Các đại biểu khảo sát hiện trạng di tích lịch sử Trụ sở Phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Thanhuytphcm.vn) - Sáng 21/11, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi tổ chức Lễ khởi công dự án “Tu bổ, phục dựng, tái hiện cảnh trí Di tích lịch sử Trụ sở Phái đoàn liên lạc của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến tại Sài Gòn (1955 - 1958)”.
Tham dự lễ khởi công có Thiếu tướng Vũ Văn Điền, Phó Tư lệnh - Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh TPHCM; Thiếu tướng Phạm Văn Rậm, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; Thiếu tướng Trần Văn Trai, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh TPHCM; đồng chí Huỳnh Đăng Linh, Phó Bí thư Thường trục Quận uỷ quận Phú Nhuận; Đại tá Lê Văn Phước, Giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi…
Ngày 17 tháng 5 năm 1955, Phái đoàn liên lạc Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam cạnh Ủy ban Quốc tế Kiểm soát và Giám sát đình chiến từ Hà Nội vào Sài Gòn, đặt trụ sở tại biệt thự số 61 đường Liên tỉnh 22, ấp Đông Ba, xã Bình Hòa, quận Gò Vấp, tỉnh Gia Định (nay là số 87A, đường Trần Kế Xương, Phường 7, Quận Phú Nhuận, TPHCM). Nhiệm vụ chủ yếu của Phái đoàn là giương cao ngọn cờ cách mạng công khai tại Sài Gòn để làm chỗ dựa tinh thần, củng cố niềm tin và ý chí chiến đấu của nhân dân trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước. Ngày 21 tháng 5 năm 1958, sau khi được chỉ thị của cấp trên, Phái đoàn liên lạc đã trở về Hà Nội, chấm dứt sự có mặt tại Sài Gòn.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ khởi công Dự án Hiện tại, sau gần 10 năm sử dụng, thực trạng các hạng mục của di tích đã và đang dần xuống cấp, hư hỏng như: mái ngói ẩm móc, rong rêu; các hạng mục kết cấu bằng chất liệu gỗ bị cong vênh, có vị trí bị mục, mối mọt; tường rào bao quanh không còn đảm bảo tính an toàn, ổn định và bền vững; trần và tường nhà bị bong tróc, ố màu; … gây mất mỹ quan, ảnh hưởng không tốt tới hình ảnh của Di tích lịch sử quốc gia.
Dự án có tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Thành phố, thời gian thực hiện 2023-2025 gồm các hạng mục: Nhà trụ sở, hành lang nối, nhà ngang; Nhà trưng bày, nhà bảo vệ, Nhà nghỉ cán bộ; Cổng vào; Hàng rào; Nhà kho; Rãnh thoát nước; Nhà để xe ô tô; Ụ súng; Sân đường nội bộ; Cảnh quan; Tu bổ cột cờ xây gạch, ốp đá granit, lắp đặt cột cờ inox, treo cờ Tổ Quốc và tôn tạo khuôn viên xung quanh; Nhà thư viện….
Phát biểu tại buổi lễ, Thiếu tướng Phạm Văn Rậm nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tu bổ, phục dựng di tích lịch sử này. Đây không chỉ là việc bảo tồn một công trình kiến trúc mà còn là việc gìn giữ một phần ký ức lịch sử hào hùng của dân tộc. Đồng chí Phạm Văn Rậm cũng bày tỏ sự tin tưởng rằng, với sự chung tay của các cấp, các ngành và nhân dân, dự án sẽ được hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng.