Một Hà Nội thanh lịch mà quật cường của "Đào, Phở và Piano" đã chạm đến trái tim nhiều người trẻ – thành phần góp công lớn tạo hiệu ứng truyền miệng đưa một bộ phim có nguy cơ cất kho trở thành “hiện tượng phòng vé” (Thanhuytphcm) - Từ ngày 22/2, khán giả TPHCM đã có thể xem bộ phim "Đào, Phở và Piano" tại các rạp thuộc hệ thống Beta Cinemas và Cinestar trên địa bàn TPHCM.
"Đào, Phở và Piano" (kịch bản - đạo diễn: NSƯT Phi Tiến Sơn) là bộ phim được Hãng phim truyện 1 thực hiện theo đặt hàng của Nhà nước. Phim chỉ được cấp kinh phí sản xuất chứ không có kinh phí phát hành, phổ biến và chỉ được chiếu tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia (Hà Nội).
Sau khi bất ngờ nhận được sự quan tâm của đông đảo khán giả, nhất là các bạn trẻ yêu thích lịch sử, Cục Điện ảnh đã đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phát hành bộ phim "Đào, Phở và Piano" trên toàn quốc. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã có thông cáo khuyến khích các cơ sở điện ảnh tham gia phổ biến "Đào, Phở và Piano" cũng như các bộ phim được Nhà nước đặt hàng.
Hiện tại, có 2 doanh nghiệp điện ảnh tư nhân là Beta Media và Cinestar Vietnam vào cuộc phổ biến "Đào, Phở và Piano" tại các cụm rạp của mình. Theo đó, ngoài Hà Nội, đã có thêm khán giả tại 10 tỉnh thành nữa là: TPHCM, Thái Nguyên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Biên Hòa, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang, Phú Quốc, Lào Cai được xem "Đào, Phở và Piano". Cả 2 đơn vị cam kết sắp xếp các suất chiếu phù hợp nhu cầu của khán giả và toàn bộ doanh thu đều nộp lại cho Nhà nước.
Ngày 22/2, ngày đầu tiên công chiếu tại TPHCM, các suất chiếu "Đào, Phở và Piano" tại cả 2 cụm rạp đều đã “cháy vé”. Lượt truy cập vào hệ thống bán vé online tăng đột biến gây nghẽn mạng nên cả 2 hệ thống rạp Beta Cinemas và Cinestar đều ngừng bán vé online và chuyển sang bán vé trực tiếp tại các rạp. Nhiều khán giả đã phải ra về hoặc đổi suất chiếu vì hết vé.
Lần đầu tiên, một bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng – lấy bối cảnh về cuộc chiến bảo vệ thủ đô của quân và dân Hà thành vào mùa đông năm 1946 trước khi rút lực lượng lên Việt Bắc, mở đầu cho 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp trở lại xâm lược – lại tạo thành “cơn sốt” phòng vé và một “hiện tượng” trong xã hội, nhất là với giới trẻ.
Từ “hiện tượng” "Đào, Phở và Piano" đặt ra nhiều vấn đề cần thay đổi trong việc đặt hàng sản xuất và phổ biến phim sử dụng tiền ngân sách, cũng như tư duy về việc làm phim tuyên truyền. Nếu phim tuyên truyền được làm với chất lượng cao, có chiến lược quảng bá, truyền thông bài bản thì hoàn toàn có thể trở thành sản phẩm ăn khách, vừa lan tỏa những giá trị đầy tự hào của dân tộc đến đông đảo công chúng vừa thu được lợi nhuận thay vì chỉ “cúng cụ rồi cất kho” như quan niệm bấy lâu nay.