Rất đông độc giả đến với chương trình giao lưu “Tìm về di sản mỹ thuật truyền thống Nam bộ”.(Thanhuytphcm.vn) - Mỹ thuật truyền thống Nam bộ gắn liền với lịch sử hình thành và phát triển của vùng đất mới với những đặc trưng riêng của quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa đa dạng - một lĩnh vực thú vị nhưng vẫn chưa được biết đến nhiều. Chương trình giao lưu “Tìm về di sản mỹ thuật truyền thống Nam bộ” – NXB Văn hóa - Văn nghệ TPHCM tổ chức tại Đường Sách TPHCM vào ngày 1/11 – đã thu hút sự quan tâm của đông đảo nhà sưu tập, nhà nghiên cứu và người yêu thích tìm hiểu về mỹ thuật Nam Bộ.
Thông qua bộ sách gồm “Tranh tường Khmer Nam Bộ”, “Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa” và “Gốm Sài Gòn”, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng, nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình và nhóm tác giả đã chia sẻ đến độc giả về những dấu tích xưa xuất hiện của dòng mỹ nghệ chế tác gốm Nam bộ và thị hiếu sáng tác bích họa tranh tường Khmer Nam bộ của những nghệ nhân chuyển biến theo dòng thời gian. Mà để có những thành quả nghiên cứu đó là con đường điền dã bền bỉ đôi khi kéo dài cả thập niên của các tác giả.
Như nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình đã dành 10 năm đi đây đó khắp hàng trăm ngôi chùa Khmer Nam bộ để sưu tầm và chắt lọc tư liệu hoàn thành cuốn sách ảnh “Tranh tường Khmer Nam bộ”. Nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình cho biết người Khmer từ lúc mới lọt lòng đến khi trưởng thành và từ giã cõi đời, đều lấy ngôi chùa làm trung tâm cuộc sống và tiếp thu tôn giáo - văn hóa thông qua nhiều con đường trong đó có nghệ thuật tranh tường ở các chùa.
Tranh tường Khmer độc đáo không chỉ về mặt đề tài – chủ yếu là các triết lý nhà Phật, triết lý nhân sinh, những bài học luân lý ở đời được thể hiện qua hình thức hội họa – mà cả về đặc trưng hình họa, màu sắc và phong cách tạo hình nghệ thuật. Bên cạnh đó, tranh tường Khmer cũng cho thấy thị hiếu thẩm mỹ và cái nhìn mỹ thuật không chỉ của người nghệ nhân tạo tác mà đó còn là của cả cộng đồng người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Quyển sách được thực hiện theo phương pháp điều tra điền dã khảo sát những bức tranh tường cũ lẫn mới, đồng thời tiến hành phỏng vấn sâu, phỏng vấn hồi cố các nghệ nhân vẽ tranh tường cũng như những vị Acha, sư sãi, các trí thức, cán bộ văn hóa Khmer và người dân Khmer ở Đồng bằng song Cửu Long đã giúp tác giả Huỳnh Thanh Bình thu được nguồn kiến thức đồ sộ về một di sản hội họa phong phú về đề tài lẫn phong cách nghệ thuật mà để cô đọng lại và chia sẻ những tinh hoa nhất đến bạn đọc là điều không hề dễ dàng. Nhưng nhờ sự tốt bụng và hiếu khách của đồng bào ở những phum sóc cô đi qua, sự nồng hậu đón tiếp và nhiệt tình chia sẻ kiến thức của bà con đã trở thành động lực để nhà nghiên cứu Huỳnh Thanh Bình hoàn thành quyển sách “Tranh tường Khmer Nam bộ” độc đáo này.
Các tập sách ảnh nghiên cứu về mỹ thuật truyền thống Nam Bộ bổ sung nhiều kiến thức cho độc giả yêu thích lĩnh vực này.Dành trọn cuộc đời để nghiên cứu văn hóa dân gian và đi điền dã, nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng là cái tên đầy uy tín cho những ấn phẩm viết về nhiều lãnh vực lịch sử văn hóa - nghệ thuật vùng đất phương Nam. Bộ sách “Gốm Cây Mai - Đề ngạn Sài Gòn xưa”, “Gốm Sài Gòn” (và “Gốm Lái Thiêu” đang thực hiện) với nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng làm điểm tựa kết nối các nhà nghiên cứu Nguyễn Đại Phúc, hai cộng sự trẻ Lưu Kim Chung - Nguyễn Đức Huy, các nhà sưu tập Nguyễn Anh Kiệt, Hồ Hoàng Tuấn… được kỳ vọng trở thành tài liệu tham khảo thiết thực cho những người nghiên cứu, tìm hiểu về Gốm Nam bộ khi đây đều là những dòng gốm đã thất truyền và ngưng hoạt động từ đầu thế kỷ XX. Và việc nghiên cứu về các dòng “danh gốm” này không chỉ để đáp ứng sở thích của những “tay chơi đồ cổ” mà là tìm về dấu ấn văn hóa của vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa, nền tảng của TPHCM hiện đại hôm nay; khẳng định những giá trị văn hóa bất biến đã được sáng tạo và phát triển trên vùng đất mới. Từ đó có cái nhìn đúng đắn hơn về việc giữ gìn và phát huy các di sản truyền thống, có giải pháp hài hòa cho việc bảo vệ di sản trong dòng chảy đô thị hóa hiện nay.
Với mong muốn giữ gìn dòng chảy lịch sử - văn hóa - nghệ thuật, đội ngũ các nhà nghiên cứu cố gắng đem lại cho công chúng những thông tin xác thực và những kiến thức căn bản, trước sự mai một các giá trị di sản đã đến mức báo động. Các tập sách không chỉ chạm vào cảm xúc và mong muốn lưu giữ ký ức thời gian của di sản mỹ thuật truyền thống Nam bộ xưa cùng bạn đọc mà còn khơi gợi lên cảm hứng, trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ những giá trị này, nhất là ở những người trẻ.