Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long phát biểu giải trình(Thanhuytphcm.vn) - Ngày 28/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.
Qua thảo luận, các đại biểu (ĐB) thống nhất với sự cần thiết xây dựng dự án luật và nội dung nhiều điều, khoản trong dự thảo luật nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về hoàn thiện hệ thống pháp luật, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, đồng thời khắc phục những hạn chế tiêu cực hiện nay trong lĩnh vực đấu giá tài sản, đảm bảo công khai, minh bạch, lành mạnh.
ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) cho rằng, các quy định của Luật Đấu giá tài sản hiện nay đang bỏ trống các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản. Quá trình tổ chức thi hành có ý kiến cho rằng, tổ chức đấu giá tài sản được làm những gì pháp luật không cấm, có quyền tự do thỏa thuận các giao dịch dân sự… Do đó, ĐB đề nghị cần bổ sung các hành vi bị nghiêm cấm đối với tổ chức đấu giá tài sản như: gây áp lực, đe dọa hoặc thực hiện hành vi trái pháp luật, trái đạo đức xã hội để dành lợi thế về cho mình hoặc cho tổ chức mình trong hành nghề đấu giá…
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) Nhiều ĐB thống nhất về mức tiền đặt trước, mức tiền đặt trước từ 5-20% đối với tài sản đặc thù, tài sản thông dụng thì do người có tài sản đấu giá quyết định. Quy định này là phù hợp tạo điều kiện thu hút nhiều cá nhân, tổ chức tham giá đấu giá. Nếu nâng tiền đặt trước lên quá cao sẽ giảm tính cạnh tranh và ít người tham gia đấu giá, dù thực tế có một số đối tượng tham gia đấu giá với mục đích không tốt và sẵn sàng chịu mất tiền cọc. Các ĐB đề xuất người trúng đấu giá sau thời gian nhất định mà không nộp tiền và không chứng minh được lý do bất khả kháng thì bị phạt nộp thêm, bổ sung thêm chế tài xử phạt vi phạm hành chính.
Về đấu giá viên, một số ĐB cho biết thời gian qua các đấu giá viên vẫn được tham gia các hoạt động quản tài viên, thẩm định giá, luật sư... Trong khi quy trình đấu giá có thẩm định giá, nếu đấu giá viên vừa đấu giá vừa thẩm định giá thì không phù hợp. Do đó ĐB đề nghị đấu giá viên không được hành nghề các chức danh tư pháp khác.
ĐB Nguyễn Duy Thanh (Cà Mau) cho rằng, cần sửa đổi, bổ sung quy định hạn chế việc bỏ cọc nhằm hạn chế tình trạng bỏ cọc, hạn chế tình trạng người đấu giá thiếu thận trọng, ngăn ngừa tình trạng phá giá vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân, thao túng, gây rối. Cùng quan điểm, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu quan điểm, hiện nay, trong hoạt động đấu giá còn những bất cập, tiêu cực như tình trạng “quân xanh, quân đỏ”, thông đồng, khống chế giá; còn tình trạng thông đồng giữa người có tài sản đấu giá và tổ chức bán đấu giá; quy định về áp dụng hình thức đấu giá trực tuyến còn một số hạn chế, bất cập… Do đó, ĐB Dương Khắc Mai đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát để thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xử lý tài sản công; không để sơ hở, bất cập để các đối tượng tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực đấu giá tài sản. Tiếp tục nghiên cứu, quy định chặt chẽ về quyền và trách nhiệm của người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá tài sản, đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản. Có quy định cụ thể về việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động đấu giá tài sản, đặc biệt là đấu giá tài sản thuộc quyền sử hữu của Nhà nước. Đối với tài sản thuộc sở hữu của Nhà nước có mức giá khởi điểm trên 500 triệu đồng, buộc phải tiến hành đấu giá theo hình thức trực tuyến.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) đề nghị dự thảo Luật bổ sung đấu giá cho thuê tài sản trong đó có đấu giá cho thuê tài sản công. Đây là vấn đề thực tế đang có vướng mắc, trong khi nhu cầu thực tiễn tại các địa phương là rất lớn. Do đó cần bổ sung quy định về đấu giá tài sản để cho thuê tài sản nhằm có cơ sở pháp lý trong tổ chức thực hiện.
Về niêm yết tài sản đấu giá, ĐB Hồng Hạnh cho rằng, dự thảo phân chia theo 2 nhóm tài sản bán đấu giá là. Một là, 17 loại tài sản bắt buộc phải bán đấu giá, qua rà soát nhận thấy người có tài sản đấu giá là tổ chức, kể cả tài sản thi hành án. Hai là tài sản thuộc tổ chức, cá nhân tự nguyện chọn hình thức bán thông qua đấu giá. ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh cho rằng, đối với cá nhân tự nguyện chọn hình thức đấu giá, cần quy định theo hướng tôn trọng sự thỏa thuận và ý chí của người có tài sản đấu giá trong việc niêm yết, không nên quy định bắt buộc việc niêm yết phải đủ 4 nơi như trường hợp bắt buộc đấu giá. Bên cạnh đó, ĐB đề nghị bổ sung một số nội dung như các trường doanh nghiệp đấu giá bị thu hồi giấy đăng ký hoạt động và thu hồi theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế; việc chấm dứt hoạt động, tạm dừng hoạt động của văn phòng đại diện, chi nhánh của doanh nghiệp đấu giá tài sản.
Đại biểu Phan Thị Mỹ Dung (Long An)Giải trình lại các ý kiến, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, tổng kết thi hành 5 năm thực hiện luật, qua đấu giá khoảng 200.000 cuộc đấu giá với trên 90% là tài sản công, trong khi thông lệ quốc tế chủ yếu là đấu giá tài sản tư. Số liệu hiện hành cho thấy đấu giá đang hoạt động bình thường. Sửa đổi lần này nhằm cập nhật các quy định của pháp luật hiện hành, bổ sung quy trình bán đấu giá đặc biệt đối với tài sản đặc thù như hạ tầng giao thông vận tải, quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản, tần số vô tuyến điện, vì thực tế phát sinh một số vấn đề thực tế cần phải được xử lý; hướng đến coi đấu giá là nghề chuyên nghiệp trong bối cảnh kinh tế thị trường.
Về chế tài với người bỏ cọc, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết sẽ nghiên cứu làm sâu sắc hơn nữa, góp ý hoàn thiện các quy định chuyên ngành; để thực hiện ngay tình thì còn nhiều yếu tố liên quan từ quy định chặt chẽ của pháp luật còn có đạo đức kinh doanh, đạo đức hành nghề, trách nhiệm người quản lý…