(Thanhuytphcm.vn) - Thông tin từ Sở Y tế TPHCM cho biết, việc thực hiện Kế hoạch tổ chức “Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2023” trong ngành Y tế TP được diễn ra trong suốt tháng 10.
Với chủ đề “Người cao tuổi được phát huy và chăm sóc đầy đủ”, kế hoạch đề ra mục tiêu 100% bệnh viện đa khoa Thành phố, đa khoa khu vực và quận, huyện, trung tâm y tế quận, huyện, TP Thủ Đức tổ chức thực hiện khám sức khỏe, tư vấn sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi tại địa phương.
Theo đó, các hoạt động y tế được thực hiện và tiếp tục triển khai trong Tháng hành động vì người cao tuổi bao gồm: khám sức khỏe định kỳ, lập hồ sơ quản lý sức khỏe, tư vấn sức khỏe, tư vấn điều trị bệnh thông thường miễn phí cho người cao tuổi; tăng cường tổ chức khám bệnh, chữa bệnh tại nơi cư trú đối với người cao tuổi cô đơn, bị bệnh nặng không thể đến khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo các quy định hiện hành. Cùng với đó là tăng cường tổ chức khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo cho người cao tuổi nghèo khó, sống ở khu vực nông thôn, bị khuyết tật, không có lương hưu, không có bảo hiểm xã hội…; tiếp tục tổ chức các hoạt động truyền thông, tư vấn về phòng và chữa bệnh ở người cao tuổi. Hướng dẫn, bồi dưỡng và tập huấn kiến thức về tập luyện, tự chăm sóc, nâng cao sức khỏe, phòng, chống bệnh tật; tư vấn về chế độ dinh dưỡng, chuyên môn kỹ thuật, phương pháp chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi và gia đình người cao tuổi. Tiếp tục thực hiện “Chương trình Mắt sáng cho người cao tuổi”…
Sở Y tế TP cho biết, ngành Y tế TP sẽ tiếp tục triển khai khám sức khỏe cho tất cả người cao tuổi (không phân biệt tạm trú hay thường trú) vào năm 2024 để phát hiện bệnh không lây nhiễm, sức khỏe tâm thần (trầm cảm, lo âu)..., từ đó, đưa vào quản lý và chăm sóc điều trị theo chương trình WHO PEN (gói can thiệp thiết yếu về bệnh không lây nhiễm trong chăm sóc sức khỏe ban đầu của Tổ chức Y tế thế giới). Dữ liệu khám sức khỏe sẽ được liên thông vào Hồ sơ sức khỏe điện tử và phần mềm quản lý bệnh không lây do WHO triển khai. Bên cạnh đó, phối hợp với các sở ngành liên quan cùng thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống cho người cao tuổi (phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng mô hình chăm sóc phục hồi chức năng cộng đồng; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông tăng cường truyền thông về chiến lược khám sức khỏe người cao tuổi, truyền thông thay đổi suy nghĩ về mô hình chăm sóc phát hiện bệnh tại trạm y tế…).
Theo số liệu thống kê năm 2022, TPHCM có 1.033.355 người cao tuổi, chiếm 11,03%, cao xếp thứ hai trong cả nước và đang phải đối diện với thách thức về già hóa Dân số. TP hiện có 162 câu lạc bộ “Người cao tuổi giúp người cao tuổi” với 3.983 hội viên là người cao tuổi tham gia sinh hoạt, các câu lạc bộ đã tổ chức sinh hoạt định kỳ hàng tháng với nhiều hình thức như giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí kết hợp tư vấn, cung cấp các thông tin, kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi… qua đó, góp phần giúp người cao tuổi sống vui, khỏe, sống có ích cho gia đình và cộng đồng. Bên cạnh đó, có 162 tổ tình nguyện viên với 2.104 người tham gia tình nguyện thực hiện chăm sóc, giúp đỡ cho 5.044 người cao tuổi già yếu neo đơn tại cộng đồng.