Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Kịch Tết 2018: Hứa hẹn một mùa chất lượng

Hẻm nhỏ Sài Gòn (Nhà hát Kịch TPHCM) là câu chuyện cảm động về những “người Sài Gòn nói giọng bốn phương”.

(Thanhuytphcm.vn) - Trải qua một năm 2017 khá yên ắng, sân khấu kịch TPHCM bước vào mùa diễn Tết 2018 cũng khá lặng lẽ. Tuy nhiên những đánh giá tích cực từ giới chuyên môn hứa hẹn nhiều về một mùa kịch Tết chất lượng.

Thành phố nghĩa tình

“Năm nay, sân khấu Tết TPHCM giảm lượng, tăng chất. Các sân khấu đều chú ý chăm chút cho kịch bản, chất lượng biểu diễn hơn là các chiêu trò như những năm trước. Đề tài kinh dị thuần túy, hài nhảm cũng giảm hẳn. Đáng mừng hơn nữa là có nhiều vở diễn khai thác đời sống đô thị với cuộc mưu sinh của những người lao động nghèo”, NSƯT - đạo diễn Trần Minh Ngọc vui mừng cho biết.

Không hẹn mà gặp, cả 3 vở diễn Hẻm nhỏ Sài Gòn của Nhà hát Kịch TPHCM (30 Trần Hưng Đạo, Quận 1), Sài Gòn có một ngã tư của Sân khấu Hoàng Thái Thanh (139 Bắc Hải, Quận 10) và Gia đình bá đạo  của Sân khấu Kịch Hồng Vân (70 - 72 Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận) đều lấy bối cảnh chính là những xóm lao động bình dân lọt thỏm giữa Sài Gòn hoa lệ.

Sài Gòn có một ngã tư (Sân khấu Hoàng Thái Thanh) gợi nhớ hình ảnh Sài Gòn những năm 1980 - 1990 còn nhiều khó khăn Sài Gòn có một ngã tư (Sân khấu Hoàng Thái Thanh) gợi nhớ hình ảnh Sài Gòn những năm 1980 - 1990 còn nhiều khó khăn

Trong đó, Sài Gòn có một ngã tư (kịch bản: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội), được cảm tác từ truyện ngắn Ừ đi. Ừ! của nhà văn Trần Kim Trắc, đã đưa khán giả đến với một “ngã tư quốc tế” của Sài Gòn những năm 1980 - 1990 còn nhiều khó khăn và chưa nhộn nhịp, tất bật như hiện nay. Cùng mưu sinh tại ngã tư đó có: cô Thanh “hốt rác” (Hoàng Vân Anh), chị Tám Nở “cà phê” (Ái Như), anh Thời “hớt tóc” (Thế Hải), cô Lựu “sương sa” (Ngọc Duyên), ông Thông “ba gác” (NSƯT Thành Hội), anh Nhành “giác hơi” (Đoàn Thành Tài)… Mỗi người một hoàn cảnh, một tính cách, một quá khứ riêng nhưng khi hội ngộ tại “ngã tư quốc tế” đều xem nhau như gia đình, sẵn sàng che chở, đùm bọc lẫn nhau.

Hẻm nhỏ Sài Gòn (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) và Gia đình bá đạo (kịch bản: Xuân Trang - Đinh Mạnh Phúc, đạo diễn: Xuân Trang) là những bức tranh đa sắc về đời sống Sài Gòn - TPHCM hiện đại mà nghĩa tình hôm nay. Tác giả Vương Huyền Cơ cho biết cảm hứng để chị viết Hẻm nhỏ Sài Gòn là từ những câu chuyện đẹp đọc được trên báo chí, được chia sẻ trên mạng xã hội về những người Sài Gòn nghĩa hiệp. “Sài Gòn - TPHCM là vùng đất hào hiệp, trượng nghĩa, sẵn sàng giang tay chào đón tất cả mọi người. Cho dù không sinh ra tại đây nhưng chỉ cần tìm đến với Sài Gòn là bạn đã là người Sài Gòn rồi. Các nhân vật trong vở kịch phần lớn đều là người lao động tứ xứ nhưng họ yêu quý hẻm nhỏ Sài Gòn, nơi họ cùng mưu sinh và kết giao bạn bè, mong muốn bảo vệ những không gian rất đặc trưng của Sài Gòn ấy thoát khỏi sự đô thị hóa lạnh lùng như bảo vệ chính mái nhà của mình vậy”, tác giả Vương Huyền Cơ cho biết.

Cùng một đề tài giàu tính nhân văn, các vở diễn còn lôi cuốn khán giả bởi sự dung dị, nhẹ nhàng mà hài hước.

Tiếng cười và khoảng lặng

Tiếng cười vẫn là thanh âm chủ đạo của mùa diễn Tết 2018. Năm nay, do mất một điểm diễn là sân khấu tại số 7 Trần Cao Vân đang sửa chữa, Sân khấu IDECAF chỉ dựng 2 vở mới là Thám tử si tình (kịch bản: Tùng Phi - Thanh Hồng, đạo diễn: Vũ Minh) và Bởi vì ta yêu nhau (kịch bản: Bùi Quốc Bảo, đạo diễn: Vũ Minh) diễn tại địa chỉ 28 Lê Thánh Tôn, Quận 1. Hai vở diễn đều nói về tình yêu và truyền tải mạnh mẽ thông điệp về tình yêu cuộc sống, cũng như vẫn giữ phong cách hài hoạt náo và sức hấp dẫn từ khả năng tung hứng của dàn diễn viên hùng hậu: NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hữu Châu, NSƯT Mỹ Duyên, các nghệ sĩ Đình Toàn, Đại Nghĩa, Bạch Long, Lê Khánh, Hương Giang, Hoàng Trinh…

Sân khấu Thế giới Trẻ (125 Cống Quỳnh, Quận 1) giới thiệu 4 vở diễn hài hước, trẻ trung là: Bao giờ mẹ lấy chồng (kịch bản: Bảo Ngọc, đạo diễn: Ngọc Hùng), Tình kỹ nữ (kịch bản: Bảo Ngọc, đạo diễn: Hồng Phúc), Thiên hà hội tụ (kịch bản: Huyền Trân - Tấn Lộc, đạo diễn: Tấn Lộc), Sứ giả thiên đường (kịch bản, đạo diễn: Bùi Quốc Bảo).

Trong đó, Tình kỹ nữ là một trường hợp thú vị khi được phát triển từ bài thi tốt nghiệp đạo diễn của Hồng Phúc. NSND Trần Ngọc Giàu nhận xét dù lấy cảm hứng từ tác phẩm kinh điển đã quá quen thuộc là Trà hoa nữ nhưng các bạn trẻ đã có những sáng tạo riêng, mang đến một Tình kỹ nữ tươi mới, trẻ trung. Sân khấu Thế giới Trẻ cũng đã chắt lọc hơn những tiếng cười và mang đến nhiều sự lắng đọng giàu cảm xúc, như: tình yêu và sự hy sinh cao cả của nàng kỹ nữ Trà My (Diễm Phương) của Tình kỹ nữ; tình mẫu tử xúc động qua câu chuyện mang màu sắc tâm linh của Sứ giả thiên đường; tấm lòng đối với những đứa trẻ không phải máu mủ ruột rà của cô Xuân “duyên muộn” tại một nhà mở thiện nguyện của Bao giờ mẹ lấy chồng…

Giấc mộng vàng son (kịch bản: Quang Thảo, đạo diễn: Quang Thảo - Ngọc Duyên) của sân khấu Hoàng Thái Thanh lại là một khoảng lặng rất riêng khi mang màu sắc bi kịch hơn là không khí vui vẻ, nhẹ nhàng thường thấy ở kịch Tết. Lấy cảm hứng từ những truyện cổ dân gian về “thằng cuội ngồi gốc cây đa”, “thằng cuội lên cung trăng”, tác giả Quang Thảo đã kể một câu chuyện bi hài về anh Cuội cả đời ôm mộng “đu gốc đa lên cung trăng để cưới chị Hằng”. Khi giấc mơ thành hiện thực rồi thì mới bàng hoàng nhận ra tất cả chỉ là hư ảo và mình đã mãi mãi đánh mất điều quý giá nhất của cuộc đời: hạnh phúc gia đình. Dù khá nhiều nước mắt nhưng với thông điệp hãy quý trọng những gì mình đang có, đặc biệt là tình cảm, mối gắn kết gia đình thì Giấc mộng vàng son vẫn là một lựa chọn đầy ý vị cho niềm vui ngày Tết.

Ngọc Lan trong gió (kịch bản: Minh Phương - Cát Phượng, đạo diễn: NSND Hồng Vân) cũng là điểm nhấn vừa quen vừa lạ của Sân khấu Hồng Vân. Có thể xem Ngọc Lan trong gió là “anh em” với Tiếng chim vườn Ngọc Lan nổi tiếng của Sân khấu 5B nhiều năm về trước khi cùng được viết lại từ truyện ngắn Người tình anh thợ bạc của tác giả Chu Đại Tân (Trung Quốc). Tiếng chim vườn Ngọc Lan là một trong những vở diễn đầu tiên và hay nhất của sân khấu Việt Nam khai thác đề tài đồng tính một cách trực diện và nghiêm túc. Lần này, với Ngọc Lan trong gió, Sân khấu Hồng Vân cũng củng cố lại mảng kịch văn học; cũng như nâng chất các tác phẩm đề tài đồng tính vốn còn khai thác một cách hời hợt, dễ dãi thời gian qua. Ngoài ra, Sân khấu Hồng Vân còn có các vở diễn thể loại tâm lý, kinh dị - hài, như: Con trai của chồng tôi, Công chúa Sao Hỏa, Tám Thần tài, Người lạ ơi.

Mùa diễn Tết năm nay, Sân khấu Trịnh Kim Chi (259 Hậu Giang, Quận 6) cũng có 4 vở mới thuộc nhiều thể loại: Game ơi là show, Thầy giáo ma, Hồn nữ mơ hoang, Chuyến đi tử thần. Sân khấu kịch Nụ Cười Mới trở lại với 2 vở Ai sợ ai, Trăm năm bia đá cũng mòn và một số tiểu phẩm hài…

Ngọc Tuyết

Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo