
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thành Lập phát biểu tại buổi tham vấn
(Website TU) - Ngày 26-9, Ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM đã chủ trì, lấy ý kiến của người dân, Ban Quản lý Khu công nghiệp và khu chế xuất (KCN-KCX) và Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng ô nhiễm tại khu vực KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh). Tại buổi làm việc, hầu hết các ý kiến cho rằng, KCN Lê Minh Xuân đang tàn phá môi trường, đe dọa sức khỏe của hàng chục nghìn người dân nơi đây.
Vedan 2 tại TPHCM
Ông Nguyễn Hồng Phúc ngụ tại ấp 7, xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh cho biết trước đây, nước sông khu vực này vẫn có thể uống và tắm được, nhưng từ khi có KCN Lê Minh Xuân, chăn nuôi, trồng trọt đều cho năng suất kém. Nước sông càng ngày càng đen kịt, bẩn đến mức độ không dám thò chân xuống kênh để rửa vì sợ ngứa; cá chết hàng loạt, cây cối trắng lá bạc màu vì ô nhiễm; bệnh về mắt, đường hô hấp của một số người cao tuổi tăng lên rõ rệt. Ông Phúc bức xúc: “thậm chí, tôn nhà rất mau bị mục, cây cối thì đổi màu, trắng lá vì những hóa chất của KCN thải ra. Cây cối còn vậy, thử hỏi sức khỏe con người làm sao chịu nổi?”.
Ông Trần Ngọc Phương - đại biểu HĐND xã Tân Nhựt đứng bật dậy cho biết: "Nếu như dưới sông cá chết, người bị bệnh ngày càng tăng thì không khí tại đây cũng đang bị đặt ở mức báo động ở. Ấp 1, 2, 3 xã Tân Nhựt, không khí bị đầu độc khiến các loài vật như ong, kiến vàng đều chết hoặc biến mất". Theo nhiều người dân, từ khi có KCN Lê Minh Xuân, khu vực này dần trở thành khu "đất không có sự sống", mùi hôi thối nồng nặc, chỉ cần rửa chân tại các kênh rạch cũng có thể gây ngứa và dị ứng da.
Theo báo cáo của ông Lê Minh Khanh, Giám đốc Ban Quản lý Khu công nghiệp Lê Minh Xuân, hiện KCN này có 159 DN đang hoạt động, cùng 121 cơ sở sản xuất trong khu tiểu thủ công nghiệp nằm kế bên. Các DN tại đây đều là những đơn vị có các hoạt động gây ô nhiễm cao như: sản xuất thuốc trừ sâu, nhuộm, xi mạ... KCN có nhà máy xử lý nước thải tập trung từ năm 2000, nhưng đến năm 2007, phần lớn các DN vẫn không chấp hành việc đấu nối đường ống nước thải vào hệ thống thu gom. “Thậm chí có những đơn vị xả thải thẳng ra hệ thống thoát nước mưa” - ông Khanh nói.
 |
Nước thải từ KCN Lê Minh Xuân đen đặc, hôi thối với đủ loại hóa chất độc hại. |
Đại biểu HĐND TP Đặng Văn Khoa cảnh báo: Tới 96% doanh nghiệp xả thẳng khí thải độc hại ra môi trường, có 98 DN trong KCN đấu nối sai hệ thống nước thải, cùng hơn 150 cơ sở đan xen trong các khu dân cư ngày đêm xả nước thải với tiêu chuẩn vượt nhiều lần cho phép ra kênh rạch sẽ tiếp tục tàn phá môi trường nhiều năm nữa. Vấn đề đặt ra là tại sao ô nhiễm người dân đều biết còn các cơ quan chức năng thì không? ông Khoa đặt dấu hỏi. TS Nguyễn Đăng Nghĩa, đại biểu HĐND TP bức xúc: KCN Lê Minh Xuân đúng là hiện tượng Vedan 2. Nếu Công ty Vedan đầu độc sông Thị Vải thì KCN Lê Minh Xuân đang đầu độc sức khỏe người dân.
Ông Nghĩa nói: “Đến con kiến, con ong cũng chết vì ô nhiễm thì con người chắc chắn cũng bị ảnh hưởng. Đây là Vedan 2 mà TPHCM cần phải xử lý ngay”.
Để ô nhiễm là có tội với dân
Trong khi sức khỏe người dân đang bị ảnh hưởng hằng ngày thì hiện không có một báo cáo nào về nguy hại nguồn nước ngầm, ô nhiễm không khí, kênh rạch cũng không thấy ai đánh giá, kiểm tra. Chánh Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Dụ cho biết, từ năm 2004 đến nay, đã kiểm tra xử phạt 126 DN tại KCN Lê Minh Xuân với tổng số tiền phạt trên 1 tỉ đồng. Trong 8 tháng đầu năm nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra 55 đơn vị trong KCN, phạt 22 DN với tổng số tiền phạt gần 300 triệu đồng. Dạng vi phạm phổ biến là không đấu nối hoặc đấu nối sai, không có hệ thống xử lý nước thải, xử lý nhưng không đạt yêu cầu... Hiện tượng cây lá bạc màu, cá chết, kiến vàng chết rộ lên vào cuối năm 2007 đã được xác định do hai “thủ phạm” là Công ty Việt Úc và Công ty Xử lý môi trường xanh. Sở đã ra quyết định xử phạt nhiều tháng, nhưng đến nay vẫn còn một đơn vị... chưa nộp tiền.
Phó Chủ tịch xã Tân Nhựt Nguyễn Đức Lộc thẳng thắn: Cho dù tình trạng ô nhiễm môi trường tại đây đã được phát hiện từ năm 2000 thì nhiều cơ quan chức năng vẫn đang làm thinh, thậm chí buông lỏng hẳn công tác quản lý, mặc cho môi trường của KCN đe dọa đến hàng chục nghìn dân huyện Bình Chánh. Thay mặt bà con trong xã, tôi kiến nghị không nên cho mở rộng hơn nữa dù có chủ trương mở rộng thêm KCN này. Ông Lộc bức xúc: Người dân lãnh đủ rồi: ô nhiễm nguồn nước, ô nhiễm không khí. Đường nước sinh hoạt lắp cho người dân để “ngó chơi” gần một năm nay mà chưa đấu nối được. 60 hộ dân của xã vẫn phải sống sát tường KCN, chịu mùi hôi thối suốt 11 năm nay vì Ban Quản lý nói rằng chưa có chỗ tái định cư.
 |
Cây cối bạc màu, trắng lá hai bên bờ kênh. |
Tại buổi tham vấn, hầu hết ý kiến đều bất bình về báo cáo của Ban quản lý KCN Lê Minh Xuân cho thấy sự tắc trách và trốn tránh trách nhiệm của KCN này. Nhiều ý kiến không đồng tình với những phân tích cho rằng, hiện còn thiếu các quy định để có thể áp dụng các biện pháp mạnh đối với các hành vi gây ô nhiễm, như đình chỉ hoạt động, cấm hoạt động. Đại biểu Nguyễn Đăng Nghĩa bức xúc: “Chính quyền yếu kém về năng lực, trách nhiệm; buông lỏng quản lý đã dẫn đến tình trạng này”. Ông Nguyễn Minh Hoàng, Trưởng ban Kinh tế và Ngân sách HĐND TPHCM nhấn mạnh, đúng là các cơ quan chức năng đã chưa làm đến nơi đến chốn nên mới xảy ra tình trạng như hiện nay.
Phó Chủ tịch HĐND TPHCM Huỳnh Thành Lập, đồng thời là Đại biểu Quốc hội huyện Bình Chánh cho rằng việc làm của KCN đang hủy hoại màu xanh, suy thoái môi trường, đem đến chết chóc tại nơi đây. KCN Lê Minh Xuân để ô nhiễm kéo dài là có tội với dân. “Việc phát hiện sai phạm như Vedan cũng xuất phát từ người dân, theo ý kiến tôi thì người dân có thể viết đơn yêu cầu KCN Lê Minh Xuân cam kết thực hiện. Nếu tiếp tục sai phạm, KCN rất có thể bị khởi kiện ra tòa, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự” – ông Huỳnh Thành Lập nói.
X. Đ