷ đồng; trả lại cho tổ chức, cá nhân hơn 13,2 tỷ đồng và hơn 1.100m2 đất; xử lý kỷ luật 9 cá nhân và 7 tổ chức.
Theo Phó Chánh Thanh tra TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thủy, nhiều trường hợp khiếu nại, tố cáo đã được xem xét giải quyết nhưng người dân vẫn liên tục yêu cầu được lãnh đạo Thanh tra TP tiếp xúc làm việc lại. Phó Chánh Thanh tra TPHCM Nguyễn Thị Thanh Thủy kiến nghị cần ban hành quy trình xử lý, giải quyết đơn thư phản ánh, kiến nghị. Vì đây là lượng đơn phát sinh lớn và có ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát sinh đơn thư khiếu nại, tố cáo.
Cũng tại buổi giám sát, Phó Chánh văn phòng UBND TPHCM, kiêm Trưởng Ban tiếp công dân TP Nguyễn Ngọc Cường cho biết, giai đoạn 2016-2021, lãnh đạo UBND TP tiếp dân định kỳ 44 ngày, giải quyết được 33/51 vụ việc.
Trưởng Ban tiếp công dân TP Nguyễn Ngọc Cường phát biểu tại buổi giám sátBan tiếp công dân TP cũng tiếp thường xuyên hơn 9.000 lượt công dân riêng lẻ, nhận mới hơn 2.200 đơn. Với các đoàn đông người, Ban đã tiếp 807 đoàn với hơn 27.000 lượt công dân. Qua phân loại, có gần 3.000 trường hợp công dân khiếu nại, 963 trường hợp tố cáo và hơn 6.000 trường hợp kiến nghị, phản ánh. Ban đã xử lý gần 23.000 đơn, đạt 100%.
Với tính chất công việc ở một đô thị lớn phức tạp như TPHCM, đồng chí Nguyễn Ngọc Cường kiến nghị điều chỉnh Luật Tiếp công dân theo cơ chế mở, cho phép người đứng đầu được ủy quyền hoặc phân công cho cấp phó trong thực hiện việc tiếp công dân định kỳ theo lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý nhằm nâng cao hiệu quả việc tiếp xúc, giải quyết khiếu nại, tố cáo theo sát nội dung, nguyện vọng cho người dân đặt ra.
Đồng thời, thay vì quy định số ngày tiếp công dân trực tiếp trong 1 tháng thì kiến nghị quy định số ngày tối thiểu trong năm người đứng đầu cơ quan nhà nước phải thực hiện tiếp công dân trực tiếp tại Trụ sở tiếp công dân nhằm giảm thiểu các trường hợp né tránh việc tiếp công dân và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu.
Theo Trưởng Ban tiếp công dân TP Nguyễn Ngọc Cường, hiện nay, chưa có quy định và hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền về quy trình giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh của công dân, do đó việc xử lý, giải quyết đơn thư kiến nghị, phản ánh trên địa bàn TP chưa thống nhất, có trường hợp để kéo dài. Do đó kiến nghị Thanh tra Chính phủ cần có quy định, hướng dẫn cụ thể đối với nội dung nêu trên để thống nhất thực hiện trên cả nước.
Bên cạnh đó, cần có quy định và hướng dẫn cụ thể trong việc xử lý vi phạm quy định tại Điều 6 Luật Tiếp công dân về những hành vi bị nghiêm cấm và một trong số các hành vi đó thường xuyên xảy ra tại nơi tiếp công dân là “đe dọa, xúc phạm cơ quan, tổ chức, đơn vị, người tiếp công dân, người thi hành công vụ” và những trường hợp gây mất an ninh, trật tự tại cơ quan Nhà nước; bảo đảm cơ sở pháp lý trong thực hiện biện pháp chế tài các trường hợp vi phạm.
Tại buổi giám sát, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Kiểm tra Thành ủy TPHCM Phan Thị Bình Thuận cho rằng, nếu có cơ chế phối hợp tốt sẽ tránh chuyển đơn lòng vòng, giảm thời gian công sức xử lý. Theo đồng chí Phan Thị Bình Thuận, vai trò của hai cơ quan này rất quan trọng, nếu tiếp công dân tốt, giải thích đầy đủ cặn kẽ cho người dân hiểu, giải tỏa bức xúc vướng mắc thì sẽ giúp cho người dân giảm bức xúc, giảm khiếu nại, tố cáo.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa cho rằng việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hàng chục năm nay, Việt Nam đã xem văn bản điện tử có hiệu lực pháp lý như bản giấy. Vậy tại sao đơn khiếu nại, tố cáo bằng pdf, gửi qua email lại không được chấp nhận. “Thậm chí việc lưu trữ sẽ dễ hơn.”- đồng chí Trương Trọng Nghĩa bày tỏ và cho rằng người dân cần trả lời nhanh, kịp thời, văn bản trả lời cũng có thể làm theo hình thức như vậy.
Theo đồng chí Trương Trọng Nghĩa, ở nước ngoài phán quyết của tòa gửi bằng bản mềm, có ngay lập tức. TP cần áp dụng mạnh dạn việc này, để liên thông dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, việc phối hợp, có một số cơ quan có chức năng kiểm tra giám sát việc chấp hành luật khiếu nại, tố cáo, như VKSND, Thanh tra… sẽ xử lý những ách tắc, chậm trễ, thiếu trách nhiệm.
ĐBQH Trương Trọng Nghĩa phát biểu tại buổi giám sátMột số ý kiến cho rằng hiện các quy định về tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo khá đầy đủ, nhưng vẫn thiếu. Như về đối thoại, trước đây cấp TP bị vướng việc này, nhất định phải là Chủ tịch UBND TP tiếp. Do đó, cần có quy chế đặc biệt với TP lớn. Chủ tịch UBND TP tiếp dân như thế nào, vì dân đông, việc nhiều. Ngoài ra, nhiều việc Phó Chủ tịch UBND có thể ký thay Chủ tịch UBND, tại sao khi tiếp dân không được tiếp thay. Vì vậy, không quá máy móc quá trong việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo.
Liên quan đến công tác cán bộ, Trưởng phòng 1 Thanh tra TP Huỳnh Thị Thúy Diễm cho rằng không nên cào bằng việc luân chuyển cán bộ. Theo đồng chí, việc đào tạo một cán bộ công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo thành thạo việc mất rất nhiều thời gian. Thực tiễn cho thấy khi đọc đơn của công dân, nhiều khi đọc hết 5-7 trang không hiểu họ viết gì. Vì vậy, cán bộ phải có kỹ năng mới xác định và xử lý đúng nội dung vụ việc.
Đồng chí Huỳnh Thị Thúy Diễm cho biết có những vụ liên quan đến lĩnh vực đất đai nhà cửa thời gian kéo dài. Có hồ sơ làm 10-20 lần, nhân viên mới vào việc đọc hồ sơ cả tháng cũng chưa hiểu hết, thì chất lượng tham mưu sẽ không cao. Do vậy, đồng chí cho rằng không phải vị trí nào cũng phải chuyển đổi vị trí công tác định kỳ. Việc luân chuyển cán bộ giúp ích cho phòng chống tham nhũng, nhưng đối với công tác tiếp công dân và một số vị trí khác không liên quan lắm đến phòng chống tham nhũng nhưng vẫn máy móc 5-3 năm luân chuyển một lần, do vậy phải mất thời gian đào tạo lại cán bộ thạo việc.