Thứ Sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024

Khó khăn càng nhiều, biết ơn càng đậm!

“Khúc ca đồng lòng” động viên tinh thần bệnh nhân Covid-19. Ảnh: Thanhuytphcm.vn

(Thanhuytphcm.vn) - Lòng biết ơn (tri ân) là một trong những đức tính của con người, thể hiện thái độ hiểu và ghi nhớ công ơn của người khác đối với mình. Người biết ơn thường có những hành động thể hiện sự biết ơn đó, luôn muốn đền đáp công ơn của những người đã giúp đỡ mình bằng nhiều cách. Biết ơn cũng có thể coi là một phẩm chất của người có đạo đức, không chỉ gắn với nhận thức về đóng góp, vai trò của người khác cho thành công, kết quả của mình mà còn luôn sẵn sàng có những hành động cụ thể đối với người đã giúp mình hoặc những người khác.

Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng, lòng biết ơn có thể giúp kéo chúng ta ra khỏi thời điểm khó khăn, mang lại cho chúng ta sức mạnh tinh thần và sự cân bằng hơn. Chính nó tạo nên một nguồn năng lượng lớn, hình thành trạng thái tinh thần tích cực, lạc quan, từ đó kết nối sâu sắc hơn với những người khác, cho ta sức mạnh đối phó với nghịch cảnh. Người có lòng biết ơn luôn trân trọng hiện tại, trân trọng những gì đang có và xem mỗi ngày là một cơ hội mới để đón nhận hạnh phúc.

Lòng biết ơn có tính lan tỏa sâu sắc. Ở một cộng đồng, một xã hội, những cá nhân thể hiện lòng biết ơn sẽ dễ dàng tác động, thúc đẩy những thành viên khác có được đức tính đó và có những hành động thiết thực trong thực tiễn. Trái lại, nếu ở cộng đồng nào đó ít có những cá nhân biết ơn thì dường như sự ích kỷ, hẹp hòi trở nên phổ biến hơn.

Lâu nay, chúng ta nói nhiều đến lòng biết ơn cha mẹ, ông bà, tổ tiên, thầy cô, những người trực tiếp giúp đỡ mình… Điều đó rất đúng, nhưng có thể chưa đủ. Có những chủ thể đã có những hành động cụ thể nhằm mang lại lợi ích cho những con người cụ thể nhưng họ không trực tiếp giúp cho cá nhân nào hoặc hành động đó như là một sự trao đổi, một nghĩa vụ chứ không phải giúp. Trong trường hợp này, nếu chủ thể thụ hưởng không nhớ đến, không tri ân chủ thể thực hiện thì có thể cũng không bị xem là vô ơn. Chẳng hạn, chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo chu đáo cho người dân trên địa bàn quản lý của mình; người dân có thể không nhất thiết thể hiện lòng biết ơn, bởi suy cho cùng, việc chăm lo đó là trách nhiệm của chính quyền và chính quyền không có tư cách cũng như không được có thái độ ban ơn. Hay một nghệ sĩ có được danh tiếng, lợi ích từ hoạt động nghề nghiệp của mình có thể cũng không nhất thiết tri ân khán giả, người hâm mộ bởi đây là quan hệ qua lại, cùng nhau có ích…

Tuy nhiên, là người có tư cách đạo đức, có nhận thức đúng đắn về sự tri ân, về cách sống, dù ở hoàn cảnh nào, nếu bản thân được thụ hưởng một lợi ích nào đó thì cố gắng đền đáp theo một hình thức phù hợp. Và sự đền đáp đó có thể mang một ý nghĩa rất rộng, không chỉ gắn đến chủ thể có liên quan mà còn nhiều chủ thể khác.

Trong tình hình dịch Covid-19, điều này đã được thể hiện rất rõ, đến độ chúng ta có thể đúc kết thành một trạng thái mới về sự tri ân: khó khăn càng nhiều thì lòng biết ơn càng đậm.

Lực lượng vũ trang trao quà hỗ trợ người dân khó khăn. Ảnh: Hồng Hạnh Lực lượng vũ trang trao quà hỗ trợ người dân khó khăn. Ảnh: Hồng Hạnh

Một doanh nhân có con gái được các y bác sĩ tận tình cứu chữa sau khi nhiễm Covid-19 từ nước ngoài sau này đã nhiều lần đóng góp cho ngành y tế, cho cộng đồng bằng nhiều hình thức với giá trị vật chất không nhỏ. Một số doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố hoặc có cơ sở sản xuất, kinh doanh tại TPHCM đã nhiệt tình ủng hộ hiện vật, hiện kim để mua sắm trang thiết bị y tế, chăm lo lực lượng tuyến đầu, cho người nghèo để góp thêm nguồn lực chống dịch. Nhiều nghệ sĩ đã trưởng thành và có danh tiếng từ khán giả ở TPHCM nên đã ra sức đi vận động, quyên góp, tổ chức các chương trình văn nghệ… để chăm lo, động viên cho bà con khó khăn do dịch bệnh. Nhiều bệnh nhân hoặc người có thân nhân từng nhiễm Covid-19 và được chữa khỏi đã tham gia các hoạt động tình nguyện hỗ trợ cho lực lượng tuyến đầu tại bệnh viện, khu cách ly mà mình đã được chăm sóc hoặc các công việc khác có liên quan đến phòng chống dịch…

Tất cả những điều đó đều thể hiện tinh thần biết ơn sâu sắc, giàu tính nhân văn, mà chủ thể thụ hưởng nhiều khi hoàn toàn không gắn trực tiếp với chủ thể đã thực hiện hành động giúp đỡ cá nhân hay tổ chức đó. Do vậy, “uống nước nhớ nguồn”, câu tục ngữ nhắc nhở mọi người phải biết ghi nhớ công ơn của người đã mang lại lợi ích cho chúng ta, nên được hiểu rộng hơn, không chỉ là biết ơn “nơi xuất phát nguồn nước đó” mà còn là biết ơn “những người tìm thấy”, “những người khơi nguồn”, “những người bảo vệ nguồn nước đó”… Chẳng hạn, trong đợt dịch này, các cá nhân đã được chính quyền địa phương quan tâm, chăm lo, hỗ trợ nhiều mặt thì bên cạnh việc chấp hành các quy định phòng chống dịch, hợp tác tốt với các cơ quan chức năng trong các hoạt động liên quan (tiêm ngừa, xét nghiệm…) còn có thể tham gia việc vận động những người xung quanh tích cực thực hiện các yêu cầu về chống dịch, thể hiện tinh thần chia sẻ, cộng đồng trách nhiệm với mọi người…

Đỉnh cao của lòng biết ơn chính là “đáp đền tiếp nối”, để sự sẻ chia, giúp đỡ nhau và lòng biết ơn được lan tỏa mãi. Người đã từng là F0 được chữa khỏi bệnh đã tình nguyện đi giúp đỡ các F0 khác, rồi những người này lại tiếp tục tham gia chống dịch trong điều kiện của mình, như đóng góp của cải, công sức để giúp người gặp khó khăn, để rồi chính những người khó khăn đó cũng có thái độ phối hợp với cơ quan chức năng phòng chống dịch tốt hơn, làm lan tỏa tinh thần đó đến với mọi người… Cứ thế, các nghĩa cử, hành vi nhân ái tiếp tục được truyền từ người này sang người khác, làm ai cũng được thụ hưởng và ai cũng trở thành người đi giúp đỡ. Trong đợt dịch này, yếu tố “đáp đền tiếp nối” dường như được thể hiện rõ hơn bao giờ hết.

Với nhiều người, “thi ân bất cầu báo”, tức là giúp đỡ thì không cần báo đáp nhưng hẳn người đó sẽ hạnh phúc hơn khi nghĩa cử của mình được lặp lại ở người khác. Khi đó, một hành động cụ thể không chỉ có ý nghĩa cụ thể mà còn tác động hết nhận thức, thái độ để điều nó lan truyền rộng rãi và bền vững!

Trúc Giang


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo