Một góc trung tâm TPHCM.(Thanhuytphcm.vn) - UBND TPHCM vừa có báo cáo kết quả lấy ý kiến cử tri về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh của tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và TPHCM.
Theo đó, kết quả lấy ý kiến cử tri tại tỉnh Bình Dương như sau: Tổng số cử tri đại diện hộ gia đình là 352.072 cử tri. Tổng số cử tri đại diện hộ gia đình tham gia lấy ý kiến là 326.897 cử tri, đạt tỷ lệ 92,85%. Số cử tri đại diện hộ gia đình không tham gia lấy ý kiến là 25.175 cử tri, đạt tỷ lệ 0,07%. Số cử tri đồng ý là 324.426 cử tri, đạt tỷ lệ 92,15%. Số cử tri không đồng ý là 2.356 cử tri, chiếm tỷ lệ 0,67%.
Tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổng số cử tri đại diện hộ gia đình là 296.303 cử tri. Tổng số cử tri đại diện hộ gia đình tham gia lấy ý kiến là 294.924 cử tri, đạt tỷ lệ 99,53%. Số cử tri đại diện hộ gia đình không tham gia lấy ý kiến là 1.320 cử tri, đạt tỷ lệ 0,45%. Số cử tri đồng ý là 294.284 cử tri, đạt tỷ lệ 99,32%. Số cử tri không đồng ý là 605 cử tri, đạt tỷ lệ 0,2%.
TPHCM tổng số cử tri đại diện hộ gia đình là 1.728.066 cử tri. Tổng số cử tri đại diện hộ gia đình tham gia lấy ý kiến là 1.573.058 cử tri, đạt tỷ lệ 91,03%. Số cử tri đại diện hộ gia đình không tham gia lấy ý kiến là 155.008 cử tri, đạt tỷ lệ 0,09%. Số cử tri đồng ý là 1.536.299 cử tri, đạt tỷ lệ 88,90%. Số cử tri không đồng ý là 28.624 cử tri, đạt tỷ lệ 1,66%. Số cử tri có ý kiến khác là 707 cử tri, đạt tỷ lệ 0,04%.
Cử tri đề nghị UBND TP kiến nghị với Trung ương xem xét, chấp thuận cho 3 tỉnh, thành phố được chủ động, cân đối kinh phí, nguồn lực hiện có của 3 tỉnh, thành giải quyết chế độ chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách bổ sung thêm nguồn sau khi thực hiện Nghị định số 178/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ về chính sách, chế độ đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và lực lượng vũ trang trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị để động viên, tạo điều kiện cho các tỉnh trong thực hiện sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính và tinh giản, tổ chức bộ máy trong thời điểm hiện nay. Đề xuất Trung ương xem xét, chấp thuận tiếp tục tạo cơ chế thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển áp dụng cho TPHCM sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh kéo dài thời gian thực hiện đến hết năm 2030.
Đề nghị UBND TP trong quá trình triển khai thực hiện các Đề án cần quan tâm nghiên cứu, bổ sung phù hợp đối với một số nội dung cụ thể như sau: Tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong hệ thống chính trị và Nhân dân về ý nghĩa, lợi ích của việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh trên địa bàn TPHCM. Bổ sung công tác phối hợp giữa các cơ quan có liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân trong chuyển đổi giấy tờ về nhà đất, hộ tịch, thủ tục tư pháp... do có thay đổi từ việc sắp xếp đơn vị hành chính, giải quyết các chế độ, chính sách gắn với đơn vị hành chính cho người dân bảo đảm kịp thời, minh bạch, đúng đối tượng. Đồng thời phân công đầu mối giám sát việc duy trì giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân bảo đảm không ngắt quãng và không gián đoạn.
Đồng thời, xây dựng phương án sắp xếp, giải quyết chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức, cán bộ không chuyên trách cấp xã bị ảnh hưởng khi sắp xếp, bảo đảm đúng đối tượng, công khai, minh bạch, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, quy định của pháp luật gắn với việc ưu tiên giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, hỗ trợ vốn vay.
Mặt khác, cần quy định lộ trình, thời gian sử dụng tạm thời các loại giấy tờ cũ trong giao dịch thủ tục hành chính để tránh ảnh hưởng đến đời sống của người dân và doanh nghiệp theo hướng tiếp tục sử dụng, trừ trường hợp người dân, doanh nghiệp có nhu cầu thay đổi hoặc phải điều chỉnh theo quy định pháp luật.
Bên cạnh đó, rà soát các khu chung cư trên địa bàn để tham mưu, bố trí cho cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh Bình Dương và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (nếu có nhu cầu về nơi ở) đến nhận công tác tại TPHCM và ngược lại.