Thứ Tư, ngày 9 tháng 7 năm 2025

Khẩn trương hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì và phát biểu tại phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo phòng, chống lãng phí

(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 25/2, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng ban chỉ đạo phòng, chống lãng phí (BCĐ) chủ trì phiên họp thứ nhất của BCĐ nhằm rà soát công việc và bổ sung, kiện toàn BCĐ, triển khai nhiệm vụ phòng, chống lãng phí thời gian tới, đặc biệt là xử lý các dự án tồn đọng nhằm giải phóng nguồn lực cho phát triển.

Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, công tác phòng, chống lãng phí được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm, là một trong những yếu tố quan trọng để gia tăng sức mạnh về nguồn lực, đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy phát triển, làm giàu cho đất nước, nhất là trong giai đoạn cách mạng mới.

Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Sau Hội nghị Trung ương 10 vừa qua, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được kiện toàn, bổ sung thêm chức năng phòng, chống lãng phí và đổi tên thành Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực.

Thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm, thời gian qua, Chính phủ cũng đã có nhiều chỉ đạo, hành động quyết liệt để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực nền kinh tế.

Trong đó, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến thể chế, cơ chế; giải quyết các điểm nghẽn gây lãng phí nguồn lực của nền kinh tế, nhất là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc liên quan đến các dự án, đất đai, năng lượng tái tạo, tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sử dụng nhà, đất tại các doanh nghiệp nhà nước, chuyển giao bắt buộc 4 ngân hàng thương mại yếu kém, xử lý toàn bộ 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả của ngành công thương trước đây… Những công việc đã và đang làm vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, bước đầu góp phần chống lãng phí.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn nhiều việc phải làm do lãng phí diễn ra khá phổ biến dưới nhiều dạng, hình thức khác nhau đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển, nhất là trong lĩnh vực như quản lý tài chính, tín dụng, tài sản công, đầu tư công, đất đai, tài nguyên khoáng sản, quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, quản lý sử dụng lao động và thời gian lao động… Những hạn chế trên là một trong những nguyên nhân gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo; lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế-xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước.

Chính vì vậy, Chính phủ đã thành lập Ban chỉ đạo phòng, chống lãng phí để giải quyết, xử lý dứt điểm các điểm nghẽn gây thất thoát, lãng phí các nguồn lực của nền kinh tế, tạo chuyển biến mới, có sức lan tỏa mạnh mẽ đối với công tác này.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí theo Chỉ thị số 27-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Thủ tướng cho biết chúng ta đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng với mục tiêu đạt 8% trở lên trong năm nay, đòi hỏi huy động, phát huy hiệu quả tối đa các nguồn lực phát triển. Trong thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu thống nhất về nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng, chống lãng phí tại thời điểm hiện nay trong tất cả các cấp, các ngành, các lĩnh vực, cả khu vực công và tư. Tất cả các ngành, các cấp, các địa phương, các chủ thể liên quan phải tiếp tục rà soát, khẩn trương hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực quản lý kinh tế - xã hội và phòng, chống lãng phí, chỉ rõ vướng mắc, ách tắc ở đâu, thẩm quyền của ai thì người đó phải giải quyết.

Thủ tướng cũng yêu cầu khẩn trương xây dựng, hoàn thiện dự án Luật Tiết kiệm, chống lãng phí để trình Quốc hội, đề xuất sửa đổi các luật, quy định về ngân sách, đầu tư công, đấu thầu, hợp tác công tư, quy hoạch…; các quy định của Luật phải xây dựng được văn hóa tiết kiệm, chống lãng phí trong toàn xã hội; đưa thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trở thành "tự giác", "tự nguyện" ở mọi lúc, mọi nơi, "cơm ăn, nước uống hàng ngày".

Cùng với đó, khẩn trương hoàn thiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống lãng phí, bảo đảm bao quát tất cả các lĩnh vực; rà soát, bổ sung các quy định về cơ chế quản lý kinh tế-xã hội, các định mức kinh tế-kỹ thuật không còn phù hợp với thực tiễn phát triển của đất nước. Song song đó, rà soát các dự án lãng phí, kéo dài và đề xuất cơ chế, chính sách xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả.

Thủ tướng cũng cho rằng, với các trường hợp đặc biệt, đặc thù thì phải có cơ chế, chính sách đặc biệt, đặc thù, có không gian đổi mới sáng tạo cho người chịu trách nhiệm ra quyết định để xử lý, giải quyết ngay các vấn đề thực tiễn đặt ra, bảo đảm kịp thời, hiệu quả cao nhất, tránh công việc kéo dài, gây lãng phí…

Hiện nay một số ban chỉ đạo, tổ công tác khác đang hoạt động cùng có chức năng, nhiệm vụ xử lý tháo gỡ khó khăn cho các dự án tồn đọng, kéo dài, Thủ tướng yêu cầu khẩn trương hợp nhất các Ban chỉ đạo có chức năng, nhiệm vụ tương đồng nêu trên thành 1 Ban chỉ đạo do Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình làm Trưởng ban, hoàn thành trước ngày 28/2.

Trung Kiên


Ý kiến bạn đọc

refresh
 

Tổng lượt bình luận

Tin khác

Thông báo