(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có chỉ đạo về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.
Theo đó, UBND TP giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành lập các đoàn công tác, tổ chức kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống dịch bệnh động vật, xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh.
Đồng thời, chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y triển khai theo dõi diễn biến tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm trong và ngoài nước để kịp thời triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn sự xâm nhiễm vào địa bàn TP. Cùng với đó, căn cứ tình hình thực tế dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, chủ động tham mưu UBND TP các giải pháp cụ thể về phòng, chống dịch bệnh.
Mặt khác, phối hợp với UBND TP Thủ Đức và các quận - huyện tăng cường tập huấn, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm. Khẩn trương rà soát, tổ chức tiêm phòng, tiêm phòng bổ sung vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm, đặc biệt các dịch bệnh nguy hiểm như: Viêm da nổi cục, cúm gia cầm, lở mồm long móng, tai xanh, dại… bảo đảm tỷ lệ trên 80% tổng đàn tại thời điểm tiêm vắc xin. Đặc biệt lưu ý đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ cao, đã được tiêm nhưng sắp hết thời gian miễn dịch.
Giám sát chặt chẽ tình hình chăn nuôi gia súc, gia cầm trên địa bàn, kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh, nghi mắc bệnh tại các điểm, cơ sở giết mổ, khu vực chăn nuôi hoặc trong quá trình vận chuyển, mua bán; tiến hành lấy mẫu xét nghiệm bệnh, tổ chức tiêu hủy theo quy định; điều tra dịch tễ và xác định nguyên nhân gây bệnh.
Bên cạnh đó, kiểm tra chặt chẽ việc nhập gia súc, gia cầm vào địa bàn để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán gia súc, gia cầm không rõ nguồn gốc, đặc biệt là động vật có nguồn gốc từ các tỉnh, thành đang xảy ra dịch bệnh.
UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện bố trí nguồn lực để tổ chức hiệu quả các chương trình, kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh động vật đã được UBND TP ban hành. Tăng cường tập huấn, tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều hình thức, nội dung phù hợp với từng đối tượng và nguy cơ, tác hại của dịch bệnh, các biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm.
Đồng thời, hướng dẫn người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học trong chăn nuôi; vệ sinh, sát trùng khu vực chăn nuôi bằng hóa chất và vôi bột, chỉ nhập gia súc có nguồn gốc rõ ràng, đã qua kiểm dịch theo quy định.
Bên cạnh đó, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành tăng cường công tác kiểm tra, xử lý các điểm kinh doanh, giết mổ gia súc, gia cầm trái phép trên địa bàn và xử lý các trường hợp chăn nuôi không chấp hành quy định của Luật Thú y và Luật Chăn nuôi.